“Nữ quyền cực đoan” và “nữ tính độc hại”: Bệ phóng hay gánh nặng của phụ nữ?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - “Nữ quyền cực đoan” và “nữ tính độc hại” là hai thái cực lệch lạc trong hành trình đấu tranh giành bình đẳng, tôn vinh vai trò người nữ trong đời sống. Hai thái cực này tạo ra những gánh nặng vô hình, cản trở sự tiến bộ của xã hội.
Quá đề cao cuộc sống độc lập tự chủ, cho rằng không cần đến đàn ông trong cuộc sống chính là một trong những biểu hiện của “nữ quyền cực đoan”. (Nguồn ảnh: ngoisao.net)
Quá đề cao cuộc sống độc lập tự chủ, cho rằng không cần đến đàn ông trong cuộc sống chính là một trong những biểu hiện của “nữ quyền cực đoan”. (Nguồn ảnh: ngoisao.net)

“Nữ tính độc hại”: Gánh nặng từ ngàn xưa

Mới đây, chị T.H.L., một người phụ nữ bị chồng phản bội đã đăng lên mạng một đoạn clip ngắn quay cảnh chị “dằn mặt” nhân tình của chồng. Không chỉ thế, trong bài viết của chị đầy lời lẽ nặng nề, kết tội nhân tình của chồng rằng “đã biết người ta có vợ còn cố ý lao vào” hoặc “quyến rũ chồng người”. Chị L. cũng kể cho cộng đồng mạng, đây không phải là lần đầu chị đi “giải quyết” chuyện bồ bịch của chồng. Theo chị L., vì chồng chị đẹp trai, phong độ, kiếm tiền giỏi nên các cô gái cứ lao vào, buộc chị phải khéo léo “xử lý”. “Đàn ông thành đạt thích ong bướm là chuyện bình thường, còn mấy con tiểu tam vô liêm sỉ mới cần phải xử lý. Làm gì thì làm, chồng ngon lành mình phải cố gắng giữ cho mình, giữ cha cho con”. Quan điểm ấy của chị L. vẫn được không ít chị em vào hưởng ứng.

Một câu chuyện khác, chị P.T.T. là một nữ doanh nhân khá thành đạt, có vị trí trong ngành làm đẹp. Ra ngoài, chị “chinh chiến” với thương trường, có hàng trăm nhân viên, được nhiều người nể phục. Nhưng về nhà, chị vẫn là người chủ lực chăm con, nấu ăn. Người chồng làm công chức nhà nước, đi làm về thì thong thả tận hưởng giờ phút thảnh thơi. Nhiều bạn bè bức xúc giùm thì chị trả lời, chị phải làm việc nhà, dù có đủ điều kiện thuê tận mấy giúp việc, bởi chồng chị không thích người lạ tắm táp, bế bồng con mình, cũng không quen vị thức ăn do người ngoài nấu. Còn về chuyện chồng không phụ giúp mình, chị T. vẫn cho rằng đó là chuyện bình thường, bởi từ xưa, mẹ chị đã luôn dạy chị, phụ nữ ra ngoài có “làm vương làm tướng” gì, về nhà vẫn là một người vợ, vẫn phải chu toàn chuyện chồng con, cơm nước, vẫn phải “thấp hơn chồng một bậc”.

Đó chính là vài trong nhiều biểu hiện của “nữ tính độc hại” vẫn tồn tại trong xã hội ngày nay. Vậy “nữ tính độc hại” là gì? Đây là thuật ngữ được dùng để chỉ các chuẩn mực áp đặt một cách khuôn mẫu lên người phụ nữ như: phải biết cam chịu, chấp nhận, dịu dàng... khiến họ phải gạt đi những nhu cầu của bản thân để làm hài lòng người khác, thường người đó là đàn ông. Điều này đã gây tổn hại nghiêm trọng đến tính chủ động, tự chủ, cảm xúc và sức khỏe tinh thần của phụ nữ.

Những biểu hiện của “nữ tính độc hại” thường thấy là: sự cam chịu (các quan điểm đều cho rằng phụ nữ là phái yếu, do đó họ phải chấp nhận sự kiểm soát của phái mạnh, xu hướng này đã khiến cho một số người đặt mong muốn của người đàn ông lên trên mong muốn của bản thân); yêu cầu người khác cũng phải nữ tính (biểu hiện kiểm soát sự nữ tính của người khác liên quan đến việc gây áp lực); ganh ghét với người cùng giới; không coi trọng sức khỏe, sở thích cá nhân của bản thân để đáp ứng những tiêu chuẩn về sắc đẹp của xã hội dành cho phụ nữ; không coi trọng năng lực của bản thân, giả vờ không biết cách giải quyết hoặc luôn tỏ ra mình yếu đuối giữ thể diện cho người đàn ông.

Đáng nói, “nữ tính độc hại” không chỉ là một biểu hiện thấp thoáng đó đây, một tồn tại mang tính thiểu số, mà nó ẩn nấp trong đời sống một cách tinh vi khiến người ta khó có thể nhận ra. Trong các đoạn phim quảng cáo hay bài viết trên truyền thông tồn tại không ít hình ảnh, chi tiết cho thấy sự “đóng khung” trong quan niệm về vai trò của phụ nữ phải giỏi nhiều lúc nhiều công việc, trách nhiệm khác nhau.

Dù những năm qua, phong trào đấu tranh cho bình quyền phát triển, vai trò, vị trí của người phụ nữ đã được đề cao, nhưng theo các chuyên gia xã hội học, “nữ tính độc hại” đang tồn tại công nhiên, hoặc âm thầm trong đời sống, cản trở sự phát triển cân bằng của xã hội. Điều này đi ngược lại phong trào đấu tranh cho bình quyền, khiến phụ nữ trở thành nạn nhân của sự lạm dụng hoặc chấp nhận sống trong điều kiện thiếu an toàn hoặc kiệt sức trong sự tự thúc đẩy mình nhằm có thể làm hài lòng đối phương, tổn hại đến sức khoẻ thể chất và tinh thần...

“Nữ quyền cực đoan”: Sự lệch lạc mang tính thời đại

Sự cam chịu, hạ thấp bản thân của những quan điểm “nữ tính độc hại” làm khổ nhiều thế hệ phụ nữ.

Sự cam chịu, hạ thấp bản thân của những quan điểm “nữ tính độc hại” làm khổ nhiều thế hệ phụ nữ.

Nằm ở một thái cực khác, đối lập với “nữ tính độc hại” chính là “nữ quyền cực đoan”. So với “nữ tính độc hại” thì “nữ quyền cực đoan” có nhiều biểu hiện rõ ràng, phổ biến trong xã hội hơn.

Đó đây, người ta vẫn thấy những quan điểm được thể hiện rõ ràng trong các bài viết, các bình luận bày tỏ suy nghĩ, hay một số tiểu phẩm hài, thậm chí cả trong MV ca nhạc, phim truyền hình... rằng “đàn ông luôn sai”. Trong một cuộc hôn nhân thất bại, lỗi là ở người đàn ông chưa đủ tốt. Trong một cuộc cãi cọ, đàn ông sẽ bị lên án vì thiếu nhẫn nại, thiếu nhường nhịn phụ nữ. Khi đàn ông ngoại tình, ấy là một tội lỗi không thể tha thứ. Khi phụ nữ ngoại tình, ấy là bởi “người đàn ông phải tệ bạc đến thế nào mới đẩy vợ đến nước ấy”. Đàn ông bạo hành phụ nữ, ấy là hạng đàn ông vũ phu, độc ác, vô lương tâm. Phụ nữ đánh chồng là vì người đàn ông nhu nhược, đó là câu chuyện “hài hước cho vui”. Đàn ông keo kiệt, siết chặt tiền bạc, ấy chính là “bạo hành kinh tế” trong gia đình, nhưng phụ nữ “tịch thu” toàn bộ thu nhập, khiến chồng không có tiền để xài, đó chính là “bí quyết giữ gìn hạnh phúc gia đình”. Phụ nữ khóc thật đáng thương, đáng cảm thông, còn đàn ông mà khóc, gã đàn ông ấy thật yếu đuối, “không đáng mặt đàn ông”. Phụ nữ khen đàn ông đẹp, hoặc thậm chí có cả hành vi “động chạm” đến thân thể đàn ông là hành vi quá lố cho vui, nhưng nếu hành động ấy xuất phát từ cánh đàn ông, thì biết bao từ ngữ công kích ập đến, như “biến thái”, “thô bỉ”, “xấu xa”. Thậm chí, phụ nữ bị xâm hại, lạm dụng, đó chính là bi kịch, kẻ thủ ác đáng bị lên án, nhưng nam giới bị xâm hại lại trở thành câu chuyện cười “trà dư tửu hậu”...

“Nữ quyền cực đoan” chính là như thế, là khi mà người phụ nữ và một số không nhỏ trong xã hội đề cao quá mức vai trò của phụ nữ, coi trọng quá mức cảm xúc của nữ giới, nhưng hạ thấp vai trò của người đàn ông, quay lưng trước những bất công, những nỗi khổ, niềm đau hay bất công mà nam giới phải gánh chịu.

“Nữ quyền cực đoan” giờ đây thường được nhắc nhiều như một cụm từ để chỉ những hành động đấu tranh vì nữ quyền nhưng theo hướng tiêu cực. Đó có thể là việc cho rằng phụ nữ cần sống độc lập, không cần đến người đàn ông trong cuộc sống, kêu gọi phụ nữ không làm việc nhà, phụ nữ phải là nhất, hạ thấp vị trí của nam giới… Đó là những đòi hỏi vô lý đội lốt nữ quyền.

Nếu như “nữ tính độc hại” là “sản phẩm” sót lại từ hệ tư tưởng phong kiến, cũ kĩ, thì “nữ quyền cực đoan” lại là sản phẩm mới của những luồng tư tưởng “tiến bộ nửa vời”, của những người hoặc thiếu hiểu biết, hoặc cố ý diễn giải lệch lạc về ý nghĩa của sự bình quyền.

Nếu như sự giải phóng phụ nữ, cuộc đấu tranh cho sự bình quyền và bình đẳng giới chính là “bệ phóng” tốt đẹp để người phụ nữ có thể đạt được nhiều thành tựu, sống tự do, hạnh phúc thì “nữ tính độc hại” và “nữ quyền cực đoan”, dù ở thái cực nào đều là những vật cản cực kì lớn. Cả hai đặt cho người phụ nữ những gánh nặng đầy trì kéo, khiến người phụ nữ nói riêng và một bộ phận trong xã hội nói chung nhầm lẫn về khái niệm bình đẳng và giá trị của nữ giới, khiến cho con đường vươn đến một xã hội bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc cho mọi giới trở nên gian nan hơn.

Việc thoát ra khỏi “nữ tính độc hại” và “nữ quyền cực đoan” đòi hỏi sự tự nhận thức, quyết tâm từ mỗi một người phụ nữ và của cả cộng đồng. Đây là một quá trình liên tục và không ngừng. Mỗi một thay đổi nhỏ trong tư duy, hành động đều có thể tạo ra những thay đổi tích cực và bền vững trong cuộc sống.

Đọc thêm