Mong muốn tạo ra sự khác biệt thông qua STEM
Ngày 14/8/2024, theo thông tin từ Hội đồng Anh, 5 nữ sinh Việt Nam đã nhận học bổng toàn phần khối ngành STEM (Khoa học - Công nghệ - Kỹ thuật và Toán học) dành cho nữ giới (Women in STEM) thuộc hai chương trình ASEAN Vương quốc Anh SAGE (SAGE - Hỗ trợ sự tiến bộ của chương trình giáo dục dành cho trẻ em gái) và Học bổng Women in STEM của Hội đồng Anh. Cả hai chương trình học bổng đều nhằm giải quyết sự chênh lệch về giới tính trong việc tiếp cận giáo dục trong các lĩnh vực STEM.
Được biết, Học bổng ASEAN - Vương quốc Anh SAGE khối ngành STEM dành cho nữ giới từ tất cả các quốc gia thành viên của khối ASEAN (AMS) gồm Brunei Darussalam, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam cùng Timor-Leste. Trong khi đó, Học bổng Women in STEM của Hội đồng Anh dành cho nữ giới thuộc các quốc gia khu vực Nam Á, Đông Á, châu Âu mở rộng và châu Mỹ.
Sau quá trình lựa chọn đầy sự cạnh tranh với hàng trăm đơn đăng ký, 5 sinh viên của Việt Nam đã xuất sắc được lựa chọn nhận 5 trong tổng số 24 học bổng từ cả hai chương trình ASEAN - Vương quốc Anh SAGE và Women in STEM của Hội đồng Anh. Các nữ sinh Việt Nam nhận Học bổng Women in STEM (2024) bao gồm Lâm Ngọc Ngân - Thạc sĩ Nghiên cứu Sinh học Liên ngành, Đại học Warwick; Nguyễn Hà Phương Thảo - Thạc sĩ Quản lý Kinh doanh Kỹ thuật, Đại học Warwick (theo Học bổng khối ngành STEM dành cho nữ giới thuộc chương trình ASEAN - Vương quốc Anh SAGE); Nguyễn Vũ Tường Linh - Thạc sĩ Đổi mới Kinh doanh và Khởi nghiệp, Đại học Bristol; Nguyễn Thị Thu Thủy - Thạc sĩ Chính sách và Quản lý Môi trường, Đại học Bristol; Trương Ngọc Mai - Thạc sĩ Truyền thông Khoa học vì Một Hành tinh tốt đẹp hơn, Đại học Bristol (theo Học bổng khối ngành STEM dành cho nữ giới thuộc của Hội đồng Anh).
Trước thực trạng, phụ nữ chỉ chiếm 29,2% lực lượng lao động trong khối ngành STEM trên toàn cầu, mặc dù con số này chiếm gần một nửa trong các lĩnh vực lao động không phải STEM, 5 nữ sinh viên Việt Nam đều chia sẻ niềm đam mê của mình và mong muốn tạo ra sự khác biệt thông qua STEM, một lĩnh vực mà phụ nữ thường bị thiếu đại diện.
Bà Donna McGowan, Giám đốc Hội đồng Anh tại Việt Nam chia sẻ: “Tôi tin rằng những câu chuyện thành công cùng vai trò của họ trong tương lai sẽ thực sự giá trị đối với các lĩnh vực STEM, qua đó truyền cảm hứng cho nhiều phụ nữ và trẻ em gái hơn nữa để đạt được những thành công trong sự nghiệp với lĩnh vực STEM. Những học bổng này sẽ giúp giải quyết vấn đề thiếu đại diện của phụ nữ trong vai trò lãnh đạo STEM và một trong những lý do dẫn đến sự thiếu đại diện này là thái độ và các quan điểm xã hội và nhận thức về vai trò của phụ nữ và trẻ em gái trong STEM”.
Trước đó, tháng 4/2023, Hoàng Phương Nga (29 tuổi) đã giành học bổng toàn phần trị giá 300.000 USD (khoảng 7 tỷ đồng), theo học tiến sĩ giáo dục tại ĐH Colorado Boulder. Để giành học bổng toàn phần bậc tiến sĩ, Hoàng Phương Nga đã trải qua hành trình dài theo đuổi giáo dục STEM từ những ngày đầu là sinh viên ngành Công nghệ thông tin của Đại học FPT Hà Nội. Song song với việc tiếp tục theo đuổi chương trình tiến sĩ tại Mỹ, Nga đồng thời tham gia tình nguyện cho các tổ chức như STEAM For Vietnam để có thể đóng góp cho giáo dục nước nhà ngay cả khi đang ở nước ngoài.
Rút ngắn khoảng cách của từ “biết” thành “làm” với STEM
Hoàng Phương Nga - nữ sinh viên nhận học bổng 100% tại FPT có 10 năm theo đuổi lĩnh vực giáo dục STEM. (Ảnh: NVCC - VNE). |
Ngoài những thuận lợi và cơ hội phát triển, Cách mạng công nghiệp 4.0 còn mang đến những nỗi lo ngại về tình trạng bất bình đẳng trong kinh tế - xã hội, điển hình là vấn đề bất bình đẳng giới trong lực lượng lao động. Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), tại Việt Nam, trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0, lao động nữ có nguy cơ bị thay thế bởi máy móc cao gấp 2,4 lần so với lao động nam, do có sự khác biệt về trình độ và vị thế trên thị trường lao động.
Hiện nay, tại Việt Nam, mặc dù vấn đề về bất bình đẳng giới vẫn đang được nỗ lực giải quyết thông qua các chính sách, chiến lược ngắn hạn và dài hạn, tuy nhiên, bất bình đẳng giới trong giáo dục, đặc biệt là giáo dục STEM vẫn còn tồn tại và chưa nhận được nhiều sự quan tâm, chú ý. Đặt trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0, nếu không có những biện pháp thúc đẩy, khuyến khích sinh viên nữ trong việc tiếp cận và theo đuổi ngành STEM thì khoảng cách về giới lại càng thể hiện rõ và ảnh hưởng lớn tới sự mất cân bằng trong lực lượng lao động sản xuất về sau.
Một thực tế nữa là tuy Việt Nam đã có các hoạt động truyền thông nhằm truyền cảm hứng cho nữ sinh theo đuổi các ngành nghề khoa học - kỹ thuật nhưng số lượng của những hoạt động thúc đẩy này chưa nhiều và chưa đạt được hiệu quả nhất định. Các chương trình này đa phần dừng ở diễn thuyết, nghe để biết, còn khả năng thúc đẩy từ “biết về STEM” tới “học về STEM” và “làm việc liên quan tới STEM” là không cao. Theo báo cáo của ILO, chưa đến 10% đối tượng nữ giới Việt Nam được khảo sát theo đuổi 2 ngành học kỹ sư, thông tin, truyền thông và công nghệ, trong khi đó 60,6% sinh viên nữ theo ngành học kinh doanh và thương mại. Vì thế, vẫn cần tìm lời giải cho bài toán về tỷ lệ sinh viên nữ theo học STEM tại các trường đại học trên toàn quốc để rút ngắn khoảng cách của từ “biết” thành “làm”.
Có thể thấy, STEM đóng vai trò thiết yếu trong bối cảnh thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang trong giai đoạn đầu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Thế nên, Nhà nước tất yếu cần đẩy mạnh giáo dục đào tạo STEM để cân bằng cơ cấu, bổ sung số lượng, nâng cao chất lượng lực lượng lao động, tạo ra một đội ngũ trí thức chất lượng, có đầy đủ những kĩ năng đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế thời đại mới.
Bàn về các biện pháp thúc đẩy, khuyến khích sinh viên nữ trong việc tiếp cận và theo đuổi ngành STEM, trong bài viết “Sinh viên nữ trong khối ngành stem trên thế giới và Việt Nam - thực trạng và bài học” 5 tác giả nữ đến từ Trường Đại học Kinh tế quốc dân bao gồm TS. Lương Thu Hà, Cao Thu Hương, Nguyễn Thanh Huyền, Trịnh Khánh Linh, Phạm Thùy Dương, Lê Thị Phương Linh cho rằng với lợi thế về nguồn nhân lực trên 96 triệu dân, cơ hội và tiềm năng phát triển kinh tế của Việt Nam trên thực tế là rất lớn. Tuy nhiên, song song với các lợi ích kinh tế, thực tế chỉ ra rằng, để hoàn thành mục tiêu phát triển bền vững quốc gia, cần phải phát hiện, khắc phục và giải quyết triệt để những vấn đề xã hội, đặc biệt là sự mất cân bằng giới tính trong lực lượng lao động. Tình trạng mất cân bằng về giới trong khối sinh viên ngành STEM vẫn đang là một thách thức đối với Việt Nam. Những rào cản có ảnh hưởng nhất định tới việc sinh viên nữ quyết định tiếp cận và gắn bó với nhóm ngành STEM chủ yếu là tới từ xã hội và gia đình. Việc nhận thức chưa đúng của bản thân sinh viên nữ về khả năng của mình cũng đã ảnh hưởng xấu tới tỷ lệ sinh viên nữ trong giáo dục STEM.
Vì thế, các tác giả nhấn mạnh rất cần sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, cũng như là sự phối hợp của các Bộ, ngành, tổ chức liên quan trong việc tiếp tục thực hiện và triển khai hiệu quả một số giải pháp như: Thúc đẩy việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về giới, khuyến khích các cuộc nghiên cứu về bất bình đẳng giới trong khối ngành STEM ở các cấp giáo dục để có cái nhìn toàn diện và khách quan; từng bước xóa bỏ rào cản trong quá trình tìm hiểu và định hướng ngành học.
Tiếp tục hợp tác, khuyến khích triển khai các hoạt động truyền thông, truyền cảm hứng nhằm thay đổi nhận thức xã hội về vai trò của nữ giới trong các ngành nghề thuộc STEM. Các chiến dịch thúc đẩy sinh viên nữ nói riêng và con gái nói chung tìm hiểu và gắn bó với ngành STEM cần được chú trọng hơn nữa trong việc cải thiện chất lượng và nâng cao hiệu quả của chương trình để sinh viên nữ chủ động khai phá tiềm năng của bản thân trong lĩnh vực STEM, rút ngắn khoảng cách của từ “biết” thành “làm”.
Giáo dục STEM tại Việt Nam tuy đã được triển khai từ lâu, tuy nhiên, hiệu quả lại chưa rõ rệt và không có sự thống nhất trong các chương trình. Vì vậy, về mặt lâu dài, Bộ cần hợp tác với các bên liên quan để đưa ra phương hướng cụ thể cho giáo dục STEM, nhằm bảo đảm chất lượng việc đào tạo, trang bị các kỹ năng, kiến thức cơ bản cần thiết và tạo tâm lý sẵn sàng cho học sinh, sinh viên từ sớm.
Nhà nước, các trung tâm giáo dục nghề nghiệp, các trường đại học, cao đẳng cần có những chính sách khích lệ, động viên kịp thời đối với các sinh viên nữ tiêu biểu, đạt kết quả xuất sắc theo học nhóm ngành STEM...