[links()]Sáng nay, 9/7, Cụm thi Vinh tại Hội đồng thi Trường THCS Hưng Bình (TP.Vinh, Nghệ An) xuất hiện một thí sinh đặc biệt là bà Nguyễn Thị Phong (56 tuổi), dự thi vào Trường ĐH KHXH&NV TPHCM. Đặc biệt bởi, bà Phong 56 tuổi, đã có 2 cháu nội, đầu nhiều thứ tóc nhưng vẫn quyết tâm ứng thí với các thí sinh bằng tuổi cháu mình.
Bà Phong sinh ra trong một gia đình nghèo, hiếu học, ông nội là thầy đồ của xã, bố là một bác sỹ Quân y. Bà lớn lên trong điều kiện nghèo khó nhưng cố gắng học hành tốt. Bà Phong tốt nghiệp trường cấp 3 Thanh Chương, rồi thi đậu vào ĐH Thủy Sản, nhưng do nhận được giấy báo trúng tuyển quá muộn nên không được nhập học.
Bà Phong tự tin bước vào "đấu trí" với các thí sinh đáng tuổi cháu. |
"Đợt ni tui đi thi để kiểm tra lại kiến thức của mình so với lớp trẻ xem thử đã lạc hậu quá chưa thôi…”, bà Phong cười cho biết.
Sau khi tốt nghiệp cấp 3, bà Phong làm công nhân của Nông trường 3-2 (đóng tại huyện Quỳ Hợp, Nghệ An) rồi học lên và được phân công làm kế toán của nông trường.
Năm 1978, bà lấy chồng, có một con trai nhưng hạnh phúc không êm ấm, bà đã li dị và nuôi con một mình. Sau một thời gian, bà chuyển vào Đà Lạt sinh sống. Hơn 4 năm trước, bà trở về quê và "góp gọi thổi cơm" với một quân nhân phục viên và cũng đã qua một đời vợ, có một con. Người con trai của chồng bà cũng học hành thành đạt, hiện là Giám đốc Trung tâm đào tạo và phát triển nguồn nhân lực ở TP HCM.
“Khi tui đưa ý kiến sẽ đăng ký dự thi đại học, con cái và chồng tui không hề phản đối mà đều vui vẻ ủng hộ và động viên để cố gắng thử sức, con dâu tui còn gửi cho tui 3 bộ đề thi từ TP HCM về để tui ôn đi thi. Mấy ngày ni tui cũng không ôn thi được nhiều, vì chương trình học có thay đổi nhiều so với thế hệ tui, nhưng vẫn “giải quyết” được 2 câu có thể coi như là tốt”, bà Phong chia sẻ.
Bà Phong bên các sinh viên tình nguyện. |
Những ánh mắt tò mò trong phòng thi không làm bà mất tự tin. Giám thi phòng thi cô giáo Đặng Thị Thu cho biết: “Tôi hết sức ngạc nhiên khi vào phòng thấy một thí sinh nhiều tuổi như vậy, thực sự tôi rất khâm phục bà Phong, với một nỗ lực tuyệt vời khi ngồi vào phòng thi ứng thí cùng các cháu”.
Bà Phong nhận định về đề thi: “Với câu hỏi, "Kẻ cơ hội thì nôn nóng tạo ra thành tích, người chân chính thì kiên nhẫn lập nên thành tựu” tui làm khá tốt, nhưng tui nghĩ sẽ khó đối với các cháu. Vì những điều như thế này cần phải trải qua những thực tiễn cuộc sống nhiều, mà trên ghế nhà trường không dạy…” .
Theo bà Phong thì chiều nay, với môn Lịch Sử, có thể bà sẽ làm bài tốt hơn.
Ngô Toàn