Theo Fox News, tiến sĩ Erin Kobetz là nhà nghiên cứu ung thư tại Đại học Miami (Mỹ). Một ngày, trong lúc soi gương để chuẩn bị đi làm, cô nhận thấy cổ họng bị sưng.
"Không có cách nào để diễn tả", tiến sĩ Kobetz nhớ lại. "Chỉ biết họng tôi trông rất kỳ lạ".
Bác sĩ của tiến sĩ Kobetz khám, khẳng định cổ họng của nữ tiến sĩ trông bất bình thường nhưng không thể giải thích nguyên nhân.
Trước kia, Kobetz từng bị viêm tuyến giáp Hashimoto, tình trạng tự miễn dịch có thể làm tuyến giáp sưng lên. Tuy nhiên, cô chắc chắn dấu hiệu kỳ lạ ở cổ họng không phải do viêm tuyến giáp gây ra.
May mắn, bác sĩ của Kobezt quan niệm "bệnh nhân nên tin vào trực giác của mình" nên đề nghị nữ tiến sĩ đi kiểm tra kỹ. Kết quả siêu âm cổ cho thấy Kobetz bị ung thư tuyến giáp. Thực tế, viêm tuyến giáp Hashimoto làm tăng nguy cơ ung thư nhưng khả năng này là rất nhỏ.
Các bác sĩ đã cắt bỏ toàn bộ tuyến giáp cùng hạch bạch huyết ở cổ của Kobetz kết hợp với phương pháp iode phóng xạ. Nhờ đó, bệnh của cô hiện đã thuyên giảm.
Theo tiến sĩ Kobetz, bất cứ ai trải qua những sự kiện mang tính bước ngoặt như ung thư cũng sẽ ý thức hơn về cuộc đời vô thường. Giờ đây, để khỏe hơn, Kobetz theo đuổi các thói quen lành mạnh. Cô chăm chỉ tập thể dục và ăn uống khoa học.
"Khi bị ung thư, bạn sẽ nhận thức rõ hơn về cái chết của chính mình", tiến sĩ Kobetz trải lòng. "Tôi tự hỏi mình sẽ trở thành ai, sẽ sống như thế nào. Chúng ta chỉ có một cuộc đời mà thôi".
Ngoài cuộc sống cá nhân, ung thư còn thay đổi cái nhìn của tiến sĩ Kobetz về công việc. "Tôi không còn muốn theo đuổi khoa học vì khoa học chỉ dựa trên thống kê. Bản thân tôi đã là một chỉ số thống kê rồi", nữ tiến sĩ trải lòng.