Nữ tổ trưởng miệt mài 'gieo' vốn chính sách giữa đại ngàn

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Là người dân tộc thiểu số vùng cao, thấu hiểu sự vất vả của bà con dân bản nên chị Hồ Thị Bé, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội ở bản YLeeng (xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình) luôn nhiệt tình hỗ trợ, giúp đỡ bà con nghèo thay đổi dần nhận thức, mạnh dạn vay vốn chính sách để phát triển kinh tế, vươn lên ổn định cuộc sống.
Buổi họp sinh hoạt định kỳ hàng tháng của Tổ TK&VV YLeeng 1.
Buổi họp sinh hoạt định kỳ hàng tháng của Tổ TK&VV YLeeng 1.

Sinh năm 1988, là người dân tộc Bru Vân Kiều, chị Hồ Thị Bé được tổ viên Tổ tiết kiệm và vay vốn (Tổ TK&VV) bản YLeeng tín nhiệm bầu làm Tổ trưởng từ năm 2017, đến nay đã được gần 6 năm chị làm Tổ trưởng Tổ TK&VV YLeeng 1 thuộc Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Dân Hóa quản lý.

Những năm đầu khi mới bắt đầu làm tổ trưởng, chị gặp rất nhiều khó khăn, khó khăn lớn nhất đối với chị đó là nhận thức của bà con dân bản, đặc biệt là bà con dân tộc thiểu số, hội viên phụ nữ nghèo vốn còn nhiều hạn chế, đa số chị em thường trông chờ vào chế độ trợ cấp của Nhà nước, chưa biết tự mình vươn lên, đa số hội viên phụ nữ chưa mạnh dạn vay vốn tín dụng chính sách của Chính phủ thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội, hoặc một số chị em đã vay vốn thì đồng vốn không phát huy được hiệu quả, thường xuyên chậm trả lãi, không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ trả nợ với Nhà nước.

Vượt qua những khó khăn đó, chị Hồ Thị Bé thường xuyên tranh thủ những lúc rảnh rỗi công việc gia đình, thậm chí là cả buổi tối để tiếp cận các hội viên phụ nữ, hội viên nghèo nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của chị em, từ đó hướng dẫn, tư vấn cho hội viên mạnh dạn vay vốn tín dụng chính sách lãi suất ưu đãi để chăn nuôi, trồng rừng cây keo lai. Đồng thời chị đã kịp thời báo cáo, đề xuất lên Hội Liên hiệp Phụ nữ xã để báo cáo Ban giảm nghèo xã đề xuất bổ sung các nguồn vốn vay hỗ trợ bà con vay vốn.

Bản YLeeng có 162 hộ dân, với 180 hội viên phụ nữ, trong đó có đến 140 hội viên phụ nữ thuộc hộ nghèo (chiếm đến 77,8% số hội viên), hội viên phụ nữ đa số thuộc đồng bào dân tộc thiểu số Bru Vân Kiều. Đến nay nguồn vốn cho vay tại Tổ TK&VV YLeeng 1 là 11 chương trình tín dụng với tổng nguồn vốn vay là 1.682 triệu đồng, có 29 tổ viên vay vốn, bình quân mỗi tổ viên được vay vốn số tiền 58 triệu đồng/tổ viên, hàng tháng các tổ viên vay vốn chấp hành rất tốt việc nộp tiền lãi, không có trường hợp tổ viên nào nợ tiền lãi từ 2 tháng trở lên, trong tổ không có trường hợp vay vốn để nợ vay quá hạn.

Mô hình vay vốn chăn nuôi lợn sinh sản phát huy tốt hiệu quả của tổ viên Hồ Thị Ta ở bản YLeeng, xã Dân Hóa.

Mô hình vay vốn chăn nuôi lợn sinh sản phát huy tốt hiệu quả của tổ viên Hồ Thị Ta ở bản YLeeng, xã Dân Hóa.

Ngoài việc vay vốn phát triển sản xuất, chăn nuôi, chị Hồ Thị Bé còn phổ biến chủ trương gửi tiền tiết kiệm hàng tháng đến các tổ viên, mức gửi chỉ từ 20 ngàn đồng - 50 ngàn đồng/1 tổ viên/tháng tùy theo số tiền vay của mỗi tổ viên, chị đã tổ chức họp tổ và phổ biến quy ước về gửi tiền tiết kiệm để dành trả lãi khi gia đình gặp khó khăn, trả dần nợ gốc, tránh gây áp lực phải trả nợ một lần khi đến hạn, quy ước được tổ viên trong Tổ nhất trí, đồng thuận cao. Đến nay, trong Tổ có 27/29 tổ viên tham gia gửi tiền tiết kiệm với số tiền 34,8 triệu đồng, bình quân mỗi tổ viên có số dư gần 1,3 triệu đồng.

Bên cạnh công tác phối hợp giải ngân nguồn vốn đến các tổ viên, chị Hồ Thị Bé đã thường xuyên giám sát các tổ viên trong quá trình sử dụng vốn vay, phối hợp với Hội Phụ nữ xã thực hiện kiểm tra trực tiếp hộ vay về mục đích sử dụng vốn, qua đó kịp thời phát hiện các tổ viên chậm sử dụng vốn để mua cây, con giống khi vay vốn về, nhắc nhở các tổ viên thực hiện sử dụng vốn kịp thời và đúng mục đích, đối với đồng bào dân tộc thiểu số việc đầu tiên là phải sử dụng vốn vay đúng vào mục đích xin vay thì khi đó đồng vốn mới phát huy được hiệu quả để bảo đảm đem lại hiệu quả và khả năng trả lãi, trả nợ cho Ngân hàng Chính sách xã hội. Qua công tác giám sát và kiểm tra thường xuyên cho thấy các tổ viên đều sử dụng nguồn vốn vay đúng mục đích, đồng vốn tín dụng chính sách đang ngày càng phát huy tốt hiệu quả.

Điển hình các tổ viên vay vốn phát huy tốt hiệu quả như chị Hồ Thị Ta vay vốn chương trình hộ nghèo số tiền 70 triệu đồng, phát triển chăn nuôi lợn sinh sản và trồng rừng cây keo lai, đến nay đàn lợn của chị thường xuyên có trên 20 con, 5 con lợn nái và 15 con lợn thịt, thu nhập hàng năm của gia đình từ 25 - 30 triệu đồng/năm. Hay như mô hình của chị Hồ Thị Xinh vay vốn chương trình hộ cận nghèo số tiền 60 triệu đồng để chăn nuôi bò sinh sản và trồng cây keo lai, nhờ nguồn vốn vay đã tạo việc làm cho 3 lao động trong gia đình, đàn bò của chị thường xuyên có đến 15 con và đầu tư trồng 3 hecta rừng cây keo lai, hàng năm đem lại thu nhập cho gia đình từ 30 - 40 triệu đồng/năm.

Đọc thêm