“Nửa nạc nửa mỡ” phim dành cho người lớn tại Việt Nam

(PLO) - Thời điểm gần đây, phim điện ảnh, truyền hình gắn mác “không dành cho trẻ em” rầm rộ xuất hiện trên thị trường phim Việt. Tuy nhiên những sản phẩm mang nhãn “16+”, “18+” lại nửa nạc nửa mỡ, chẳng giống ai…

Một cảnh trong Chuyện ấy là chuyện nhỏ
Một cảnh trong Chuyện ấy là chuyện nhỏ 
Nghịch lý “nửa nạc nửa mỡ”
Sự kiện đang nóng hổi nhất là serie phim Chuyện ấy là chuyện nhỏ (từ phiên bản của truyền hình Mỹ), phim mở đầu cho dòng truyền hình 18+ tại Việt Nam đã ngưng phát sóng. Trước khi phát sóng, serie phim được quảng cáo rầm rộ và kì vọng “mở màn đẹp” cho truyền hình gắn mác người lớn tại Việt Nam, được chiếu vào khung giờ vàng 23h từ 10/11 trên VTV2. 
Vậy mà, chỉ sau chưa đầy một tháng, phim đã ngưng phát sóng và thậm chí nhà đài cũng không thể cho biết mình có dự định tiếp tục hay không. 
Tuy phía VTV không đưa ra lý do, nhưng không khó để khán giả đoán ra. Sau bao háo hức chờ đợi, những tập đầu phát sóng đã gây thất vọng cho phần đông khán giả, tụt lượt theo dõi nhanh chóng. Lý do là các tập phim không còn tinh thần của "Chuyện ấy là chuyện nhỏ" phiên bản Mỹ. 
Vì sao ư? Đơn giản là do quy định kiểm duyệt tại Việt Nam, bộ phim đã được biên tập nhằm bỏ hết những đoạn có yếu tố sex, hở hang, lời thoại mạnh bạo, vi phạm thuần phong mỹ tục. Trong khi đó, yếu tố hút khách của Chuyện ấy là chuyện nhỏ chính là những cảnh nóng, lời thoại táo bạo, có phần tục, những cảnh phòng the “quay lén”. 
Sự cắt gọt đã khiến serie phim không những mất đi sự hấp dẫn của nguyên bản, mà còn trở nên rời rạc, khó hiểu, khiến khán giả xem mà ngơ ngác.
Chuyện nửa nạc nửa mỡ không chỉ nằm ở Chuyện ấy là chuyện nhỏ. Hàng loạt những phim 16+ ra mắt tại các cụm rạp lẫn liên hoan phim toàn quốc vừa qua cũng dính vào “nghịch lý” này. Nói thêm một chút về mác 16+ được dán cho các phim điện ảnh, là bởi các phim này có những yếu tố “chỉ dành cho người lớn” như: cảnh nóng, bạo lực, kinh dị rùng rợn, lời thoại thô tục…. 
Tuy nhiên, chính những yếu tố này lại là yếu tố hút khách, cho nên mới có chuyện các dòng phim này bùng nổ thị trường phim Việt thời gian qua, mà đỉnh điểm là nửa cuối năm 2014. Từ tháng 6/2014 đến nay, có hơn 20 phim nước ngoài và bảy phim Việt không dành cho trẻ em dưới 16 và đều là “phim hot”, được truyền thông rầm rộ và có doanh thu cao: Hiệp sĩ mù, Hương ga, Tội ác ngủ say, Đoạt hồn, Bệnh viện ma ám, Tế xác, Trò chơi gọi hồn, Tượng ma, Lạc giới, Mất xác, Bước khẽ đến hạnh phúc, Ham muốn thể xác, Vợ người yêu và người tình…
Cảnh nóng của Trương Ngọc Ánh và Kim Lý trong Hương Ga.
Cảnh nóng của Trương Ngọc Ánh và Kim Lý trong Hương Ga. 
Chỉ là chiêu câu khách!
Tuy nhiên, điều cần nói ở đây không phải là chuyện phim “người lớn” phủ sóng truyền hình, điện ảnh Việt, mà là cách xử lý phim chẳng giống ai của chúng ta. Nếu ai đã xem các phim được gắn mác “16+” ở Việt Nam, hẳn sẽ có một nhận định chung là chẳng có gì để cấm trẻ em và rời rạc, khó hiểu. 
Cũng giống như số phận của Chuyện ấy là chuyện nhỏ, những bộ phim được dán nhãn này đã trải qua quá trình kiểm duyệt, cắt xén hầu hết những đoạn bạo lực, cảnh nóng, kinh dị và thô tục. Mà trong khi, có những đoạn lại là những phần không thể thiếu của phim, thế nên chuyện khá hay gặp là khán giả xem phim ngơ ngác nhìn nhau: “Ủa, đoạn này là sao, không hiểu?”
Và nếu đã mạnh tay cắt xén như thế, thì hóa ra cái nhãn khuyến cáo 16+, 18+ không còn ý nghĩa bao nhiêu nữa, vì cảnh nóng, bạo lực, kinh dị có còn bao nhiêu đâu mà sợ? Ngoài ra, trên thực tế, khuyến cáo như vậy, nhưng có ai kiểm soát tại rạp, tại nhà để cấm không cho những đối tượng dưới 16 tuổi xem phim? 
Rút cục, cái mác “dành cho người lớn” thực ra lại trở thành chiêu chưa bao giờ cũ của nhà sản xuất, phát hành phim dùng để câu khách mà thôi. Mà quả thật, hễ phim có mác 16+, thì mức độ lan truyền, gây tò mò nhanh, và bao giờ cũng thu hút một lượng đông đảo người đi xem, chẳng qua cũng vì tò mò coi phim “có gì trong đó mà cấm”.
Chuyện kiểm duyệt phim chắc chắn là điều cần thiết. Nhưng kiểm duyệt thế nào và dán nhãn thế nào cho hợp lý lại là một vấn đề khá khó nghĩ cho các nhà quản lý. Nếu việc kiểm duyệt và khuyến cáo không đi sát với thực tế, thì hiệu quả chẳng là bao, cái lợi chỉ là quảng cáo dùm cho nhà làm phim, lại còn tạo ra những nghịch lý của điện ảnh trong nước.

Đọc thêm