Nực cười chuyện xử phạt phim “rác“

(PLO) - Khi các bộ phim, clip “rác” bị “sờ gáy” thì mức phạt chỉ vài chục triệu đồng. Số tiền này quá nhỏ so với tiền tỷ thu về từ các trang web kinh doanh nội dung phim “rác”. Việc xử phạt nhẹ hều, chẳng khác gì “chổi lông gà quét bã cao su” khiến các “nhà sản xuất” và các trang mạng vẫn “nhiệt tình” tung các sản phẩm “rác”.  

Nực cười chuyện xử phạt phim “rác“
Không sợ phạt
Ngày 19/8, Thanh tra Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) đã ra văn bản xử phạt Trung tâm Tư vấn phát triển vì sức khỏe cộng đồng vì đã phổ biến phim ngắn “Vụ thảm sát số 6” trên trang web http://lifetv.vn có nội dung kích động, bạo lực. Đoạn phim “phát hành” chưa được một tuần nhưng có lượt xem lên tới hàng trăm ngàn và gây bức xúc trong dư luận vì mô tả quá chi tiết, thô thiển, phản cảm, hành vi giết người bạo lực, vô nhân tính, tàn ác và có tính kích động bạo lực. 
Căn cứ vào Quy định tại Khoản 4 Điều 6 Nghị định số 158/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo, Thanh tra Bộ đã áp dụng mức phạt tiền đối với trang web này là 25 triệu đồng và buộc tiêu hủy tang vật, gỡ bỏ phim “Thảm sát số 6” trên trang web http://lifetv.vn. 
Trước đó, bộ phim 18+ “Căn hộ 69” “phủ sóng” trên Youtube khiến dư luận bức xúc. Phim đề cập tới những vấn đề về tình dục, sinh lý và tình yêu của những người trẻ tuổi sống ở thành thị một cách nhạy cảm, tục tĩu và lời thoại không phù hợp với văn hóa Việt Nam. “Căn hộ số 69” đã vi phạm việc chiếu phim khi chưa được phép phổ biến tại nơi công cộng quy định tại Khoản 3 Điều 6 Nghị định số 158/2013 ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực VH-TT&DL và quảng cáo. Quyết định xử phạt hành chính trong lĩnh vực văn hóa với nhà sản xuất phim “Căn hộ số 69” với mức phạt 10 triệu đồng.
Tuy là một phim điện ảnh nhưng “Bụi đời Chợ Lớn” cũng chịu chung số phận bị phạt khi lan truyền với tốc độ chóng mặt trên mạng, không những gây tổn hại nặng nề đối với những nhà làm phim và đơn vị sản xuất-phát hành mà còn ảnh hưởng lớn đến xã hội vì Bộ VH-TT&DL đã ra quyết định cấm chiếu bộ phim này do vi phạm pháp luật điện ảnh. 
Cụ thể, “Bụi đời Chợ Lớn” mô tả về những cuộc giao chiến đẫm máu giữa các băng nhóm giang hồ ở vùng Chợ Lớn - Sài Gòn để tranh giành địa bàn với nhau. Bà Nguyễn Thị Hồng Ngát, thành viên Hội đồng duyệt phim Quốc gia khẳng định: “Bộ phim có quá nhiều cảnh các băng nhóm xã hội đen “dàn trận” ngang nhiên chém giết không ghê tay, hỗn loạn bằng dao, kiếm, mã tấu… máu me vương khắp nơi mà không hề có sự can thiệp của chính quyền, người dân nào. 
Hội đồng đánh giá, những hình ảnh này cùng với âm thanh trong phim gây kích động bạo lực đối với khán giả và phản ánh không trung thực hiện thực xã hội Việt Nam nói chung và đời sống xã hội của nhân dân TP.HCM nói riêng”.
“Khoảng trống” trong quản lý phim trên mạng
Theo Luật gia Võ Xuân Đạt (Hà Nội), việc tàng trữ nhằm phổ biến phim thuộc loại cấm phổ biến hoặc đã có quyết định thu hồi, tịch thu, tiêu hủy có mức xử phạt từ 20 - 30 triệu đồng. Những người nào sao chép để nhân bản bộ phim này sẽ bị xử phạt từ 20 - 40 triệu đồng.  
Mới đây, TAND tỉnh Thừa Thiên Huế đã mở phiên xử sơ thẩm vụ án truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy với 5 bị cáo. Chủ đường dây phát tán phim sex trên mạng đã thu gần 177 tỷ đồng chỉ trong 2 năm. 177 tỷ là con số không hề nhỏ. Trong khi đó, nếu bị xử phạt thì mức phạt chỉ vài chục triệu đồng. Việc xử phạt nhẹ hều, chẳng khác gì “chổi lông gà quét bã ca su” khiến các “nhà sản xuất” và các trang mạng vẫn “nhiệt tình” tung các sản phẩm “rác” của mình.  
Những phim, clip phản cảm, phim 18+, bạo lực đã chọn internet để lách qua khâu kiểm duyệt. Mục đích đăng tải những phim chưa được kiểm duyệt ấy hầu hết để kiếm tiền. Từ một bộ phim bị cấm vĩnh viễn vì quá bạo lực nhưng rồi lại bị phát tán rộng rãi chỉ bằng động thái cực kỳ đơn giản trên internet đã cho thấy những “lỗ hổng” của mạng xã hội cũng như quy định còn nhiều kẽ hở của luật pháp và sự lúng túng của cơ quan quản lý. Lý do lớn nhất là quy định quản lý các sản phẩm văn hóa trên mạng hiện nay dường như đang bị bỏ ngỏ.
Khi có sản phẩm văn hóa vi phạm trên môi trường số xảy ra, phía Bộ VH-TT&DL cho rằng mình chỉ có chức năng thẩm định nội dung các sản phẩm văn hóa vật chất (như băng, CD, VCD…), còn nội dung trên môi trường số thuộc về Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT). Còn Bộ TT&TT cho rằng mình không đủ thẩm quyền để quyết định bộ phim… có được phép phổ biến hay không, trách nhiệm đó thuộc về ngành Văn hóa. Vì thế, những bộ phim, clip tự đăng tràn lan trên mạng nhưng rất ít trong số đó bị kiểm tra, xử phạt, mà chế tài xử phạt hành chính thì lại rất nhẹ như đã nói trên. 
Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh Đỗ Duy Anh cho biết, hiện nay khoảng 70% server đặt ở nước ngoài, mà vấn đề này vẫn chưa có một quy định cụ thể nào để quản lý, xử phạt. Vụ “Bụi đời Chợ Lớn” bị tung toàn bộ phim trên mạng Youtube sau khi bị Cục Điện ảnh cấm phổ biến là một thí dụ. Ngoài ra, với sự tiện lợi, dễ dàng và đa phần miễn phí khi xem phim trên các website này, người dùng internet vẫn đang vô tình tiếp tay cho nạn phim rác hoành hành.