Nước lũ dâng cao nhiều xã bị cô lập, hoa màu hư hại
Theo báo cáo nhanh của huyện Hương Khê, đến trưa 15/10, trên địa bàn có 10.357 hộ dân bị ngập, trong đó có 2.576 hộ ngập trên 2m. Mưa lũ đã làm ngập 16 xã, trong đó có 9 xã bị cô lập gồm: Hương Trạch, Hương Đô, Lộc Yên, Gia Phố, Hương Thủy, Hương Giang, Phương Điền, Phương Mỹ, Hòa Hải; 200ha lúa mùa bị ngập, 400ha bưởi Phúc Trạch bị ảnh hưởng, nước lũ làm 1.000 tấn lúa bị hư hỏng…; 400 con gia súc, 40 nghìn con gia cầm bị cuốn trôi. Nhiều công trình giao thông, thủy lợi, trường học, đường điện bị hư hỏng, ngập sâu trong nước.
Huyện Kỳ Anh hiện có 2 xã bị cô lập (Kỳ Thượng, Kỳ Lạc) và 29 hộ dân tại 3 xã Kỳ Lâm, Kỳ Sơn, Kỳ Tây bị ngập sâu, chính quyền địa phương đã di dời người dân lên vùng cao an toàn. Tính đến trưa 15/10, mưa lũ đã làm 253 nhà tại huyện Kỳ Anh bị ngập, đặc biệt tại xã Kỳ Lạc có tới 20 nhà ngập tới nóc; gần trên 50ha sắn, hàng chục ha ngô sinh khối bị hư hại hoàn toàn.
Nhiều ngôi nhà bị nước dâng gần đến mái |
Nước lũ cũng làm nhiều tài sản của các hộ dân bị hư hỏng, nhấn chìm hàng chục tấn lúa. Sáng 15/10, huyện Kỳ Anh đã chỉ đạo chính quyền địa phương các xã di dời 128 hộ dân bị ngập lụt nặng đến nơi an toàn; huy động lực lượng, phương tiện gia cố các hồ đập, đồng thời động viên các gia đình bị thiệt hại nặng nề về tài sản.
Tại huyện Cẩm Xuyên đến sáng 15/10, 300 ha cá nước ngọt trên toàn huyện đều bị cuốn theo nước lũ. Các xã ven sông như: Cẩm Mỹ, Cẩm Thành, Cẩm Vịnh, Cẩm Hưng, Cẩm Hà, Cẩm Lộc… bị ảnh hưởng nặng nề. Do nước lên nhanh vào ban đêm nên người dân không kịp trở tay.
Trên địa bàn huyện Vũ Quang, một số tuyến đường như: Ân Phú – Cửa Rào, đường vượt lũ đoạn qua xã Đức Giang, đường liên thôn ở khu vực các xóm 5, 6, 7 xã Đức Bồng... đã bị ngập sâu; 5 thôn với khoảng 520 hộ dân ở 2 xã Đức Bồng và Đức Giang đang bị bị cô lập.
Nhiều tuyền đường bị chia cắt, không thể đi qua |
Huyện Can Lộc đã có 49 thôn của các xã gồm: Sơn Lộc, Khánh Lộc, Thiên Lộc, Vĩnh Lộc, Kim Lộc, Song Lộc, Thường Nga, Trung Lộc, Xuân Lộc, Tùng Lộc, thị trấn Nghèn bị ngập cục bộ. Riêng xã Sơn Lộc có 7/9 thôn bị ngập, tỷ ngập khoảng 40%.
1 người ở thôn Chi Lệ tử vong do lũ cuốn, chưa tìm thấy thi thể.
Theo UBND huyện Can Lộc, hiện 4/6 hồ đập trên địa bàn đã tràn gồm: đập Anh Hùng, hồ Cửa Thờ - Trại Tiểu, đập Nhà Đường, đập Khe Trúc.
Quốc lộ 15B đoạn qua khu vực Cầu Sông nối Sơn Lộc (Can Lộc) với Việt Xuyên (Thạch Hà) với chiều dài khoảng 1 km bị ngập nặng. Lực lượng chức năng đã đặt biển cảnh báo và túc trực không để người dân đi qua khu vực nguy hiểm. Tại Thạch Hàmột số khu dân cư ở huyện Thạch Hà vẫn bị cô lập bởi nước lũ. Các xã khu vực gần sông Ngàn Mọ như Thạch Lâm, Thạch Tân là những xã chịu ảnh hưởng khá nặng.
Phải sẵn sàng đối phó với thiên tai
Còn tại huyện Hương Sơn, mưa lũ đã gây ngập lụt 34 hộ dân ở xã Sơn Giang, thị trấn Phố Châu, xã Sơn Tiến; tuyến đường biên giới Sơn Kim 2 bị sạt mái taluy với khối lượng 3.000m3; đường quản lý vận hành hồ chứa Khe Mơ (xã Sơn Hàm) bị sạt mái taluy dương với khối lượng 50m3; cầu dân sinh Khe Nậy (xã Sơn Lễ) bị sạt lở mố cầu với khối lượng 20m3 đất đá; 1 thuyền thủy văn Sơn Diệm bị lật hiện đang khắc phục.
Mưa lớn đã gây ra tình trạng chia cắt, cô lập một số thôn của các xã Xuân Lam, Xuân Viên, Xuân Lĩnh, Cổ Đạm (huyện Nghi Xuân). Đến 12 h trưa 15/10, có trên 300 hộ dân tại các xã nêu trên bị cô lập hoàn toàn, ảnh hưởng đến sinh hoạt và đi laị của người dân. Mưa lớn còn gây ngập úng 437 ha lúa mùa, 600 ha khoai đông, 120 ha rau màu và 101 ha ta mặt nước nuôi trồng thủy sản.
Nước lên khiến đồ đạc trong nhà người dân ngập nước, bị cuốn trôi |
Ngay trong ngày 15/10, Chủ tịch UBND tỉnh, Đặng Quốc Khánh cùng lực lượng chức năng đã lên Hương Khê chỉ đạo ứng phó với lũ lụt, thăm hỏi, trao quà cứu trợ cho người dân. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh đã điều động hàng trăm cán bộ chiến sỹ và tàu ca nô đến các vùng lũ, vùng bị cô lập ở Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang để ứng cứu.
Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh, Lê Đình Sơn đã đến kiểm tra tình hình mực nước tại hồ Kẻ Gỗ. Sau khi kiểm tra, Bí thư Tỉnh ủy chỉ đạo BQL hồ Kẻ Gỗ theo dõi sát sao, chủ động tính toán thời điểm, phương án xả lũ hợp lý. Đặc biệt, trước khi xả phải thông báo cho các địa phương vùng hạ du có phương án sơ tán người và tài sản kịp thời.
Các đồn, trạm biên phòng tuyến núi cũng đã tăng cường lực lượng xuống các thôn, bản để tham gia giúp dân khắc phục hậu quả sau lũ, với phương châm "nước rút đến đâu tổng dọn vệ sinh đến đó"; tiếp tục theo dõi diễn biến thời tiết, kịp thời có các phương án để đối.
Cùng với đó là Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai – tìm kiếm cứu nạn huyện trực tiếp bám sát các địa bàn được giao phụ trách để kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn địa phương, đơn vị chuẩn bị tốt công tác “4 tại chỗ”, sẵn sàng ứng phó với các tình huống nguy hiểm do thiên tai gây ra. Trong đó, chú trọng tập trung rà soát, bám nắm tại các vùng thường xuyên bị ngập úng để tổ chức di dời nhân dân đến các địa điểm an toàn.