'Nước đi tinh vi' của Bắc Kinh

(PLO) - Trung Quốc và Mỹ đang liên tục tung ra các đòn áp thuế lên mặt hàng xuất khẩu của nhau, khiến nhiều người lo ngại về nguy cơ nổ ra một cuộc chiến tranh thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. 
Nông dân Mỹ thu hoạch nông sản

Các nhà phân tích cho rằng Trung Quốc dễ bị tổn thương trong “cuộc chiến” này vì xuất khẩu chiếm phần lớn trong tăng trưởng kinh tế Trung Quốc. Mỹ mua nhiều mặt hàng từ Trung Quốc nên Washington có nhiều phương tiện để nhắm mục tiêu vào các nhà sản xuất Trung Quốc.  

Tuy nhiên, về mặt chính trị, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có lợi thế giúp ông đối mặt với những hậu quả kinh tế và xã hội do chiến tranh thương mại gây ra tốt hơn Tổng thống Mỹ Donald Trump. Sự kiểm soát và quyền lực của ông Tập tại Trung Quốc đồng nghĩa với việc chính sách của ông sẽ không vấp phải nhiều chỉ trích.

Trong khi đó, khi giá cả hàng hóa và chi phí sản xuất tăng cao vì chiến tranh thương mại, các nhóm lợi ích, doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ sẽ gây thêm sức ép với Trump, trong bối cảnh cuộc bầu cử quốc hội giữa kỳ diễn ra vào tháng 11.

Chính phủ Trung Quốc cũng có quyền kiểm soát nhiều hơn với nền kinh tế, khiến họ có thể ngăn việc cắt giảm nhân lực hoặc đóng cửa nhà máy bằng cách yêu cầu ngân hàng hỗ trợ các ngành công nghiệp bị Mỹ áp thuế.

Nếu Mỹ lôi kéo được nhiều nước áp thuế với Trung Quốc thì đòn tấn công của họ sẽ có hiệu quả hơn, nhưng Trump chưa thể xây dựng được một liên minh đủ vững chắc để làm điều đó.

Trong khi đó, ông Tập đã thành công trong việc thúc đẩy vị thế trên trường quốc tế, thể hiện Trung Quốc là bên bảo vệ các thỏa thuận đa phương, từ vấn đề thương mại toàn cầu đến biến đổi khí hậu - những điều mà Trump muốn từ bỏ.

Một chuyên gia cho rằng các hành động của Mỹ có thể gây tác động đến tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc nhưng không đủ để buộc nước này đảo ngược các chính sách. Ngoài ra, Trung Quốc dường như tin rằng có thể tận dụng những điểm yếu của hệ thống chính trị Mỹ.

"Ngành nông nghiệp khá có ảnh hưởng trong quốc hội Mỹ", một giáo sư kinh tế tại Đại học Bắc Kinh, giải thích lý do tại sao Trung Quốc nhắm vào các sản phẩm nông nghiệp như đậu nành khi lên kế hoạch đáp trả Mỹ.

Một trong những minh chứng, là Bắc Kinh hôm 4/4 tuyên bố sẽ tăng 25% thuế đối với 106 mặt hàng Mỹ trị giá 50 tỷ USD, trong đó có đậu nành, thịt lợn và máy bay, nhằm đáp trả kế hoạch của Tổng thống Donald Trump áp thuế lên 1.333 mặt hàng Trung Quốc.

Việc này gây chú ý bởi đây là mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Mỹ vào Trung Quốc và sẽ gây ảnh hưởng tới một số vùng nông thôn từng ủng hộ mạnh mẽ ông Trump trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng hồi năm 2016, cũng như những nông dân tại các bang có truyền thống bầu cho phe Cộng hòa.

Chẳng hạn như ở Wisconsin, quê nhà Chủ tịch Hạ viện Mỹ Paul Ryan, trong lần điều chỉnh thứ nhất hôm 2/4, mức thuế tăng 15% mà Bắc Kinh đánh vào mặt hàng nhân sâm Mỹ chắc chắn sẽ tác động mạnh tới bang này khi mà hầu hết lượng nhân sâm ở đây từ trước tới nay đều xuất sang Trung Quốc. Nhân sâm chủ yếu được trồng ở hạt Marathon, nơi ông Trump đánh bại đối thủ Hillary Clinton hồi năm 2016.

Ở phía nam, mức thuế tăng 25% đối với rượu và thuốc lá Mỹ nhập khẩu vào Trung Quốc sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ tới Kentucky, bang chuyên sản xuất rượu bourbon và quê hương của lãnh đạo phe đa số thượng viện Mỹ Mitch McConnell, một người Cộng hòa.

McConnell thừa nhận ông khá lo ngại về tình hình leo thang căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, lo lắng rằng nó có thể mang đến "thách thức" cho phe Cộng hòa trong kỳ bầu cử giữa kỳ tháng 11 sắp tới.

Tác động từ các biện pháp thuế mới của Trung Quốc còn có nguy cơ phủ bóng thông điệp mà những người Cộng hòa đưa ra rằng các biện pháp cắt giảm thuế mà họ áp dụng trong nước đang mang đến thịnh vượng. Phe Cộng hòa vẫn đặt niềm tin vào thông điệp này để giữ sự ủng hộ từ cử tri, qua đó bảo toàn số ghế tại thượng viện và hạ viện Mỹ trong kỳ bầu cử giữa kỳ.

"Nếu các biện pháp đáp trả thuế và chiến tranh thương mại xóa nhòa đi những tác động kinh tế tích cực chúng ta đã nhìn thấy sau cuộc cải cách thuế, đó sẽ là vấn đề rất rất lớn", một chuyên gia nhận xét.

Theo một giáo sư tài chính, với những biện pháp tăng thuế mới áp dụng với các mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ, mục tiêu của Trung Quốc là gia tăng áp lực chính trị, không phải áp lực kinh tế, nhắm vào những nhóm họ cho là ủng hộ Tổng thống Trump.

Một bài bình luận do một tờ báo Trung Quốc khẳng định Bắc Kinh đã lựa chọn rất kỹ lưỡng 160 mặt hàng Mỹ để đánh thuế. Ngoài đậu nành, nhiều mặt hàng trong danh sách áp thuế mới của Trung Quốc như ôtô, thuốc lá, cây cao lương đều là sản phẩm chủ lực ở Michigan, Bắc Carolina và Texas cùng Kansas, những bang Trump giành thắng lợi trong cuộc bầu cử năm 2016.

Bắc Kinh đã "thực hiện một nước đi tinh vi" thông qua việc lựa chọn các mặt hàng đánh thuế, giáng đòn mạnh vào đối thủ Mỹ, một chuyên gia bình luận.

Đọc thêm