Nước mắt đăng ký khai sinh trong trại giam

 Với những đứa trẻ bình thường, khai sinh là thủ tục đầu tiên hết sức đơn giản, nhưng đối với những đứa trẻ đặc biệt sinh ra trong trại giam, thì để có một tấm “giấy thông hành vào đời” có khi nhiều nước mắt…

Với những đứa trẻ bình thường, khai sinh là thủ tục đầu tiên hết sức đơn giản, nhưng đối với những đứa trẻ đặc biệt sinh ra trong trại giam, thì để có một tấm “giấy thông hành vào đời” có khi nhiều nước mắt…

Những đứa trẻ cùng mẹ tại Trại giam số 5, Thanh Hóa
Những đứa trẻ cùng mẹ tại Trại giam số 5, Thanh Hóa

Những người “cha” bất đắc dĩ

Ở Trại giam số 5 - Yên Định - Thanh Hóa có lẽ không ai không biết đến hoàn cảnh của phạm nhân Nguyễn Hải Yến. Sinh ra ở Hà Nội nhưng Yến không may mắn khi bố mẹ đường ai nấy đi từ khi cô còn nhỏ. Một mình bươn chải giữa đời, Yến nhanh chóng theo đám bạn xấu lao vào những cuộc vui. Rồi Yến lấy chồng, nhưng chồng Yến cũng sa chân vào nghiện ngập, những đứa trẻ lần lượt ra đời trong cảnh cùng quẫn, thiếu đói. Để có tiền nuôi con, Yến buôn bán cả “cái chết trắng”. Năm 2002, cô bị bắt.

Quặn lòng bỏ lại đằng sau 3 đứa trẻ lốc nhốc “trứng gà trứng vịt” và người chồng nghiện ngập, Yến khăn gói vào Trại tạm giam Công an Hà Nội, tại đây Yến tá hỏa vì sau khi thăm khám, các bác sỹ báo cô đã có thai. Không muốn đứa trẻ sinh ra trong hoàn cảnh này, Yến cùng chồng ký tên vào đơn xin phá thai. Tuy nhiên, mầm sống khỏe mạnh đang lớn lên từng ngày cùng với sự chăm sóc, động viên nhiệt tình của các bác sỹ đã giúp Yến sinh hạ một bé gái kháu khỉnh. Ngày Yến chuyển về Trại giam số 5, bé Bông đã được các cán bộ Trại giam này đứng ra làm giúp giấy khai sinh. Mỗi lần cầm tấm giấy khai sinh của con, nước mắt Yến cứ trực trào ra, Yến coi các cán bộ trại giam này như những người thân của mình.

Cũng phải sinh con trong những ngày thụ án, nhưng phạm nhân Nguyễn Thị Thanh (SN 1982, quê Ba Vì, Hà Nội), ở Trại giam Phú Sơn (Thái Nguyên) lại có một ký ức buồn bởi cha mẹ mất sớm, không người nương tựa. 18 tuổi cô sơn nữ đã phải đi làm đủ thứ nghề để kiếm sống. Giữa thủ đô xa hoa nhưng cũng nhiều cám dỗ, cô gặp và yêu Tuấn, một chàng trai Hà Nội có vẻ ngoài đào hoa, ăn nói dễ nghe. Họ đưa nhau về ra mắt họ hàng hai bên để tính chuyện cưới xin thì Thanh bất ngờ phát hiện ra người yêu là con nghiện ma túy. Trong lần cuối cùng gặp nhau, Thanh đã giết người chồng hờ và lĩnh án 14 năm tù.

Vào trại, Thanh mới biết mình có thai. Sau đó cô sinh đôi hai bé gái. Các cán bộ Trại tạm giam số 1 Hà Nội đã giúp cô làm thủ tục khai sinh cho hai đứa trẻ. Sau này khi bọn trẻ lớn lên, cô đã gửi một đứa về cho vợ chồng người anh trai, một đứa vào trại trẻ mồ côi.

Khai sinh trong trại: cần lắm một tấm lòng nhân ái

Những đứa trẻ đặc biệt sinh ra trong trại giam đã cả một thiệt thòi, nhưng thiệt thòi hơn nếu chúng không có nổi một tờ giấy đăng ký khai sinh. Nhưng chuyện khai sinh cho trẻ trong trại giam không phải đơn giản nếu không có sự hỗ trợ đắc lực của những cán bộ quản giáo.

Theo quy định của Nghị định 158 của Chính phủ về đăng ký và quản lý hộ tịch, trẻ em sinh ra trong thời hạn 60 ngày phải đi đăng ký khai sinh; cha, mẹ có trách nhiệm đi khai sinh cho con; nếu cha, mẹ không thể đi khai sinh, thì ông, bà hoặc những người thân thích khác đi khai sinh cho trẻ em. Điều 15 về thủ tục đăng ký khai sinh cho trẻ cũng quy định: người đi đăng ký khai sinh phải nộp giấv chứng sinh và xuất trình Giấy chứng nhận kết hôn của cha, mẹ trẻ em (nếu cha, mẹ của trẻ em có đăng ký kết hôn)…

Đối với những trường hợp trẻ sinh ra ở trong trại giam, thì các điều kiện nói trên sẽ không thể đảm bảo, bởi lẽ nhiều trẻ không xác định được cha đẻ, nhiều trẻ khác bố mẹ không có đăng ký kết hôn, mẹ không thể về nơi đăng ký hộ khẩu thường trú để khai sinh cho con vì đang thụ án… Họ cũng chẳng có người thân bên cạnh. Trong trường hợp này thì không ai khác, chính cán bộ quản giáo là người thay người thân các em đi đăng ký khai sinh..

Tuy nhiên, đã từng xảy ra trường hợp khi cán bộ quản giáo đến UBND xã nơi trại giam có trụ sở thì đã bị từ chối vì người mẹ không có hộ khẩu thường trú cũng như không tạm trú ở đây.

Với những trường hợp làm được giấy khai sinh thì cũng phát sinh nhiều vấn đề. Thứ nhất, nếu cán bộ quản giáo đi khai sinh thì phần nơi sinh sẽ là “trại giam số…” và phần ghi về người đi đăng ký khai sinh quan hệ với người được khai sinh trong giấy khai sinh sẽ là “cán bộ quản giáo”. Theo bình luận của một chuyên gia pháp lý, việc này sẽ rất bất lợi cho đứa trẻ sau này, bởi giấy khai sinh là tờ giấy thông hành vào đời, đứa trẻ sẽ mặc cảm khi mang trên mình “tỳ vết” do chính bố mẹ chúng gây ra. Do đó, giải quyết vấn đề này cần một quy định linh hoạt và một cơ chế phối hợp tốt giữa hai ngành Tư pháp – Công an.

Hương Bằng

Đọc thêm