Nước mắt đằng sau cuộc chiến giành nuôi con

(PLVN) -  Khi đi đến bước ly hôn, có lẽ một trong những điều nan giải nhất của các cặp đôi là việc phân chia trách nhiệm nuôi con cái. Một khi không đồng thuận, chuyện ai nuôi con sẽ trở thành một cuộc chiến dai dẳng và nhiều tổn thương. Tác giả: Ngọc Mai
Những cuộc chiến giành con khi ly hôn, tổn thương và thiệt thòi nhất, vẫn là những đứa trẻ vô tội.

Tranh nuôi con và... né nuôi con

Mặc dù đã trải qua 2 lần hoà giải, anh Nguyễn V. T. và chị Nguyễn Thị T. H., ngụ TPThủ Đức, TPHCM vẫn chưa đạt được tiếng nói chung. Cả hai kết hôn năm 2016, đến nay đã có một con trai 5 tuổi. Do trong cuộc sống thường xuyên mâu thuẫn không thể hoá giải nên đầu năm 2022, họ đưa nhau ra toà ly hôn. Chị H. thương con trai còn nhỏ, cần có mẹ chăm sóc, lo lắng chồng cũ rồi sẽ có người mới, không chăm lo và thương con được trọn vẹn nên muốn giành quyền nuôi con. Theo chị, chị chăm con là tốt nhất cho sự phát triển của con và con cũng quấn mẹ hơn, có nguyện vọng theo mẹ.

Trong khi đó, anh T. trình bày rằng anh là con trai duy nhất trong nhà, vì vậy con trai anh cũng là “cháu đích tôn”. Gia đình anh gốc miền Trung nên rất coi trọng vấn đề này. Cạnh đó, anh T. cũng đưa ra những chứng minh tài chính cho thấy thu nhập của anh cao gấp 2 lần chị H., cha mẹ anh khá giả và sẵn sàng phụ giúp anh chăm, nuôi con, cho con anh thụ hưởng tốt nhất về giáo dục, vật chất.

Ban đầu là đưa ra đề nghị, nhưng dần dà trở thành “cuộc chiến” mà không bên nào chịu nhường bên nào. Từ những lý lẽ ban đầu, họ kể tội nhau. Anh T. kể vợ ham chơi, vụng việc nhà, không khéo trong đối xử với gia đình chồng. Chị H. chỉ trích chồng cũ lo làm ăn không mấy quan tâm đến vợ con, hay nhậu nhẹt, quá nghe lời gia đình, thiếu tôn trọng vợ, không đủ thời gian để lo lắng chăm sóc cho con... Cứ thế, họ quẳng vào nhau những lời tệ hại nhất về nhau, và càng như thế, hai bên càng nóng giận, nhất quyết giành quyền nuôi đứa trẻ. “Trận chiến” ấy cho đến nay vẫn chưa ngả ngũ, không biết ai sẽ giành được quyền nuôi con, nhưng những người dự phiên toà đều thầm nghĩ, dù là ai nuôi con đi nữa, thì sau những lời lẽ đã dành cho nhau, thật khó để mà họ có thể làm “bạn tốt” hậu ly hôn để lui tới cùng chăm sóc con nhỏ.

Những câu chuyện vợ chồng ly hôn tranh giành nhau quyết liệt quyền nuôi con không phải là hiếm. Kể cả trong giới showbiz Việt, đã có không ít cặp đôi ly hôn ồn ào, tố tội nhau, đưa nhau ra toà từ năm nay sang năm khác để giành quyền nuôi con. Nhưng lại cũng có những trường hợp, tuy hiếm hơn, là tranh cãi để... từ chối quyền nuôi con. Số này thường rơi vào các trường hợp những cặp đôi còn trẻ, cả hai vẫn còn ham vui, kinh tế chưa vững vàng, hoặc bố mẹ đã có sự nghiệp nhưng quá bận rộn cho công việc, không muốn nuôi con. Đã có những cuộc từ chối quyền nuôi con thật phũ phàng mà đến người ngoài cũng phải xót xa...

Xin hãy nghĩ cho con

Trong số những đôi vợ chồng rơi vào cuộc chiến giành nuôi con khi ly hôn, không phải lúc nào cũng xuất phát từ tình thương dành cho con, muốn dành cho con sự nuôi dưỡng, chăm sóc tốt nhất. Có cả những trường hợp không nhỏ “cuộc chiến” tranh con bắt nguồn từ sự hậm hực, căm ghét, thậm chí là thù hận dành cho đối phương. Không ít cuộc hôn nhân tan đàn xẻ nghé trong sự cay đắng, phẫn uất, và trong khi ly hôn, cả hai trút giận lên nhau, cuối cùng đứa trẻ là người chịu tội.

Như trường hợp chị Nguyễn T. M. ở Long Thành, Đồng Nai từng đến báo PLVN nhờ trợ giúp. Hai vợ chồng lấy nhau từ thuở còn khó khăn, sau đó dần dà đời sống phất lên khi chồng chị M. bước chân vào kinh doanh bất động sản. Tuy nhiên, cũng từ những chuyến đi “buôn đất”, anh này đã ngoại tình với một đồng nghiệp làm ăn chung. Sau khi chị M. phát hiện, chồng chị xin tha thứ, xin sửa lỗi lầm. Lần thứ hai phát hiện chồng ngoại tình, chị M. không nói chuyện với chồng nữa mà đem câu chuyện kể cho hai bên gia đình nội ngoại để mong cùng nhau giải quyết. Chị M. cũng liên hệ với gia đình người phụ nữ kia để mong họ can thiệp giúp. Sự việc vỡ lỡ, đứng trước áp lực gia đình, cuối cùng cả hai vợ chồng không thể hàn gắn và đi đến bước ly hôn. Tuy nhiên, người chồng đã nhất quyết dành quyền nuôi hai con gồm con gái 7 tuổi và con trai 4 tuổi. Anh ta tuyên bố, chị M. trước giờ chỉ ở nhà làm nội trợ không làm ra tiền, gia đình bên ngoại nghèo, không có khả năng hỗ trợ nuôi con. Đồng thời, người chồng cũng cho biết, sẵn sàng thuê luật sư nổi tiếng, bao nhiêu tiền cũng chi để giành bằng được quyền nuôi con. Lý do của hành động này là anh ta làm cho “bõ ghét” vì vợ đã làm ầm ĩ vụ việc ngoại tình, khiến anh ta mất sạch mặt mũi trước hai bên nội ngoại lẫn bạn bè, khách làm ăn...

Trong số những lý do dành quyền nuôi con, ngoài “trả thù” đối phương, còn có những lý do đáng buồn khác, như dùng con trẻ làm “cần câu cơm” khi đối phương có khối tài sản lớn và chi nhiều tiền cấp dưỡng cho con. Hay có cả trường hợp, giành nuôi con để “khống chế” đối phương, ràng buộc lẫn nhau vì ích kỉ, vì chưa hết tình cảm...

Đã có những chuyện buồn khi mà một trong hai bên giành quyền nuôi con cho bằng được, để rồi bỏ con không chăm sóc, hay trút vào con những thù hận, ngược đãi, như những câu chuyện thương tâm gần đây. Cũng đã có những trường hợp, chỉ vì không thoả thuận được chuyện ai nuôi con, chỉ vì muốn dùng con cái ràng buộc đối phương, mà gia đình dẫu đã tan nát mà vẫn gắng gượng sống cạnh nhau trong sự lạnh nhạt và ghét bỏ, kéo lê từ ngày này qua ngày khác.

Những cuộc chiến giành con khi ly hôn, cuộc chiến nào đằng sau mà chẳng có nhiều nước mắt. Tổn thương và thiệt thòi nhất, vẫn là những đứa trẻ vô tội.