Tôi là con út trong một gia đình có 3 anh em trai. Bố tôi là một quân nhân về hưu, những năm tháng trong quân ngũ đã tạo nên con người nghiêm khắc, nguyên tắc. Mẹ tôi là người phụ nữ hiền hậu, cam chịu và yêu thương con. Đáng lẽ, với nhiều người khác thì đây là nền tảng gia đình thuận lợi để họ phấn đấu vươn lên nhưng tôi lại thấy ngột ngạt với chính gia đình mình, với những nguyên tắc cứng nhắc của bố và sự yêu thương đến mù quáng của mẹ.
Học đến lớp 10, tôi nằng nặc nghỉ học. Không phải tôi dốt nát hơn chúng bạn mà đó là cách để thôi ngấm ngầm phản đối cha mẹ. Bố tôi cầm chiếc roi mây lên nước bóng loáng, hỏi tôi tại sao không chịu đi học. Mẹ tôi nước mắt ngắn dài van nài tôi quay trở lại trường. Mặc kệ, tôi quyết không đi học trở lại dù ngọn roi mây của bố quất rát da, bầm thịt. Trong đầu tôi lúc đó chỉ nghĩ, tôi sẽ sống tốt, theo cách của tôi mà không cần đến chữ nghĩa từ sách vở hay những lời rao giảng của bố tôi.
Nghỉ học, tôi mặc sức theo đám bạn xấu đi chơi, quậy phá khắp nơi. Lúc đầu bố tôi còn quất cái roi mây lên nước bóng loáng vào lưng đứa con trai bất trị nhưng rồi ông chán, ông kệ tôi với những lần đi chơi thâu đêm suốt sáng. Những lần trở về với tấm thân bầm dập – hậu quả của những lần đánh nhau với đám đối thủ, bố tôi như không nhìn thấy tôi. Chắc đối với ông, tôi đã không còn tồn tại bởi tôi chính là sự xấu hổ, là vết nhơ trong truyền thống hiếu học của gia đình.
Mẹ vẫn thế. Mẹ vẫn yêu thương tôi, vẫn lén giấu bố cho tôi tiền đi chơi, vẫn cặm cụi xoa những vết bầm tím trên thân thể đứa con trai đang muốn chứng tỏ mình với đời. Lúc đầu nhưng giọt nước mắt của bà còn khiến tôi day dứt, ăn nặn nhưng rồi những cuộc vui, những trận thư hùng kéo tuột tôi đi khỏi vòng tay mẹ.
Khi đám bạn cùng lứa tuổi đang miệt mài ôn thi đại học thì tôi dắt một đứa con gái về đòi cưới. Vợ tôi không phải là đứa con gái hư hỏng, nhưng vì yêu tôi nên bất chấp tất cả để gắn bó cuộc đời với tôi mà chưa lường trước những khó khăn sẽ phải vượt qua. Trước áp lực của tôi, bố mẹ phải cắn răng tổ chức một đám cưới chu toàn cho con bởi sau những ngày ăn chơi quên đời thì ngoài tấm thân bầm dập tôi chẳng có lấy một cắc bạc trong tay.
|
Những ngày tháng cải tạo trong trại giam giúp C. nhận ra được nhiều điều, biết được giá trị của yêu thương và sức lao động |
Có vợ rồi tôi vẫn không bỏ được đám bạn mà tôi vẫn nghĩ chúng mới là anh em, tri kỷ của mình. Tôi cứ trượt dài trong những trận vui, trong những trận "thư hùng" nơi cái phố huyện nghèo nàn của mình. Lần này, mẹ tôi đã có thêm người bạn để khóc cùng mỗi khi tôi trở về với chi chít vết thương trên người. Có lẽ, hai người phụ nữ của tôi sẵn sàng vắt kiệt nước mắt để đổi lấy sự lành lặn trên cơ thể và trong tâm hồn tôi?
Tôi cứ như con thú hoang, vẫn mải miết đi tìm lẽ sống bằng nhưng gậy gộc, thậm chí là đao, kiếm. Khi vợ vác cái bụng bầu gần 9 tháng chuẩn bị cho cuộc vượt cạn đầu tiên trong đời thì tôi bị công an bắt giữ sau khi đâm một nhát dao thấu phổi đối thủ.
7 năm tù là cái án mà pháp luật dành cho kẻ ngông cuồng như tôi. Tôi choáng váng, xây xẩm mặt mày khi ông chủ tọa phiên tòa đọc bản án. Tôi thấy mẹ tôi khóc ngất lên. Tôi thấy vợ tôi lầm lũi bế đứa con đỏ hỏn thấp thỏm ở nách phòng xử án. Tôi thấy mái tóc bạc của bố tôi rũ xuống, khuôn mặt ông đanh lại như đổ xuống đôi vai gầy.
Tại sao phải đến lúc ấy tôi mới nhận ra rằng mình đã làm khổ bố mẹ, làm khổ vợ con, làm khổ chính cuộc đời mình?
Vào trại giam, tôi chán chường, buông xuôi. Bố mẹ và vợ tôi vẫn đều đặn đến thăm nuôi mỗi khi có cơ hội. Mẹ vẫn khóc mỗi khi nhìn thấy tôi. Bố thì vẫn vậy, chỉ nhìn tôi bằng đôi mắt nghiêm khắc nhưng chất chứa nỗi buồn. Bố mẹ chưa một lần thốt ra lời trách cứ đứa con ngỗ nghịch này
Vợ tôi gầy gò, đôi mắt trũng sâu. Từ ngày tôi bị bắt rồi bị kết án mới hơn nửa năm nhưng vợ tôi như già thêm đến 5-6 tuổi. Tôi ân hận và thấy có lỗi ghê gớm. Tôi oán ghét chính mình. Vì tôi mà bao nhiêu người phải buồn khổ. Nếu mọi người oán trách, giận dữ, có lẽ tôi sẽ cảm thấy nhẹ nhõm hơn.
Giữa 4 bức tường trại giam nhiều đêm tôi không ngủ được. Thằng đàn ông 25 tuổi đã khóc. Khóc vì hối hận, khóc vì thấy mình đã chối bỏ quá nhiều điều tốt đẹp mà gia đình dành cho mình. Hai năm vào trại, bố mẹ vẫn đều đặn lên thăm nhưng vợ tôi thì ngày một thưa thớt hơn. Tôi cũng lờ mờ đoán ra.
Tôi buồn nhưng không trách vợ. Cô ấy còn quá trẻ, một tay cô ấy không thể xoay sở nuôi con, chăm bố mẹ chồng và tích cóp để tiếp tế cho chồng ở trại. Chúng tôi ly hôn, con trai tôi ở với ông bà nội. Giờ vợ tôi đi đâu tôi cũng không biết, chỉ mong cô ấy lấy được tấm chồng tử tế để nương tựa. Tôi cay đắng nhận ra rằng mình đã mất quá nhiều thứ quý báu bằng những ngông cuồng của tuổi trẻ bồng bột và hiếu chiến. Gần 30 tuổi, tôi vẫn chưa làm gì được cho bố mẹ mà còn đặt thêm gánh nặng lên đôi vai gầy của họ. Đôi mắt buồn rầu của cha, những giọt nước mắt của mẹ, khuôn mặt như thiên thần của con trai đã giúp tôi có thêm động lực để phấn đấu, cải tạo tốt.
Tôi được cán bộ quản giáo giúp đỡ, được anh em bạn tù đùm bọc, thương yêu và tín nhiệm bầu làm trưởng buồng. Tôi nhận ra rằng vào tù không phải là chấm hết. Cảnh cổng nhà tù là trường học giúp tôi nhận ra lỗi lầm và làm lại cuộc đời. Ngày 2/9 vừa qua tôi được giảm án 5 tháng. Đó là món quà lớn nhất mà tôi tặng cho bố mẹ mình từ khi được sinh ra.
Đường về của tôi được rút ngắn xuống gần nửa năm, tôi vẫn còn 1,5 năm để trả giá cho những lỗi lầm của mình nhưng tôi tin, bằng những yêu thương của cán bộ quản giáo, tình yêu thương của bố mẹ, của đứa con trai bé nhỏ, tôi sẽ nhanh chóng vượt qua được quãng thời gian ấy.
1,5 năm sẽ chỉ như một giấc ngủ, để rồi khi tỉnh giấc tôi sẽ trở về trong vòng tay yêu thương của bố mẹ, để được ôm chặt đứa con trai vào lòng. Tôi tin, những mất mát ngày qua sẽ cho tôi những bài học lớn, để biết sống không phải hổ thẹn với chính mình!
(ghi theo lời kể của phạm nhân Đ.Đ.C, phân trại số 2, Trại giam số 3 – Bộ Công an)