Nước mắt lão nông có con gái đẹp, giỏi, làm "đạo chích"

Nghe Tòa tuyên con gái được án treo vì hoàn cảnh éo le lại nuôi con nhỏ, trả lại ông chiếc xe mà bị cáo lấy làm phương tiện phạm tội, ông lão mừng rơi nước mắt. Vì thương cô út xinh đẹp, giỏi giang nhưng nghèo, ông bán ruộng mua xe cho con...

Nghe Tòa tuyên con gái được án treo vì hoàn cảnh éo le lại nuôi con nhỏ, tuyên trả lại cho ông chiếc xe máy mà con gái đã lấy làm phương tiện phạm tội, ông lão mừng rơi nước mắt. Ngước nhìn vị chủ tọa phiên tòa, ông lão lắp bắp nói câu gì đó mà có lẽ chỉ ông và người Thẩm phán mới thấu hiểu. Pháp luật rất nghiêm minh nhưng cũng vô cùng nhân đạo với những cảnh ngộ, những mảnh đời bất hạnh như cha con ông.

Pháp luật nghiêm nhưng cũng nhân đạo với những mảnh đời bất hạnh.

1. Ông lão cùng con gái có mặt ở TAND TP.Hà Nội từ rất sớm. Cô con gái là bị cáo tại ngoại trong vụ “Trộm cắp tài sản”, còn ông đến Tòa với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án. Hai cha con dậy từ tinh mơ, đi bộ ra tỉnh lộ bắt xe buýt về Hà Nội. Ông lão nói như tự động viên mình, rằng chịu khó vất vả một tý nhưng đi xe buýt từ Hưng Yên về Hà Nội chỉ mất có 5.000 đồng; chứ đi xe ôm, xe đò thì lấy tiền đâu?

Rồi ông thở dài, bảo rằng trước đây vợ chồng ông đã bán ruộng, dành dụm mua được chiếc xe máy, để vợ chồng già muốn đi đâu thì con gái chở đi. Không ngờ, con gái ông dại dột dùng chiếc xe đó đi trộm cắp, bị công an bắt giữ xe. Nửa năm nay, vợ chồng ông ăn không ngon ngủ không yên vì thương con gái, vừa lo cho con bị tù tội, vừa lo bị tịch thu luôn cả chiếc xe là tài sản quý giá nhất của gia đình. Hôm nay, ông đến Tòa cũng vẫn phấp phỏng những nỗi lo đó.

Ông bà có bốn người con thì ba người con đầu lập nghiệp phương xa, chỉ có cô con gái út ở cùng bố mẹ già. Con gái ông có tiếng là xinh đẹp và đảm đang, lại có nghề nghiệp đàng hoàng là làm phiên dịch tiếng Trung cho một công ty liên doanh nên có biết bao nhiêu chàng trai theo đuổi.

Cả gia đình hy vọng cô em út sẽ lấy được người chồng xứng đáng, gần nhà để cha mẹ tiện nương nhờ lúc tuổi già. Thế rồi niềm hy vọng đó đã tắt ngóm vào một buổi sáng khi con gái ông bà đột ngột dẫn về nhà một anh công nhân người Tàu già nua khắc khổ, giới thiệu rằng đây là người yêu con, xin bố mẹ và họ hàng cho cưới. Đôi vợ chồng già hết lời khuyên bảo nhưng con gái chẳng nghe, tính nó là thế, đã quyết là làm, đã yêu là cưới.

Nhưng cái sự đơn giản đó rốt cục cũng chẳng xong, vì anh chàng người yêu kia trong một lần về quê đã làm mất sạch cả giấy tờ tùy thân, hộ chiếu nên hai người không thể đăng ký kết hôn. Thế là đến ước mơ bình dị nhất là được mặc váy cưới, lên xe hoa về nhà chồng, con gái ông cũng không có được. Nhưng con gái không buồn vì điều đó, nó bảo chỉ cần được sống với người mình yêu, sinh con, được chăm sóc và hy sinh cho anh ta là hạnh phúc rồi.

Con dại cái mang, vợ chồng ông đã già yếu lại phải cưu mang cả gia đình con gái và cháu ngoại. Dần dà thấy chàng rể ngoại quốc hiền lành, yêu thương vợ con nên ông cũng cảm thương và chấp nhận. Ông kể, có những đêm cháu ốm, quấy khóc, con gái ông mệt quá ngủ thiếp đi nhìn thằng chồng ngoại quốc lọ mọ bế con, pha sữa, rồi giặt giũ... chẳng nề hà gì mấy cái việc đàn bà đó, vợ ông thấy tội, thấy thương tình bảo thôi để đấy bà làm cho nhưng nó không nghe. Chàng rể bảo có gia đình vợ con, lại được gia đình nhà vợ cảm thông và chấp nhận là quá hạnh phúc rồi, vất vả thế nào nó cũng chịu được.

2. Con rể mất hết giấy tờ tùy thân, muốn về lại quê hương bản xứ làm lại hồ sơ nhưng ngặt vì không có tiền, đứa con nhỏ lại đau ốm quặt quẹo nên lần lữa không dám đi. Không có giấy tờ, chàng rể ngoại quốc không xin được việc làm, cũng chẳng dám đi đâu, đành ở nhà ôm con cho vợ chạy chợ.

Thương hoàn cảnh của con gái, ông bàn với bào lão bán mấy sào ruộng lấy tiền mua cái xe máy, nói rằng để ông bà già đi đâu đã có con chở đi, nhưng thực tế là để con đi chợ kiếm tiền nuôi cháu sẽ vất vả hơn. Mặc dù xe máy đăng ký tên con gái, nhưng ông bà vẫn nói đó là tài sản của ông bà, chỉ cho con gái mượn mà thôi.

3. Cứ tưởng cho con mượn xe để làm ăn lương thiện, ai ngờ con gái cùng chồng và bạn bè của chồng dùng đi ăn trộm. Khi chàng rể bị vào tù, gia đình ông biết chuyện nhưng vì quá nghèo nên họ không có điều kiện tiếp tế, thăm nuôi. Cũng đã một lần ông dành dụm được ít tiền, định mua quà từ Hưng Yên vào Hỏa Lò thăm con rể thì đùng một cái thằng cháu ngoại lại ốm, thế là tiền tiêu sạch bách. Hôm nay ông đến phiên tòa cũng chỉ mua được khoảng chục cái bánh mì, chục gói mì tôm và vài hộp sữa tươi.

Ông thở dài, bảo rằng thương xót chàng rể như thương con trai mình vậy. Khi nghe các anh cảnh sát dẫn giải bảo ở trong tù nhưng con rể ông là người nước ngoài phạm tội nên các chế độ trong trại giam cũng đầy đủ lắm, cũng nằm giường đệm, khu phụ hiện đại khép kín, có bình nóng và tắm vòi hoa sen, ông lão cũng thấy ấm lòng, trút đi được gánh nặng, nối lo âu thương con người xa xứ trót sa vào lao lý.

Quá trình giải quyết vụ án, mặc dù con gái ông đã khai về lai lịch chiếc xe, ông cũng đã làm đơn trình bày nhưng cơ quan pháp luật vẫn phải giữ lại tang vật vụ án vì xe đó mang tên chính con gái ông. Ông cũng biết, tình ngay lý gian, khó lòng mà ông được trả lại xe. Vị Thẩm phán chủ tọa phiên tòa cho biết, trước phiên tòa, ông đã phải về tận địa phương điều tra, xác minh về nguồn gốc chiếc xe máy.

Chiếc xe này đăng ký tên người con gái - nữ can phạm trong vụ án, do chính chị này điều khiển khi gây án, bằng lái xe cũng mang tên chị này. Xét về lý, việc xác định chiếc xe là phương tiện phạm tội và xung công quỹ là không sai; nhưng xét về tình thì cứ cảm thấy băn khoăn, vừa thương vừa tội. Nỗi băn khoăn đó chỉ thực sự được giải tỏa sau khi thân chinh vị Thẩm phán về địa phương xác minh.

Sau đó, ông Thẩm phán đã bàn với vị đại diện viện kiểm sát về vấn đề này, để có hướng giải quyết vụ án thấu lý đạt tình: Tuyên trả lại ông lão chiếc xe mà con gái ông đã dùng để gây án.

Quyết định nhân đạo của Tòa khiến lão nông cảm động, ông ngước nhìn vị thẩm phán nói lời cảm ơn mà có lẽ chỉ ông và vị thẩm phán mới thấu hiểu. Vậy đó, pháp luật nghiêm khắc nhưng cũng linh hoạt và vô cùng nhân đạo với những cảnh ngộ, những mảnh đời bất hạnh.

Trần Nguyên

Đọc thêm