Nước mắt sau tấm huy chương: Nỗi buồn cuối đời của thủ môn danh tiếng

(PLO) -Biệt danh Tuấn “gáo”, tức Trần Văn Tuấn (SN 1942), cựu thủ môn “vang bóng một thời” của đội tuyển Việt Nam (giai đoạn 1964 - 1969) khiến người hâm mộ nhớ đến là “một nhân cách đáng nể” của làng bóng đá. Nhưng bên kia đỉnh vinh quang, ở những năm cuối đời, ông vẫn phải “thi đấu” nhưng là thi đấu với bệnh tật, di chứng của những năm tháng cống hiến hết mình cho bóng đá.
Trần Văn Tuấn và đồng đội
Trần Văn Tuấn và đồng đội

“Cháy” hết mình với bóng đá

Một ngày đầu thu, theo chỉ dẫn của người hâm mộ, chúng tôi tìm đến nhà tuyển thủ Trần Văn Tuấn - cựu thủ môn “vang bóng 1 thời” của đội tuyển Quốc gia Việt Nam tại nhà riêng của ông trên phố Huỳnh Thúc Kháng, Hà Nội.

Suốt buổi trò chuyện, những ký ức “một thời để nhớ” của người thủ môn cứ như dòng chảy ào ào dội về . Ông Tuấn cho biết, mình sinh ra và lớn lên trong một gia đình có 2 anh chị em. Bố mẹ chủ yếu làm nông nghiệp.

Năm ông lên 4 tuổi, người bố đột ngột qua đời, để lại vợ và 2 đứa con thơ nheo nhóc. Lớn lên trong sự thiếu vắng hình bóng người cha nhưng cả 2 anh em ông đều chăm ngoan. 

Từ bé, ông Tuấn đã có niềm đam mê với bóng đá, không ít lần bỏ học đi chơi bóng. Nhiều khi mê đá bóng quá, ông Tuấn đã tự thành lập đội bóng đá gồm các bạn cùng trang lứa và làm lịch thi đấu, giao lưu với các đội khác cùng khu vực.  

Nhờ có tình yêu bóng đá mãnh liệt, cộng với tố chất để trở thành 1 cầu thủ chuyên nghiệp nên ông Tuấn đã lọt vào mắt xanh của những nhà tuyển mộ. Ông được gọi vào đội tuyển bóng đá Dệt Nam Định khi mới 15 tuổi tập luyện. 

Năm 1959 được coi là dấu mốc quan trọng trong cuộc đời thể thao của ông. Cậu bé Tuấn ngày nào chính thức khoác lên mình chiếc áo số thi đấu cho đội Dệt Nam Định ở vị trí thủ môn. Vừa thi đấu, vừa tham gia sản xuất, rất nhiều khó khăn và trở ngại nhưng với niềm đam mê nhưng lúc nào ra sân, Trần Văn Tuấn cũng cháy hết mình. 

Hình ảnh ông Tuấn thời đó với dáng người mảnh khảnh, đầu lúc nào cũng cắt cua cụt lủn nên người hâm mộ đặt cho ông biệt danh trìu mến Tuấn “gáo”. Biệt danh đó khiến ông không lẫn với bất cứ cầu thủ nào.

Sau một thời gian thi đấu, với những pha bắt bóng xuất sắc làm nức lòng người hâm mộ, năm 1964 Trần Văn Tuấn lọt vào “tầm ngắm” của HLV đội tuyển quốc gia và được cử đi Tiệp Khắc tập huấn nâng cao chuyên môn. 

Chính từ đợt xuất ngoại này, cựu thủ môn đã rút ra được rất nhiều kinh nghiệm quý để sau này giúp ông có những pha cứu thua xuất thần. Đặc biệt là “cái đầu lạnh” (tâm lý thi đấu - PV) trong những trận đấu lớn. Nhờ đó, trong rất nhiều chuyến công du thi đấu ở các nước bạn hồi đó, Tuấn “gáo” luôn là cái tên được ưu tiên số 1 làm nhiệm vụ “gác đền” cho đội tuyển bóng đá quốc gia. 

Năm 1969, Trường Huấn luyện TTQG 1 giải tán, Trần Văn Tuấn về đội Bưu Điện thi đấu. Ở giai đoạn cuối của sự nghiệp, ông theo học và tốt nghiệp trường Đại học Thể dục thể thao Từ Sơn rồi trở thành cán bộ chuyên môn công tác ở Sở TDTT Hà Nội. 

Tại đây, Tuấn “gáo” là một trong những người gây dựng phong trào bóng đá nữ, ông là HLV cho bóng đá nữ Hà Nội và cả ĐTQG. Từ Năm 1994 đến 2011, là khoảng thời gian ông tham gia huấn luyện thủ môn bóng đá nữ cùng với HLV Mai Đức Chung. Sau khoảng thời gian đó, ông về hưu nhưng vẫn làm công tác tư vấn chuyên môn cho đội tuyển quốc gia.

Chống chọi với bệnh tật

Gắn bó với bóng đá hơn 40 năm, cháy hết mình trên sân cỏ nên mỗi khi nhắc đến tên Tuấn “gáo”, người hâm mộ lại thốt lên: “Đó là một nhân cách đáng nể”.

Sở dĩ có được vinh dự đó bởi ông không chỉ là một cầu thủ giỏi về chuyên môn, luôn thi đấu rực cháy vì màu cờ sắc áo mà còn là người có nhân cách tốt trong cuộc sống ngoài sân cỏ. 

Nhưng con đường đưa đến thành công không bao giờ trải đầy hoa hồng, đôi khi nó phải trả giá bằng nước mắt và đau thương…. Với ông Tuấn, trớ trêu thay cái quy luật ấy cũng không ngoại lệ mà đáng lẽ đây là khoảng thời gian ông được thảnh thơi sống những ngày tháng cuối đời để bù đắp cho tuổi trẻ gắn bó, cống hiến hết mình vì sự nghiệp thi đấu. 

Cựu thủ môn Trần Văn Tuấn
Cựu thủ môn Trần Văn Tuấn

Vào tháng 4/2013, ông Tuấn phát hiện mắc căn bệnh thoát vị sụp đĩa đệm nặng. Hậu quả khiến ông bị liệt nửa người, toàn bộ 2 chân của ông mất cảm giác và bị tê liệt. Các dây thần kinh bị chèn ép dẫn đến hai bắp chân teo lại. Mặc dù được gia đình chữa trị ở các bệnh viện lớn nhưng các bác sĩ đều lắc đầu trước tình trạng bệnh của ông. 

Cựu thủ môn từng có những pha bắt bóng đưa người hâm mộ dâng trào cảm xúc thì nay phải chịu nằm một chỗ. Ông không thể tự di chuyển trên đôi chân của mình, phải nằm gánh chịu những cơn đau nhức do bị chèn ép dây thần kinh. Mọi sinh hoạt cá nhân của ông đều nhờ hết vào người thân. 

“Từng tham gia huấn luyện, bỗng nhiên bị thoát vị đĩa đệm khiến tôi không thể đi lại được. Chân cứ nhão ra và mất cảm giác. Thêm vào đó, thắt lưng do bị sụt nặng nên gây ra cảm giác rất đau nhức.

Cả ngày tôi chỉ nằm, không làm gì cũng đau, cứ cố gắng ngồi được lát lại phải có người di chuyển sang chỗ khác bởi nó tê và đau ê ẩm. Mọi việc lớn nhỏ trong nhà đều do vợ tôi gánh vác”, ông Tuấn chia sẻ. 

Nhắc đến vợ, ông Tuấn tự hào kể, ngày đó vợ ông là một diễn viên xiếc, công việc rất bận rộn nhưng một tay bà vẫn cố cáng đáng hết việc nhà và chăm lo chu đáo cho ông. Với cựu thủ môn, vợ luôn là người “trợ lý” tuyệt vời. 

Tình yêu bóng đá chưa bao giờ tắt

Bị bệnh tật giày vò nhưng ông Tuấn không chịu đầu hàng trước số phận. Cựu thủ môn dùng sức mạnh và ý chí của bản thân để vượt qua nỗi đau về thể xác theo cách riêng của mình.

Ông tìm kiếm các bài tập trị liệu để lưu thông các dây thần kinh bị chèn ép. Bằng nỗ lực bền bỉ, sau một thời gian dài điều trị, đến nay, ông đã có thể tự mình đi lại được vài bước bằng chiếc nạng chữ U dù không thể nhanh nhẹn như xưa. 

“Tuy tự vận động còn khó khăn, nhưng tôi đã thấy khá hơn nhiều. Hàng ngày, tôi vẫn dành thời gian vào mỗi buổi sáng để tập luyện, nhiều khi không cần nạng chữ U tôi cũng tự đi được vài bước”, cựu thủ môn phấn khởi nói. 

Bỏ lại nỗi buồn về bệnh tật, hôm nay, ngồi nói chuyện với chúng tôi, ông Tuấn vẫn luôn nói bằng chất giọng ấm áp, giản dị với tính cách khiêm tốn đặc trưng. Đặc biệt, mỗi lần nhắc đến trái bóng thì trong ánh mắt, cử chỉ, ngữ điệu giọng nói của ông như truyền cảm hứng cho người đối diện rằng niềm đam mê với bóng đá vẫn luôn "cháy" trong người ông ngay cả lúc khó khăn nhất. 

“Tôi sinh ra tại Nam Định. Và trong tôi đầy ắp bóng đá, con người, văn hóa thành Nam. Rất mừng sau nhiều phen chìm nổi, bóng đá Nam Định đang mạnh mẽ vươn lên. Dù không đóng góp trực tiếp cho thành công đó, nhưng tôi luôn dõi theo từng bước đi của đội bóng quê hương”, ông Tuấn tâm sự.

Cựu thủ môn bày tỏ thêm, cuộc sống khi giải nghệ với ông tuy khó khăn, nhưng hàng tháng ông vẫn có tiền lương để chi tiêu cho thuốc men và cuộc sống cá nhân. Nhưng còn rất nhiều đồng đội của ông, sau khi giải nghệ gặp phải hoàn cảnh khó khăn mà không được trợ cấp từ xã hội. 

“Ngày đó tham gia thi đấu, tôi chỉ nghĩ là sẽ hết mình chứ không hề nghĩ đến tiền lương và cuộc sống về sau thế nào. Mình vẫn còn có chút may mắn chứ bây giờ nhiều anh em theo nghiệp thể thao, lúc xế chiều khổ lắm”, giọng ông Tuấn trầm buồn nói.

Đọc thêm