Mải miết với những đường chạy
Vào một buổi chiều thu, chúng tôi tìm đến căn hộ nơi Vũ Bích Hường sinh sống tại khu đô thị Việt Hưng, Long Biên, Hà Nội. Chứng kiến người phụ nữ gầy rộc, đôi mắt thâm quầng, đang khập khiễng bước từng bước khó nhọc, chúng tôi không khỏi xót xa. Nếu không quen biết, ít ai có thể nghĩ chị từng một thời là “nữ hoàng điền kinh”.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có 4 anh chị em, bố mẹ làm công nhân tại Hà Nội, ngay từ nhỏ, Vũ Bích Hường đã có niềm yêu thích đến kỳ lạ với thể thao. Được sự ủng hộ nhiệt tình từ gia đình, cô gái ấy dũng cảm quyết định tạm dừng học văn hóa, để dồn toàn bộ tâm sức cho điền kinh.
Chị chia sẻ: “Quãng thời gian từ 1983-1989 vẫn còn bao cấp, sân tập nghèo nàn, cơ sở vật chất thiếu thốn. Một tuần chúng tôi tập ba buổi trên sân Hàng Đẫy, còn lại thì tập ở sân Quần Ngựa. Sân Quần Ngựa lúc đấy là sân xỉ, vẫn còn hoang sơ lắm. Chế độ ăn thì cũng theo bao cấp, có lúc tính cả mỳ tôm. Phương tiện đi lại thì không có”.
20 năm trước là một Vũ Bích Hường từng mạnh mẽ trên đường chạy để mang về cho TTVN tấm HCV SEA Games đầu tiên |
Đến với điền kinh từ năm 16 tuổi và ghi dấu ấn khi xác lập kỷ lục quốc gia ở nội dung 100m rào năm 1987, Vũ Bích Hường nhanh chóng trở thành một “tượng đài” của làng thể thao Việt Nam. Đang ở đỉnh cao phong độ thì đến cuối năm 1989, do bị chấn thương ở lưng không tham dự được SEA Games, chị quyết định từ giã đường chạy.
“Đôi chân vàng” của làng thể thao Việt kết hôn với một chàng trai Hà thành, hơn chị 13 tuổi và sinh con trai đầu lòng. Khi về làm dâu, chị cũng phụ giúp gia đình nhà chồng trong việc buôn bán. “Ngày xưa, mẹ chồng bán hàng nước ở Thụy Khuê. Hai vợ chồng chị ra bán phụ để kiếm sống”, chị bộc bạch.
Mang thai bé Quang được 7 tháng thì mẹ chồng mất, lúc đó, hai vợ chồng chị chỉ biết dựa dẫm vào nhau. Cuộc sống vốn khó khăn, lại càng thêm khó khăn. “Chồng chị là một người rất tâm lý. Anh rất chăm chút cho gia đình. Anh trở thành hậu phương vững chắc cho chị. Vì vậy, cuộc sống gia đình cũng nhẹ nhàng hơn”,chị Hường tự hào khi nhắc đến người chồng của mình.
Sau hai năm ổn định, được sự động viên của ông xã, chị quyết định trở lại luyện tập, tham gia thi đấu và nhanh chóng đoạt huy chương vàng 100m rào giải vô địch quốc gia năm 1992. Chưa dừng tại đó, Bích Hường liên tiếp gặt hái được nhiều thành công.
Năm 1993, lần đầu tiên dự SEA Games tại Singapore, chị giành HCĐ. Năm 1995, Vũ Bích Hường đi vào lịch sử khi trở thành nhà vô địch SEA Games đầu tiên của điền kinh Việt Nam với việc đoạt HCV nội dung 100m rào nữ tại SEA Games 18.
Vũ Bích Hường được tặng huân chương lao động |
Sau khi giành HCB tại SEA Games 22, chị chính thức giã từ sự nghiệp vận động viên để chuyển sang làm huấn luyện viên. Cuộc sống, kinh tế gia đình khó khăn, đồng lương trợ cấp ít ỏi, chị vẫn miệt mài, tâm huyết với điền kinh bởi hai chữ “đam mê”. Thậm chí, thời gian mang bầu cậu con trai út, chị vẫn kết hợp cùng với chuyên gia để huấn luyện lớp trẻ.
Liên tiếp tai ương giáng xuống
Cuộc sống gia đình đang hạnh phúc, sự nghiệp đang trên đỉnh vinh quang thì những sóng gió liên tiếp ập đến để thử sức chống chịu của “nữ hoàng điền kinh”.
Năm 2010, gia đình chị phát hiện cậu con trai thứ hai Nguyễn Vinh (SN 2004) bị tăng động, hay phá phách đồ đạc trong nhà. Vợ chồng chị xoay xở, vay mượn khắp nơi, của cải trong ngôi nhà “đội nón ra đi” để lấy tiền chữa trị cho con nhưng đều không có kết quả. “Người ta bảo “có bệnh thì vái tứ phương”, nhiều khi tôi còn giấu chồng đi cúng bái khắp nơi nhưng tất cả đều không có hi vọng”, chị thật thà tâm sự.
Số tiền chữa trị cho con trai còn chưa trả hết, chị lại đột ngột biết tin chồng bị ung thư phổi giai đoạn cuối. Người phụ nữ như muốn gục xuống, bởi chỗ dựa tinh thần duy nhất của chị có thể bị tử thần cướp đi mạng sống bất cứ lúc nào.
Nghĩ thương chồng, chị gắng gượng chạy ngược, chạy xuôi để chữa trị cho anh. “Cuộc sống bận rộn hơn, hôm nào tôi cũng ra ngoài từ sáng sớm và tối khuya mới trở về. Lúc nào cũng trong tư thế để ra ngoài bất cứ lúc nào, chỉ cần có một hi vọng nào đó để giúp chồng trị bệnh là tôi cũng làm theo. Sau một thời gian chữa trị khắp nơi cuối cùng anh vẫn bỏ lại mẹ con tôi vào năm 2012”, nữ vận động viên đau xót nhớ lại.
Vũ Bích Hường không hề mất niềm tin khi tất cả kỳ vọng được đặt vào cậu con trai theo nghiệp mẹ. |
Chị kể, anh là người chồng tuyệt vời, vì muốn vợ dành toàn bộ thời gian cho đam mê, nên anh tận tụy làm thay nghĩa vụ của một người vợ, người mẹ để chị yên tâm xa nhà, cống hiến cho điền kinh. Đến khi anh rời xa 3 mẹ con cũng là lúc chị đảm nhiệm vai trò của mình và kiêm luôn là một người cha để chăm lo, nuôi nấng các con nên người.
Để có chỗ nhang khói cho chồng và chỗ ở cho mấy mẹ con, chị làm đơn xin mua một căn hộ chung cư Việt Hưng (Gia Lâm) và được Trung tâm huấn luyện thể dục thể thao đặc cách mua trả góp với số tiền lãi mỗi tháng 7 triệu đồng. Nhưng không có tiền trả một lúc nên số nợ hiện nay đã lên tới trên 200 triệu.
Khó khăn tạm qua đi, hạnh phúc chợt mỉm cười với Bích Hường khi con trai đầu Ngọc Quang lập gia đình và giành HCV quốc gia bộ môn điền kinh. Nhắc đến Quang chị lại mỉm cười: “Ngày trước, tôi đi thi đấu, hay cho Quang đi theo lắm. Khi mẹ thi đấu là Quang lại theo dõi, nên khi lớn lên dù cho tham gia học các bộ môn nhưng con chỉ thích điền kinh. Tôi tôn trọng với quyết định Quang”.
Tưởng đâu sóng gió đã đi qua, nhưng một ngày giữa năm 2015, trên đường đi làm, chị bất ngờ gặp tai nạn giao thông. Hậu quả, chị bị sụp đốt sống lưng l4, l5, toàn bộ chân trái tê và mất cảm giác. Các dây thần kinh bị chèn ép, mạch máu bị tắc nghẽn khiến chân trái của Bích Hường ngày càng teo lại.
Nữ hoàng điền kinh từng lấy đi nước mắt của nhiều người hâm mộ, với những đường chạy vinh quang thì giờ chỉ có thể thể nằm yên một chỗ, không thể đứng, cơ thể từ 59kg chỉ còn chưa đầy 50kg, phải nằm gánh chịu và mê man trong những cơn đau. Mọi sinh hoạt của chị khi đó đều phải nhờ vào con dâu và con trai.
Huy chương thi đấu |
“Đến tóc tôi cũng không thể tự buộc được. Tắm rửa thì khó khăn, vì cứ cúi xuống là đau, cả tuần chỉ được tắm có một lần. Nhiều hôm con trai, con dâu đi làm hết, để cho tôi ít bánh, ít sữa vào trong khay, đồ ăn hay cháo đều được chuẩn bị sẵn để phòng khi đói. Một mình ở nhà, tôi loay hoay gắng gượng vừa bò vừa chìa tay ra ăn mà nước mắt chảy ra”, chị ngậm ngùi nhớ lại.
Biết được hoàn cảnh của chị, anh chị em đồng nghiệp đã đón chị lên Trung tâm huấn luyện và thi đấu thể dục thể thao Hà Nội để chị được mọi người chăm sóc. Hàng ngày có người nấu ăn và giúp chị vệ sinh cá nhân, tối đến học trò lại sang ngủ với chị. Được một thời gian, chị xin về nhà điều trị vì “sợ ở lâu phiền hà đến mọi người”.
Rời trung tâm về nhà là những ngày tháng khó khăn với chị khi hàng ngày phải đối diện với những cơn đau hành hạ về thể xác, nhất là những hôm trái gió trở trời. Nhiều hôm đau quá, chị vẫn phải âm thầm chịu đựng, cố giấu nước mắt vào trong vì sợ ảnh hưởng đến giấc ngủ của các con.
Niềm lạc quan và nghị lực phi thường
Trải qua nhiều sóng gió của cuộc đời, người phụ nữ được xem là một trong những “tượng đài” của làng điền kinh Việt Nam đã tôi luyện cho mình được một tinh thần thép, một ý chí kiên cường và nghị lực sống mạnh mẽ để chiến đấu với thử thách. Những giọt nước mắt rơi là lúc chị nhìn lại chính bản thân mình, không cho phép mình bị suy sụp.
Không cam chịu cuộc sống bó mình một chỗ, chị chọn cho mình cách tập luyện tại nhà, từ các động tác từ cơ bản đến nâng cao. Sau một thời gian tự điều trị, chị được một người bạn giới thiệu cho lương y bấm huyệt và kê thuốc. Đến nay, sức khỏe của chị đã khá lên nhiều, đôi chân của chị đã bắt đầu có cảm giác.
“Bây giờ, cứ một tuần 2 lần tôi lại đi bấm huyệt và cắt thuốc uống. Thời gian gần đây thấy đã có tiến triển hơn nhiều, tôi đã không còn phải chống nạng, không phải bò nữa mà đã có thể tự bước trên đôi chân của mình”, Bích Hường phấn khởi khoe.
Thêm niềm vui nữa, hiện nay con trai út của chị đã bắt đầu học cấp 2, chỉ thi thoảng tinh thần mới không ổn định do bị kích động mạnh. Chị nói: “Cháu Vinh giờ đã đỡ hơn nhiều rồi, sức khỏe đã dần ổn định, biết giúp đỡ và nghĩ cho mẹ. Dù có khó khăn vất vả, nhưng tôi sẽ cố để con được theo học đến nơi đến chốn như các bạn”.
Vũ Bích Hường bên HCV SEA Games 1995 |
Niềm vui, hạnh phúc được nhân lên nhiều khi Ngọc Quang đã và đang nối nghiệp của mẹ. Vui hơn cả khi hiện nay, “nữ hoàng điền kinh” đã là bà của 2 cháu nội,hàng ngày được vui đùa và sum vầy bên con cháu.
Chị Hường cho biết thêm, ngoài thời gian điều trị chân, chị đã trở lại làm HLV bộ môn điền kinh. Mỗi tối, chị và con dâu còn bán quán nước ở khu đô thị để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống.
Món nợ trên 200 triệu dù chưa được chi trả, khó khăn trước mắt còn nhiều, nhưng trên khuôn mặt của cựu vận động viên vẫn nở nụ cười lạc quan: “Tôi thấy mình còn may mắn hơn nhiều người khác, vìcó thể đi lại trên đôi chân của chính mình, dẫu còn khó nhọc. Mọi việc khác, cứ để lo dần…”.
Cuộc đời đã thử thách người phụ nữ ấy,nhưng không gì có thể đánh gục được chị, thì những khó khăn này, chúng tôi tin, chị chắc chắn sẽ vượt qua. Hi vọng những điều tốt đẹp sẽ đến với “nữ hoàng điền kinh”, để chị được đem hết tâm sức, kinh nghiệm của mình đóng góp cho bộ môn điền kinh của nước nhà.