Nuôi con 12 năm mới biết bị… nhầm

Hai gia đình sống ở khu vực Chelyabinsk, núi Ural, phía Tây nước Nga đang theo đuổi một vụ kiện hy hữu, đòi bệnh viện địa phương phải bồi thường cho những “tổn thương về mặt tinh thần” sau khi biết được rằng họ đã bị trao nhầm con từ 12 năm trước.

Hai gia đình sống ở khu vực Chelyabinsk, núi Ural, phía Tây nước Nga đang theo đuổi một vụ kiện hy hữu, đòi bệnh viện địa phương phải bồi thường cho những “tổn thương về mặt tinh thần” sau khi biết được rằng họ đã bị trao nhầm con từ 12 năm trước.

Bé Irina (trái) và con ruột của vợ chồng Belyaeva (phải). Ảnh Komsomolskaya Pravda
Bé Irina.

Việc nhầm lẫn động trời chỉ được làm sáng tỏ sau khi chồng cũ của một trong 2 người mẹ nói trên từ chối trả khoản tiền cấp dưỡng nuôi con với lý do đứa trẻ không hề có một nét nào giống anh ta. Quá tức giận, người mẹ đưa vụ việc kiện lên tòa án, buộc tòa phải yêu cầu giám định ADN để xác định huyết thống của đứa trẻ. Và kết quả kiểm tra ADN sau đó đã khiến mọi người kinh ngạc khi chứng tỏ rằng sự tức giận của người chồng là hoàn toàn có cơ sở vì đứa bé 12 tuổi Irina Belyaeva “con chung” của 2 người hoàn toàn không có mối quan hệ huyết thống với cả cha lẫn mẹ - anh Yuri và chị Yuliya Belyaeva.

Yuliya cho hay cô đã hồi tưởng lại quá trình sinh con tại bệnh viện hồi tháng 12/1998 và nhớ ra rằng ở thời điểm đó cũng có một người phụ nữ sinh con tại cùng phòng bệnh của cô. “Tôi đã lấy một bản sao kết quả kiểm tra ADN và đi thẳng tới văn phòng công tố viên để nộp đơn kiện về việc đã bị bệnh viện trao nhầm con” – cô Yuliya nói.

Một cuộc điều tra sau đó cho thấy, đã có sự nhầm lẫn trong việc đánh dấu những đứa trẻ sơ sinh của ê kíp y tá trực tại bệnh viện 12 năm trước. Ở thời điểm đó, có 2 bé gái ra đời cách nhau 15 phút trong cùng một giường bệnh nhưng các nữ hộ sinh đã đeo nhầm thẻ của chúng, có thể vì cả 2 người mẹ đều lấy tên thời con gái của mình bắt đầu bằng chữ A. Chính sự nhầm lẫn này đã “biến” bé Irina trở thành con của vợ chồng Belyaeva trong khi con ruột của họ lại trở thành con gái của một cặp vợ chồng Hồi giáo sống ở đầu kia của thành phố.

“Trước đây tôi chưa bao giờ suy nghĩ nhiều về vẻ bề ngoài của con gái mình” – chị Yuliya Belyaeva nói với tờ nhật báo Komsomolskaya Pravda - “Tôi luôn nghĩ Irina giống mẹ chồng tôi vì bà cũng có tóc và mắt màu đen. Tôi chưa bao giờ nghĩ con bé không phải con gái tôi”. Yuliya cũng cho biết, sau khi xảy ra chuyện, cô đã cố tìm ở con gái những đặc trưng của mình và chồng cũ nhưng đã không tìm được bất kỳ một điểm tương đồng nào, dù là nhỏ nhất. “Tuy nhiên, ngay khi gặp Anya lần đầu, tôi đã thấy con bé giống như bản sao của tôi hồi nhỏ. Tôi chẳng cần kiểm tra DNA để chứng minh bé là con gái tôi” – người phụ nữ khẳng định.

Kết quả điều tra sau đó cũng khẳng định rằng cha ruột của Irina – anh Naimat Iskander – có tổ tiên là người Tajikistan, nên cô bé có làn da tối màu. Ngược lại, bé Anya – con gái ruột của Belyaeva - có mái tóc vàng và làn da trắng. Chồng cũ của Yuliya – anh Yuri Belyaev – được cho là luôn nghi ngờ vợ không chung thủy với mình nhưng lại không nói ra cho đến khi quan hệ giữa 2 người trở nên gay gắt hơn sau vụ li hôn. Tòa án đã phải cho kiểm tra ADN đến 2 lần mới có thể công nhận kết quả kiểm tra đáng kinh ngạc này.

Bé Anya
Bé Anya

Hai gia đình nói trên đang theo đuổi một vụ kiện đòi bệnh viện địa phương bồi thường số tiền 5 triệu rúp (158.300 USD) cho mỗi gia đình vì những “tổn thương về mặt tinh thần” mà họ phải gánh chịu do sự nhầm lẫn tai hại. Họ cũng không thể đưa ra bất kỳ một cáo buộc hình sự nào đối với những nữ hộ sinh tại bệnh viện phụ sản bởi vụ việc xảy ra đã quá lâu. Tuy nhiên, theo nhận định của các luật sư, khả năng họ chiến thắng trong vụ đòi bồi thường này cũng khá mong manh.

Trong khi đó, cả 2 đứa bé “nạn nhân” trong vụ việc sau khi được thông báo về mối quan hệ huyết thống phức tạp của mình đều lựa chọn tiếp tục sống chung với những người đã nuôi nấng chúng hơn chục năm qua và chỉ bắt đầu mối quan hệ bạn bè thân thiết với cha mẹ ruột của mình. Yuliya Belyaeva cũng cho rằng, trên thực tế con gái ruột của cô lâu nay được nuôi nấng trong một môi trường Hồi giáo thay vì được dạy bảo những giáo lý Thiên Chúa giáo như cha mẹ ruột nên việc hòa nhập sẽ khá khó khăn. 

“Chúng tôi sẽ trở thành bạn bè và giới thiệu những đưa trẻ với nhau để chúng trở thành chị em tốt của nhau” – cô Yuliya nói. Còn người chồng cũ của Yuliya giờ đều yêu quý 2 đứa trẻ, coi chúng như con gái và cuối cùng cũng đã đồng ý trả tiền cấp dưỡng cho vợ cũ.

Phiên điều trần về vụ việc đã bắt đầu được triển khai tại tòa án vùng Chelyabinsk.

Hà Dung (theo Telegraph)

Đọc thêm