NutiFood cam kết sẽ đầu tư để Đắk Lắk phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong ngành cà phê từ cây giống, trồng trọt, thu hoạch, chế biến …. nhằm nâng cao năng suất, gia tăng giá trị sản phẩm sau cùng, thúc đẩy hoạt động xuất khẩu ra thị trường nước ngoài. Đầu tư xây dựng nhà máy chế biến sản phẩm tiêu dùng từ cà phê, xây dựng thương hiệu cà phê gắn với xuất xứ địa lý tỉnh Đắk Lắk, đóng góp ngân sách cho tỉnh. Tiến hành nghiên cứu, khảo sát để phát triển vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào chăn nuôi bò sữa giống cao sản tại đây.
Bên cạnh đó, NutiFood còn được Đắk Lắk chấp thuận trở thành cổ đông chiến lược duy nhất của Cty Cà phê Phước An – Doanh nghiệp Nhà nước đầu tiên của tỉnh thực hiện thí điểm cổ phần hóa. NutiFood đã mua 25% cổ phần của Cty này và thông qua những phiên đấu giá sẽ tiếp tục mua để đạt 51% cổ phần của Cty.
Ông Trần Thanh Hải – Chủ tịch HĐQT NutiFood chia sẻ : “Đầu tư nông nghiệp công nghệ cao nhằm gia tăng giá trị cho nông nghiệp Việt Nam đang là xu hướng chung và là chủ trương của Chính phủ. Trong một hội nghị về nông nghiệp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo Việt Nam có 3 thế mạnh là nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao nên phải đầu tư tập trung xây dựng Việt Nam thành nước có nền nông nghiệp hiện đại, đa chức năng, trở thành trung tâm cung ứng sản phẩm nông nghiệp có khả năng cạnh tranh với quốc tế.
Hưởng ứng chủ trương đó, NutiFood luôn nung nấu ý định đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao. Mặc dù biết là khó khăn vất vả nhưng chúng tôi vẫn muốn dấn thân vào lĩnh vực này vì đây là xu hướng phát triển của đất nước, mặt khác chúng tôi cũng xem đây như là trách nhiệm xã hội của mình”.
Ông Trần Thanh Hải – Chủ tịch HĐQT Cty NutiFood phát biểu tại Lễ ký kết |
Ông Nguyễn Tuấn Hà – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk phát biểu: “Tỉnh Đắk Lắk có điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển nông nghiệp, đóng góp 50% sản lượng cà phê cho cả nước. Chính phủ cũng như UBND tỉnh đã có chủ trương, chính sách xây dựng ngành cà phê phát triển bền vững, gia tăng giá trị trên cơ sở ứng dụng công nghệ cao, nên khi Cty NutiFood là doanh nghiệp có chức năng nghiên cứu và sản xuất dinh dưỡng, nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất sữa muốn đầu tư nông nghiệp công nghệ cao vào địa phương, chúng tôi đã nhất trí ngay”.
Còn ông Hồ Sỹ Trung – Tổng Giám đốc Cty Cà phê Phước An cho biết : “Chúng tôi rất vui và an tâm vì sự hợp tác chiến lược giữa Phước An và NutiFood, bởi NutiFood là Cty có uy tín, giàu năng lực về vốn, kinh nghiệm quản trị, sản xuất, kinh doanh, chắc chắn sẽ giúp thương hiệu cà phê của nông trường CADA nổi tiếng hơn nữa và vươn xa trên khắp thế giới”.
Trả lời lý do vì sao NutiFood lại quyết định bước đi táo bạo này, ông Trần Thanh Hải chia sẻ: Có thể nói nguyên nhân đầu tiên dẫn đến sự hợp tác này xuất phát từ những cảm xúc lãng mạn và ấn tượng của nhiều người trong Ban lãnh đạo NutiFood về đồn điền cà phê xanh ngút ngàn hai bên quốc lộ 26 và nuôi giấc mơ đưa hạt cà phê Đắk Lắk vươn ra thế giới.
Ngoài ra, những thông tin như năm 2016 xuất khẩu cà phê nhân nước ta đứng thế 2 thế giới, nhưng giá trị xuất khẩu cà phê nước ta còn thấp, do chủ yếu xuất ở dạng nguyên liệu thô, khối lượng cà phê chiếm 20% thị phần thế giới, nhưng giá trị chỉ đạt khoảng 2% thị phần cà phê thế giới khiến một người làm kinh doanh như ông có nhiều suy nghĩ, trăn trở.
Chính vì thế, khi có cơ duyên đầu tư vào Cty Phước An, NutiFood còn muốn đầu tư rộng hơn cho tỉnh Đắk Lắk bởi Cty có khát vọng trong tương lai có thể cho ra đời nguồn nguyên liệu cà phê sạch, hữu cơ. Từ nguồn nguyên liệu sạch đó, với thế mạnh về R&D, công nghiệp chế biến thực phẩm và năng lực của các nhà máy, NutiFood sẽ tiến tới đẩy mạnh công nghiệp chế biến, có thể xuất khẩu nguồn cà phê thành phẩm chất lượng cho giá trị cao.
“Chúng ta phải thay đổi phương thức theo hướng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, mà vai trò nòng cốt là doanh nghiệp. NutiFood đã đi đúng đường khi hợp tác với Đắk Lắk, kỳ vọng doanh nghiệp này sẽ trở thành “con sếu” đầu đàn, tạo sức lan tỏa, thu hút các nhà đầu tư khác tạo ra sản phẩm nông nghiệp sạch, hữu cơ, từng bước nâng cao thương hiệu nông sản của vùng đất Tây Nguyên giàu tiềm năng.” - Tiến sĩ Kinh tế Trần Du Lịch phân tích.