Tờ New York Times đã trích dẫn nghiên cứu này hôm 14/8, tuy nhiên, một quan chức tình báo Mỹ nói với hãng tin Reuters: “Chúng tôi có những thông tin tình báo cho thấy Triều Tiên không cần phụ thuộc vào việc nhập khẩu các động cơ… Thay vào đó, chúng tôi nhận định họ có khả năng tự sản xuất động cơ cho riêng mình”.
Động cơ có cải tiến
Các quan chức Mỹ không tiết lộ thêm chi tiết về những lý do khiến họ không đồng tình với đánh giá liên quan tới các động cơ sử dụng nhiên liệu lỏng, được gọi là RD-250, trong báo cáo mà IISS công bố. Ukraine cũng phủ nhận việc từng cung cấp công nghệ quốc phòng cho Triều Tiên. Tờ New York Times đã trích lời đại diện một nhà máy thuộc sở hữu của nhà nước Ukraine có tên là Yuzhmash cho biết công ty họ không sản xuất tên lửa đạn đạo quân sự kể từ khi Liên Xô tan rã hồi năm 1991.
Một quan chức tình báo khác của Mỹ nói rằng việc cải tiến đáng kể động cơ RD-250, giúp đem lại những thành công lớn gần đây, có thể một phần nhờ vào sự đóng góp của các nhà khoa học nước ngoài do Triều Tiên tuyển dụng hoặc được phát triển bởi chính các chuyên gia Triều Tiên từng có thời gian tu nghiệp tại Nga hoặc nước khác.
Khi được hỏi về các báo cáo cho rằng Triều Tiên có thể đã có được các động cơ được sản xuất ở Ukraine, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert đã nói: “Chúng tôi phải khẳng định rằng, Ukraine có thành tích lớn trong việc chống phổ biến vũ khí, đặc biệt là những gì liên quan đến Triều Tiên”.
Tên lửa Triều Tiên phóng lên |
Kết luận từ... so ảnh?
Nghiên cứu của IISS, được công bố đúng vào lúc căng thẳng giữa Washington và Bình Nhưỡng đang gia tăng xung quanh chương trình tên lửa và vũ khí hạt nhân mà Triều Tiên phát triển, cho rằng các động cơ mà quốc gia Đông Bắc Á này sử dụng cho các tên lửa được thử nghiệm thành công gần đây có nguồn gốc từ nhà máy Yuzhmash của Ukraine.
Nghiên cứu này dựa trên việc phân tích những hình ảnh do Triều Tiên công bố về các động cơ tên lửa được nước này thử nghiệm trên mặt đất hồi tháng 9/2016 và tháng 3/2017, cũng như các cuộc thử nghiệm trên không với tên lửa Hwasong-12 và Hwasong-14 hồi tháng 5 và tháng 7/2017. Tên lửa tầm trung Hwasong-12 và tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Hwasong-14 được Triều Tiên thiết kế để có thể bắn tới Mỹ.
Bằng cách so sánh các động cơ trong các bức ảnh, IISS nhận thấy chúng có thể là các phiên bản sửa chữa của RD-250 do nhà máy Yuzhmash sản xuất và đã giúp cho các vụ thử tên lửa của Triều Tiên có được thành công bất ngờ sau hàng loạt thất bại. Nghiên cứu của IISS khiến một số chuyên gia độc lập về vũ khí hạt nhân phải lên tiếng tranh cãi.
Jeffrey Lewis, người đứng đầu Chương trình Chống phổ biến vũ khí hạt nhân ở Đông Á, thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Middlebury ở Monterey (California), khẳng định: “Điều này là hoàn toàn sai lầm”. Ông Lewis cho biết nhóm nghiên cứu của ông đã thực hiện các phép đo độc lập với nhau trên chính những bức ảnh được sử dụng trong nghiên cứu của IISS và xác định rằng đó là các tên lửa có kích cỡ khác nhau. Họ kết luận rằng động cơ cho ICBM của Triều Tiên có khả năng được chế tạo ở trong nước.
Ông Lewis cũng dẫn chứng một thông báo của Bộ Tài chính Mỹ công bố vào ngày 17/1/2016 về các lệnh trừng phạt tài chính áp đặt với các công ty Iran vì đã giúp Triều Tiên phát triển động cơ tên lửa từng được nước này thử nghiệm hồi tháng 11/2016, mẫu động cơ gần giống với động cơ tên lửa nói trên của Ukraine. Ông nói: “Tôi cho rằng chúng không giống với mẫu RD-250, ngoại trừ điểm chung vốn có của các động cơ (tên lửa)”...