'Ổ dịch tin giả' thời dịch bệnh

(PLVN) - Những ngày qua, khi dư luận xã hội đang tập trung theo dõi các tin tức từ dịch bệnh virus Corona, nhiều người dùng mạng đã tung tin thất thiệt, sai sự thật để tăng tương tác, thu hút sự chú ý. Các tin đồn này gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch bệnh tại nhiều địa phương.
Một Facebooker tung tin sai về dịch bệnh virus Corona bị cơ quan chức năng xử lý
Một Facebooker tung tin sai về dịch bệnh virus Corona bị cơ quan chức năng xử lý

Tràn lan tin giả trên mạng xã hội 

Cũng như các đợt bùng phát tin giả trong những năm qua, mạng xã hội như Facebook, Twitter hay YouTube chính là nơi khởi phát nhiều tin giả nhất về virus Corona. 

Không chỉ tại Việt Nam, tin giả cũng xuất hiện tại nhiều quốc gia khác. Tại Hong Kong, một thanh niên làm video phao tin sai lệch về dịch cúm tại Vũ Hán, lượng xem của video đạt ở mức hơn 4 triệu lượt. Theo thông tin như thanh niên này đưa, thì Vũ Hán là một thành phố chết chóc, la liệt xác người. Ấy vậy, khi làm video này, thanh niên đó ở cách Vũ Hán đâu đó tầm gần ngàn cây số. Với thông tin giả đưa ra, thanh niên Hong Kong này ngay lập tức bị cơ quan chức năng xử lý và bắt giữ.

Còn tại Việt Nam, rất nhiều thông tin giả về dịch cúm được đưa ra. Gần đây, tại Lạng Sơn Facebooker Trần Thị Thu Thủy bị cơ quan chức năng lập biên bản xử lý vi phạm hành chính 12,5 triệu đồng. Thu Thủy sinh năm 1997, trú tại huyện Cao Lộc, Lạng Sơn; ngày 29/1, Thuỷ đã đăng tải thông tin sai sự thật về việc 1 người chết do nhiễm virus Corona tại tỉnh này. Thông tin này nhanh chóng lan truyền, gây hoang mang dư luận.

Qua xác minh, công an xác định đây là thông tin sai sự thật. Đến hết ngày 31/1, Lạng Sơn chưa phát hiện trường hợp nhiễm bệnh cũng như tử vong do virus Corona. Ngoài Thuỷ, còn vô số trường hợp “câu view” khác đưa thông tin sai lệch và nhiều trường hợp cũng đã bị xử lý.

Đáng nói, trong đợt bùng phát “ổ dịch tin giả” lần này, ngoài những người bán hàng “online”, kẻ tìm “view” thì còn có cả những người nổi tiếng.

Trước đó, diễn viên Cát Phượng có chia sẻ trên trang cá nhân rằng Q1, Q3, Q5, Q7... có hàng chục người nhiễm Corona. Trên trang cá nhân, Cát Phượng chia sẻ: "Biết nói gì đây? Làm ơn nghĩ cho dân trước cũng là nghĩ cho chính bản thân mình. Dịch bệnh đã đến Q1, rồi sẽ lan tràn đến Q3, Q5, Q7...".

Hôm 26/1, trên trang Fanpage của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng chia sẻ thông tin không đúng về hai bệnh nhân người Trung Quốc điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Cụ thể, trên fanpage của nam ca sĩ cho rằng "hai người Trung Quốc bị nhiễm virus Corona đã chết tại Chợ Rẫy".

Còn với trường hợp của Ngô Thanh Vân, sáng 31/1, cô này cập nhật trạng thái trên fanpage về tình trạng hãng hàng không vẫn có chuyến bay từ Vũ Hán về Việt Nam giữa đại dịch virus Corona. Bài chia sẻ của Ngô Thanh Vân được đăng vào thời điểm Cục Hàng không đã dừng cấp phép các chuyến bay từ Việt Nam đi Vũ Hán và ngược lại.

Từ khi virus Corona phát tán rộng, nhiều nghệ sĩ Việt theo sát tình hình, thể hiện qua những bài share, viết trên Facebook cá nhân. Tuy nhiên, những bài viết của một số nghệ sĩ như Đàm Vĩnh Hưng, Cát Phượng, Ngô Thanh Vân... bị cộng đồng mạng chỉ trích nhiều vì đưa tin sai lệch, không giúp người dân nâng cao tinh thần phòng bệnh mà gây hoang mang tâm lý giữa dịch Corona.

Xử lý nghiêm những kẻ phao tin đồn “nhảm”

Tình hình nạn dịch viêm phổi virus Corona Vũ Hán đang diễn biến phức tạp, các nguồn thông tin về dịch bệnh này xuất hiện hầu như trên khắp các phương tiện truyền thông đại chúng, đặc biệt là trên các trang mạng xã hội.

Tuy nhiên, có những thông tin thất thiệt về dịch viêm đường hô hấp cấp do virus Corona xuất hiện tại một số địa phương ở nước ta đang gây hoang mang cho người dân. Tin giả, tin nhiễu không chỉ gây tình trạng hoang mang trong cộng đồng, mà còn gieo nỗi sợ hãi cho xã hội, tạo kích động trong cộng đồng mạng. Chính vì thế, song hành với nỗ lực phòng tránh, ngăn chặn và dập dịch, các thông tin về virus Corona đưa không đúng sự thật, gây nhũng loạn, hoang mang dư luận cũng được các cơ quan quản lý xử lí một cách quyết liệt.

Dưới góc độ pháp lý, trong quá trình điều tra xác minh, nếu cơ quan chức năng có căn cứ xác định người tung tin thất thiệt nhằm gây thiệt hại tài sản cho tổ chức, doanh nghiệp hay cá nhân, thì có thể truy cứu trách nhiệm hình sự người đó về hành vi Vu khống, quy định tại Điều 156 Bộ luật Hình sự với mức phạt tù cao nhất 7 năm. Người có hành vi thông tin sai sự thật gây hậu quả nguy hiểm cho xã hội sẽ bị xử lý hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều 288 Bộ luật Hình sự về tội Đưa hoặc sử dụng trái phép mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet với mức phạt tù lên đến 3 năm.

Luật An ninh mạng cũng nghiêm cấm hành vi đưa thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại đến hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm hại quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác. Còn nếu xác định tin đồn sai sự thật nhưng chưa đến mức nguy hiểm cho xã hội, không xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác và chưa ảnh hưởng lớn đến hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân thì người tung tin sẽ bị xử phạt hành chính.

Nghị định 174/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện quy định, trường hợp phao tin đồn sai sự thật nhằm xuyên tạc, “câu like” hoặc phục vụ cho mục đích kinh doanh qua mạng,... thì người đăng tin sẽ bị xử phạt hành chính với mức phạt tiền 20 - 30 triệu đồng đối với tổ chức, 10 - 15 triệu đồng đối với cá nhân.

Trước vấn nạn tin giả về virus Corona đang gây bất an, rối loạn tâm lý người dân, một số quốc gia đã và đang đưa ra các biện pháp xử lý mạnh tay trừng trị các đối tượng đưa tin giả, tin sai lệch, thông tin thiếu kiểm chứng về virus Corona trên không gian mạng. Mới nhất, Malaysia đã bắt 4 đối tượng trong các vụ việc riêng lẻ vì hành vi tung tin giả về virus Corona trên mạng xã hội gây hoang mang cho người dân và xã hội.

Cần tỉnh táo trước các thông tin trên mạng xã hội

Cái đáng sợ nhất không phải là tác hại của dịch bệnh Corona mà là những thông tin lệch lạc, sự thiếu hiểu biết và “drama hóa” xoay quanh căn bệnh này.

Nhiều người khi thấy tin đồn giả là họ sẽ bỏ qua thực tế. Có thể họ không tin vào hệ thống y tế Việt Nam, không tin Bộ Y tế, cũng không tin WHO. Nhưng họ lại như những con thiêu thân lao đầu vào lửa và tin bất cứ thông tin gì họ thấy của nhiều thanh niên bán hàng online, thậm chí là những kẻ chống phá Nhà nước.

Thêm nữa, nhiều người cứ thích drama hóa mọi việc, muốn thế giới này phải có những phút giây như phim ảnh và so sánh dịch bệnh này với các các dịch bệnh ở các bộ phim World War Z hay Train to Busan.

Những thông tin xấu, phi chính thống cứ ngày một nhiều thêm, cứ ngày một khó kiểm soát trong khi phần đông cư dân mạng với vốn chưa có nhiều hiểu biết, tư duy lập luận và kiếm thức rất yếu lại rất ham thích những thông tin như vậy và tin một cách mù quáng và rồi, nhiều người lại đi chửi chính quyền.

Mỗi căn bệnh đều có căn nguyên và gốc rễ của nó, theo báo cáo của WHO, độ tuổi trung bình tử vong vì chủng virus này là 73 và các bệnh nhân tử vong đều mang trong mình các căn bệnh cơ hội khác như tiểu đường, xơ gan. Bệnh nhân nhỏ tuổi nhất nhiễm Corona là một bé 10 tuổi, đã xuất viện. Người bệnh tử vong trẻ nhất cũng đã 48 tuổi và bà nhập viện điều trị vì một căn bệnh khác trước khi tử vong 4 tuần.

Cũng theo WHO, chủng virus này không thể tồn tại ở mức nhiệt độ trên 25 độ C, vì thế, khả năng lây lan tại Việt Nam trong thời gian qua và sắp tới là không cao vì nền nhiệt chủ đạo ở nước ta đều ở mức cao hơn 25 độ C. Tỷ lệ tử vong vì chủng virus này ở mức 3% nhưng tỷ lệ tử vong của người trẻ nhiễm chủng virus này ở độ tuổi dưới 30 là 0%, thậm chí tỷ lệ tử vong này còn thấp hơn tỷ lệ người chết vì nắng nóng tại Việt Nam năm 2019.

Vì thế, đừng quá lo lắng nhưng cũng đừng quá chủ quan, việc cần thiết nhất là ăn sạch, ở sạch, uống sạch và hãy đọc những thông tin chính thống. Và các bạn nên nhớ rằng, Việt Nam là quốc gia đầu tiên chống và đẩy lùi dịch bệnh SARS trên thế giới. Kinh nghiệm chống SARS của Việt Nam đã được WHO soạn thành văn bản, đề án và gửi đến toàn bộ các quốc gia khác tham khảo và làm theo. 

Để hạn chế việc đưa thông tin sai sự thật lên mạng xã hội, hiểu đúng, hiểu đủ về công tác kiểm soát, phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV gây ra thì các cơ quan, đơn vị, cơ quan báo chí chủ động đưa tin chính xác về tình hình dịch bệnh cùng những khuyến cáo cần thiết để người dân không hoang mang lo lắng và chủ động thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch bệnh khi cần thiết theo khuyến cáo của ngành Y tế.

Bên cạnh đó, mỗi người dân cần nâng cao trách nhiệm với những thông tin do mình đăng tải, chia sẻ lên môi trường mạng; cảnh giác, chọn lọc thông tin, không nên chia sẻ những thông tin chưa được xác thực, thiếu cơ sở; tiếp cận và chia sẻ thông tin từ các nguồn tin chính thống. 

Đọc thêm