Người dân lo lắng
Theo Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường - TN&MT), mức độ ô nhiễm không khí tại Hà Nội có xu hướng gia tăng trong tuần qua. Trong các ngày 10-13/12, chỉ số chất lượng không khí tại Hà Nội chạm ngưỡng rất xấu (AQI trong khoảng 201-300). Lúc 8h10’ sáng ngày 14/12, chỉ số AQI mà AirVisual cập nhật tại Hà Nội là 318- mức cực kỳ nguy hại.
Trước thực trạng này, nhiều người dân đã bày tỏ lo lắng. “Ở Hà Nội bụi bặm thì ai cũng biết. Nhưng bụi, ô nhiễm đến mức không thấy đường đi là điều đáng lo. Buổi sáng dắt xe ra đi làm trong không khí đặc quánh bởi bụi mịn cứ ngỡ mình đang ở xứ mù sương. Nhà tôi có con nhỏ mà không khí cứ thế này thì rất dễ mắc bệnh” - chị Nguyễn Thị Quỳnh (sống tại quận Thanh Xuân) lắc đầu ngao ngán.
Anh Trịnh Thế Sự (ở quận Bắc Từ Liêm) thì nghi ngại: “Tôi bị viêm xoang mũi dị ứng, thời tiết như thế này khiến căn bệnh càng thêm nặng. Trời lạnh kèm theo bụi bẩn kéo theo ho, sổ mũi, thực sự rất khó chịu.
Biết bệnh của mình nên đi đâu tôi cũng mang khẩu trang nhưng có vẻ cũng không hiệu quả cho lắm. Các cơ quan chức năng để Hà Nội ô nhiễm đến mức báo động mà chỉ khuyến cáo chứ không có thêm biện pháp gì bảo vệ người dân thì phải chăng là đang thiếu trách nhiệm với cộng đồng?”.
Cũng theo anh Sự, đây không phải lần đầu tiên chỉ số ô nhiễm không khí ở Hà Nội đạt mức nguy cấp, nhưng khi chỉ số hạ xuống thì chẳng còn ai quan tâm cả, bởi họ nghĩ rằng không khí hết ô nhiễm và trong lành trở lại. Thực chất, chúng ta vẫn luôn sống với tình trạng ô nhiễm bao năm qua. Chỉ đến khi chỉ số đến mức báo động thì mới hốt hoảng kêu trời, sắm vài cái khẩu trang để tự an ủi, huyễn hoặc rằng mình đang an toàn.
Nhiều khuyến cáo
Trước tình hình ô nhiễm không khí, ngày 14/12, Tổng cục Môi trường đã đưa ra thang khuyến cáo với người căn cứ mức độ ô nhiễm. Chỉ số đo lường cho thấy, hàm lượng PM2.5 thường cao hơn vào buổi đêm và sáng sớm. Chất lượng không khí đang có xu hướng xấu đi, đặc biệt, trong mấy ngày gần đây, chỉ số AQI đo được tại một số trạm ở Hà Nội đã chạm ngưỡng rất xấu. Vì vậy, theo Tổng cục Môi trường, người dân nên hạn chế các hoạt động ngoài trời trong các khoảng thời gian này.
Theo dự báo thời tiết, khoảng thứ tư tuần này (ngày 18/12) mới có thể có mưa. Do đó, trước ngày này thì chất lượng không khí có thể vẫn duy trì ở mức xấu. Mọi người nên hạn chế vận động và tập thể dục ngoài trời, đóng các cửa sổ và cửa ra vào, đeo khẩu trang chống bụi PM2 khi đi ra đường- Tổng cục Môi trường khuyến cáo.
Cục Quản lý Môi trường - Bộ Y tế cũng khuyến cáo người dân thường xuyên theo dõi tình hình chất lượng không khí trên các phương tiện thông tin truyền thông chính thống của Bộ TN&MT, Sở TN&MT các tỉnh, thành phố. Hạn chế ra khỏi nhà, vận động tập thể dục, lao động ngoài trời khi chất lượng không khí ở mức xấu.
Khi ra đường nên sử dụng khẩu trang đảm bảo chất lượng và đeo khẩu trang đúng quy cách (đảm bảo kín, khít mặt). Vệ sinh mũi, súc họng bằng nước muối sinh lý vào buổi sáng, tối hoặc sau khi về nhà. Tra rửa mắt bằng nước muối sinh lý vào buổi tối trước khi đi ngủ. Đối với người hút thuốc lá thì nên bỏ hẳn hoặc hạn chế hút thuốc lá. Với người không hút thuốc lá nên tránh xa khói thuốc lá.
Khuyến cáo cũng chỉ ra rằng, người dân nên hạn chế mở cửa sổ, cửa ra vào thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng, đặc biệt các gia đình gần đường giao thông, gần khu vực ô nhiễm. Đồng thời, phải thường xuyên vệ sinh phòng ở và nhà cửa, dọn dẹp thông thoáng môi trường sống. Hạn chế sử dụng hoặc thay thế sử dụng bếp than tổ ong, củi, rơm rạ bằng bếp điện, bếp từ hoặc bếp ga. Nên trồng cây xanh trong và quanh nhà giúp ngăn bụi và làm sạch không khí.
Đặc biệt, đối với người có bệnh hô hấp, bệnh tâm phế mạn tính, bệnh tim mạch, suy dinh dưỡng, già yếu cần lưu ý thực hiện các biện pháp dự phòng trên nghiêm ngặt hơn. Bên cạnh đó, cần tuân thủ và duy trì điều trị theo đơn của bác sĩ chuyên khoa. Nếu có dấu hiệu khó chịu, tăng nặng nên khám ngay tại các cơ sở y tế chuyên khoa. Theo khuyến cáo, trong thời điểm này nếu mắc các bệnh cấp tính như sốt, viêm mũi họng, phổi phế quản, tim mạch… cần đến khám tại các cơ sở y tế và điều trị kịp thời.
Bên cạnh các biện pháp phòng chống trên, người dân cần tăng cường dinh dưỡng nâng cao thể trạng và sức đề kháng.
Bụi mịn có thể gây ung thư
Những ngày qua, khắp nơi trong TP Hà Nội người dân bị ô nhiễm khói bụi, khí thải bủa vây bầu trời như luôn có sương mù bao quanh. Sức khỏe của người dân cũng vì thế mà ảnh hưởng nghiêm trọng.
Thông tin từ Bệnh viện Lão khoa Trung ương, gần đây lượng bệnh nhân nhập viện cấp cứu tại đây tăng. Tuần vừa qua, trung bình mỗi ngày khoa tiếp nhận 30 – 35 ca cấp cứu, tăng 1,5 lần so với ngày thường.
Tương tự tại Bệnh viện Nhi Trung ương và Bệnh viện Phổi Trung ương, hiện số bệnh nhân nhập viện do thời tiết giá lạnh và tình trạng ô nhiễm môi trường tuy không nhiều đột biến, nhưng có phần tăng hơn so với ngày thường.
Các chuyên gia cho biết, không khí Hà Nội hiện nay, ngoài bụi vô cơ, hữu cơ, khí thải, còn tồn tại một dạng bụi đặc biệt khác là bụi mịn. Có 2 loại bụi mịn là PM10 và PM2.5, nhưng nguy hiểm nhất là PM2.5.
Đây là những hạt li ti trong không khí, có kích thước 2,5 micron trở xuống, nhỏ hơn khoảng 30 lần so với sợi tóc người. Loại bụi này có khả năng len lỏi sâu vào trong phổi, gây ảnh hưởng tới sức khỏe con người và là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh hô hấp như: Viêm phổi, viêm phế quản, hen suyễn…
Thậm chí theo các chuyên gia y tế bụi mịn PM2.5 được hình thành từ các chất độc hại như: Cacbon, Sunphua, Nitơ và các hợp chất kim loại khác lơ lửng trong không khí. Các hạt bụi siêu nhỏ này có khả năng vượt qua “hàng rào” bảo vệ của các loại khẩu trang thông thường, đi sâu vào trong phổi, len lỏi trực tiếp vào máu rồi gây độc cho cơ thể.
Loại bụi này cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng viêm đường hô hấp, viêm phổi, phổi tắc nghẽn hay thậm chí là cả ung thư.
Đã đến lúc các cơ quan quản lý không thể thờ ơ với ô nhiễm không khí
GS.TS Hoàng Xuân Cơ - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quan trắc và mô hình hóa môi trường:
“Các cơ quan quản lý từ Trung ương đến địa phương đều làm rất tốt vai trò nhận định về tình trạng ô nhiễm không khí nhưng chưa một đơn vị nào lên tiếng về nguyên nhân và tiến hành các biện pháp để giảm thiểu nó.
So sánh trong phản ứng của chính quyền ở Hà Nội với chính quyền những thành phố khác cũng từng trải qua giai đoạn ô nhiễm không khí nghiêm trọng, có thể thấy, sau một thời kỳ phát triển nóng, chính quyền Bắc Kinh (Trung Quốc) cũng phải mất thời gian dài mới có thể dành sự quan tâm cho vấn đề ô nhiễm không khí và tiến hành các chính sách cải thiện tình hình. Bởi lẽ, ô nhiễm không khí không phải vấn đề mới nhưng để giải quyết được, cần có sự quyết tâm đầu tư cả về công sức, trí tuệ và thời gian vì có thể kéo dài nhiều năm.
Chúng ta có đủ nguồn lực để làm tình hình trở nên khả quan hơn, nhưng hiện chưa có đơn vị nào dám đứng ra làm và dám chịu trách nhiệm. Tôi chưa nhìn thấy vai trò quản lý của các sở, ngành của Hà Nội trong những ngày không khí ô nhiễm.
Tất cả nguồn lực từ ngân sách thành phố đến trí tuệ của các nhà khoa học để giải quyết tình hình chưa được sử dụng đúng mực. Tính cấp bách của hiện trạng này đã thể hiện rõ qua dư luận và những con số. Đã đến lúc các nhà quản lý không thể thờ ơ với ô nhiễm không khí được nữa.
TS. Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường:
“Chỉ số chất lượng không khí (AQI) cao do các nguồn ô nhiễm từ những hoạt động của con người từ giao thông, xây dựng, sản xuất, đốt rác, đốt rơm rạ nhưng chưa có biện pháp hạn chế. Bên cạnh đó, những ngày thời tiết không thuận lợi, không phát tán được khí thải lên cao dẫn đến tình trạng ô nhiễm về đêm và sáng sớm.
Theo các quy định, các công trình xây dựng phải che, quây kín lại, cần rửa xe khi ra vào công trình, che chắn trên thùng xe. Tuy nhiên, rất nhiều công trình và xe tải không thực hiện đúng những quy định này làm đường bụi mù mịt.
Hà Nội đã có nhiều cố gắng trong giải quyết giảm thiểu ô nhiễm như trồng cây xanh, nhiều tuyến xe buýt, sử dụng nhiên liệu sạch, hạn chế đốt than tổ ong nhưng chưa đủ. Thành phố cần quyết liệt hơn với các công trình xây dựng trong những ngày ô nhiễm”.
Thảo Anh (tổng hợp)