Trung Quốc lo vực dậy thị trường ô tô sau đại dịch Covid-19

(PLVN) - Trung bình hàng năm, trong quý I, thị trường Trung Quốc tiêu thụ được hơn 6 triệu xe mới. Năm nay, con số này chỉ gần 3,7 triệu và bây giờ Chính phủ dùng tiền mặt để giúp thị trường ô tô lớn nhất thế giới lấy lại phong độ sau đại dịch Covid-10.
Công nhân làm việc tại dây chuyền lắp ráp tại một nhà máy tự động của Dongfeng Honda ở Vũ Hán (Hồ Bắc, Trung Quốc) ngày 7/4/2020. Ảnh: AFP
Công nhân làm việc tại dây chuyền lắp ráp tại một nhà máy tự động của Dongfeng Honda ở Vũ Hán (Hồ Bắc, Trung Quốc) ngày 7/4/2020. Ảnh: AFP

Doanh số ô tô đã giảm 42% trong quý đầu năm 2020 so với cùng kỳ năm ngoái, theo dữ liệu công bố vào cuối tuần trước của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc (CAAM). Trong khi đó phần lớn là do sự sụt giảm 79% doanh số trong tháng 2 - khi đất nước 1,4 tỷ dân này chỉ đạt 310.000 giao dịch. Chỉ có 1,43 triệu xe được bán tại Trung Quốc vào tháng 3, giảm 43% so với tháng 3/2019.

Ngành công nghiệp ô tô đóng một vai trò quan trọng trong nền kinh tế Trung Quốc khi giải quyết việc làm (gián tiếp và trực tiếp) cho hơn 40 triệu người lao động. Ngành công nghiệp này tạo ra doanh thu hơn 1.000 tỷ USD mỗi năm, chiếm khoảng 10% sản lượng sản xuất của Trung Quốc.

"Trong khi sự gián đoạn chuỗi cung ứng bởi virus corona chắc chắn là vấn đề đau đầu đối với các nhà sản xuất ô tô, thì nhu cầu giảm mạnh thậm chí còn "đe dọa đến tính mạng" ngành công nghiệp này hơn, sau hai năm liên tiếp giảm doanh số tại Trung Quốc" - Alicia García-Herrero, kinh tế trưởng Châu Á Thái Bình Dương tại Natixis, viết trong một nghiên cứu gần đây.

García-Herrero đã nói thêm trong một cuộc phỏng vấn với CNN Business rằng mức giảm 43% trong tháng 3 dù sao cũng là sự cải thiện doanh số so với tháng 2, đặc biệt là với tốc độ doanh số chậm lại đang diễn ra.

Một thị trường xe hơi Trung Quốc lành mạnh cũng rất quan trọng với phần còn lại của thế giới. Các nhà sản xuất ô tô toàn cầu như Volkswagen (VLKAF) và General Motors (GM) bán hàng triệu xe hơi tại Trung Quốc mỗi năm. Ước tính, khoảng 40% tổng doanh số của  mỗi công ty này phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.

Tuy nhiên, để lấy lại nhịp phát triển bình thường vào thời điểm này sẽ là khó khăn đối với Trung Quốc. Nền kinh tế vẫn đang cố gắng phục hồi sau khi Chính phủ áp dụng các biện pháp phong tỏa để dập tắt sự bùng phát của dịch Covid-19. Một số thành phố bị phong tỏa, người dân bị hạn chế đi lại.

Ngành sản xuất ô tô vì thế cũng bị đình trệ khi các nhà máy buộc phải đóng cửa và làm tắc nghẽn chuỗi cung ứng. Phần lớn thế giới vẫn đang bị phong tỏa càng làm sự phục hồi của ngành công nghiệp ô tô Trung Quốc trở nên khó khăn hơn.

Sản xuất ô tô, ít nhất, đã bắt đầu hoạt động trở lại ở Trung Quốc sau khi Vũ Hán, trung tâm ban đầu của dịch COVID-19 và là trung tâm chính của ngành công nghiệp ô tô toàn cầu, đã kết thúc 76 ngày phong tỏa vào tuần trước.

Nhưng việc khó hơn không phải quay lại sản xuất sau phong tỏa mà chính là kích cầu cho thị trường, bởi thực tế là nhu cầu mua ô tô của người Trung Quốc đã chậm lại đáng kể từ trước khi virus tấn công đất nước này. Tổng doanh số bán xe hơi tại Trung Quốc đã giảm khoảng 8% trong năm 2019 (xuống chỉ còn dưới 25,8 triệu xe) sau khi giảm gần 3% vào năm 2018 - lần giảm đầu tiên kể từ những năm 1990.

"Nhu cầu cấp thiết" để tăng doanh số

Trung Quốc biết rằng họ có vấn đề về kích cầu. CAAM cho biết trong một tuyên bố hôm 10/4 rằng khi các nhà sản xuất ô tô khởi động lại sản xuất, việc tăng doanh số hiện là "vấn đề chính" của ngành và là "nhu cầu cấp thiết".

"Mặc dù thị trường xe hơi có thể hồi phục trong quý hai, nhưng không chắc là Trung Quốc sẽ có thể bù lỗ cho quý đầu tiên" - CAAM nhận định.

Hiệp hội ngành công nghiệp ô tô Trung Quốc đã không đưa ra một dự báo mới cho doanh số bán hàng trong năm nay. Trước khi dịch bệnh bùng phát, CAAM dự đoán doanh số giảm 2% vào năm 2020. Tuy nhiên, ước tính độc lập gần đây cho thấy tình hình rất nghiêm trọng: doanh số ô tô của Trung Quốc có thể giảm tới 10% trong năm nay, theo phân tích S & P xếp hạng được công bố tuần trước.

Trung Quốc đang thực hiện các bước để cố gắng tăng doanh số ô tô. Tháng trước, Bắc Kinh tuyên bố sẽ gia hạn hỗ trợ và giảm thuế cho các phương tiện năng lượng mới, như xe điện hoặc xe hybrid (loại xe sử dụng hai hoặc nhiều loại năng lượng riêng biệt), trong hai năm nữa.

Chính quyền các địa phương cũng bắt đầu vào cuộc để kích cầu cho thị trường ô tô. Ảnh: CNN
 Chính quyền các địa phương cũng bắt đầu vào cuộc để kích cầu cho thị trường ô tô. Ảnh: CNN

Trung Quốc đã bắt đầu cắt giảm đáng kể những ưu đãi này vào năm ngoái để loại bỏ các công ty hoạt động kém hiệu quả. Phân khúc xe điện đã phải chịu đựng hậu quả nặng nề hơn các phân khúc ô tô truyền thống. Tháng trước, chỉ có 53.000 chiếc xe điện được bán ra, giảm 53% so với một năm trước đó. (Tuy nhiên, số lượng đó không bao gồm Tesla (TSLA) - nhà sản xuất ô tô Mỹ gần đây đang cố chiếm thị phần ởTrung Quốc.)

Chính quyền các địa phương cũng bắt đầu vào cuộc để kích cầu cho thị trường ô tô Trung Quốc. Ít nhất một chục tỉnh thành khuyến khích người dân mua ô tô, chủ yếu bằng cách cung cấp các khoản trợ cấp tiền mặt lên tới 1.400 USD mỗi xe.

Trung Quốc hy vọng rằng nhu cầu mua ô tô sẽ tăng lên khi các trường học mở cửa trở lại vào mùa xuân và mùa hè,  bởi theo Hiệp hội xe khách Trung Quốc (CPCA), nhu cầu đưa/đón trẻ là một lý do lớn để người dân ở Trung Quốc mua ô tô.

Hồi đầu tháng, Tổng thư ký CPCA Cui Dongshu cũng lưu ý rằng, năm nay kỳ nghỉ Ngày quốc tế Lao động 1/5 của Trung Quốc sẽ kéo dài 5 ngày - dài hơn so với các kỳ nghỉ này hơn một thập kỷ qua. Nhu cầu du lịch trong một kỳ nghỉ dài có thể là cơ hội để ngành kinh doanh ô tô Trung Quốc tăng doanh số.

Sức mua của người tiêu dùng Trung Quốc đang suy yếu

Tuy nhiên, việc hỗ trợ bằng tiền mặt và hy vọng tăng nhu cầu tiêu thụ ô tô sẽ không đủ để cứu thị trường xe hơi đang chùng xuống, không chỉ do dịch Covid-19.

Sự tăng trưởng doanh số "nóng" của thị trường xe hơi Trung Quốc trong những năm 1990 đã qua lâu rồi. Và García-Herrero lưu ý trong báo cáo nghiên cứu của mình rằng, sức mua của người tiêu dùng Trung Quốc đang suy yếu, tạo ra một vấn đề cơ cấu tiềm ẩn có thể gây khó khăn cho doanh số trong một thời gian dài.

Việc thiếu nhu cầu về ô tô và các mặt hàng có giá trị lớn khác có thể được quy cho một loạt các vấn đề gây khó khăn cho nền kinh tế Trung Quốc trong những năm gần đây. García-Herrero ví dụ, tăng chi phí nhà ở đã làm giảm số tiền mà người tiêu dùng Trung Quốc có thể dành cho các giao dịch khác.

"Khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn cũng khiến thu nhập khả dụng bị đình trệ", bà nói thêm, "điều này đặc biệt làm tổn hại đến doanh số của những chiếc xe ở phân khúc bình dân. Và những hạn chế pháp lý nghiêm ngặt đối với các ngân hàng đã được đưa ra vào năm 2017 khiến mọi người gặp khó khăn hơn trong việc tìm kiếm khoản vay cho việc mua xe của họ".

Đọc thêm