Oan án “kẹo bông đường” chỉ có ở nước Mỹ

(PLO) - Kẹo bông đường là thứ đồ ngọt rẻ tiền mà được mọi rất nhiều người ưa thích và gần như ở nơi nào trên thế giới cũng đều có. Ở nước Mỹ, loại kẹo này đã trở nên nổi tiếng hơn sau khi trở thành tang chứng, vật chứng bất đắc dỹ trong một vụ án vừa ly kỳ vừa khôi hài, lại vừa đơn giản và ngớ ngẩn đến mức khó tin. Cũng chính vì thế nên mới có thêm chuyện kỳ án thời hiện đại.
Cặp đôi khi bị cảnh sát bắt
Cặp đôi khi bị cảnh sát bắt

Chuyện xảy ra vào ngày cuối cùng của năm 2016 ở bang Georgia của nước Mỹ. Bà Dasha Fincher cùng lái xe ô tô đang đi trên đường thì bị cảnh sát chặn lại. Lý do được cảnh sát đưa ra là nhìn từ xa thấy kính xe ô tô của hai người này sẫm mầu hơn mức quy định trong luật pháp.

Cảnh sát kiểm tra kính xe ô tô và xác nhận là độ sẫm mầu của kính xe hợp đúng tiêu chuẩn pháp luật quy định. Dù vậy, cảnh sát vẫn khám xét toàn bộ chiếc ô tô và phát hiện ra một túi kẹo bông đường. 

Cho dù hai người trên xe ô tô có trình bày và giải thích như thế nào thì cảnh sát cũng vẫn quả quyết rằng đó là ma tuý và cáo buộc hai người này tội sử dụng, vận chuyển và có ý định buôn bán ma tuý với trọng lượng túi kẹo bông đường là 28 gram. Cảnh sát bắt giữ hai người ngay lập tức và tống giam họ. 

Kết quả xét nghiệm nhanh cho thấy túi kẹo bông đường này đúng là ma tuý thật, mà lại còn là loại ma túy đá vốn bị cấm. Dasha Fincher được mời chào nộp 883.505 USD để được tại ngoại - số tiền lớn mà người phụ nữ này không có khả năng nộp.

Ngày 6/1/2017, mẫu vật từ túi kẹo bông đường được gửi đến phòng xét nghiệm hình sự của cảnh sát để xét nghiệm và kết quả cuối cùng cho thấy - nhưng cũng phải sau đó 3 tháng - là trong túi nhựa kia không hề có ma tuý mà chỉ là kẹo bông đường thuần tuý.

Dasha Fincher và người lái xe được trả tự do - tự do sau 3 tháng bị giam cầm oan ức. Ra tù, hai người này khởi kiện 2 viên cảnh sát để đòi bồi thường danh dự và vật chất.

Vụ việc này gây ồn ào sôi động ở bang Georgia. Câu hỏi được công luận đặt ra là cảnh sát đã lạm dụng quyền hành hay quá yếu kém về năng lực chuyên môn. Câu hỏi khác cũng được đặt ra là vì sao cần nhiều thời gian đến như vậy để xét nghiệm mẫu vật đơn giản.

Nếu bị tòa án kết tội theo như cáo buộc của cảnh sát thì người phụ nữ kia và lái xe sẽ bị tuyên phạt án tù rất nặng và như thế mức độ oan ức của họ còn khủng khiếp hơn rất nhiều. Chuyện tày đình đối với sinh mạng và danh dự của con người đến như thế mà cảnh sát lại có thể hành xử tuỳ tiện và kéo dài thời gian xử lý.

Vụ việc tuy rất đơn giản nhưng lại phơi bày rất rõ và rất nhiều bất cập và yếu kém ở phía cảnh sát. Thường đại sự được xử lý thành tiểu sự thì dân chúng mới được lợi còn khi tiểu sự bị cảnh sát và tòa án biến thành đại sự thì người dân thường bị tổn hại đủ đường.

Điều khiến vụ việc này được coi như một kỳ án hiếm thấy ở Mỹ bởi thật khó có thể tin rằng nó lại xảy ra trong thế giới hiện đại. Luật pháp ra đời để phục vụ con người và xã hội chứ không phải để hành hạ con người trong xã hội.

Luật pháp đòi hỏi con người và xã hội tuân thủ luật pháp như thế nào thì phải nghiêm khắc còn hơn thế nữa đối với những bên thực thi và bảo vệ pháp luật. Chỉ như thế thì thời hiện đại mới không còn những kỳ án bi hài như chuyện này.

Đọc thêm