Từ chu kỳ thăng hoa…
Hãy bắt đầu bằng Báo cáo tài chính năm 2007 của OceanBank. Theo bảng cân đối của NH này, nếu thời điểm ngày 1/1/2007, tổng tài sản mới là 1.001,3 tỷ đồng, thì tới ngày 31/12/2007, tổng tài sản có của OceanBank đã tăng đột biến, lên tới… 13.680 tỷ đồng.
Trong sự tăng trưởng đột biến này, đáng ngạc nhiên, có sự đóng góp từ 9.570 tỷ đồng tiền gửi của các tổ chức tín dụng (TCTD) khác. Quá trình thăng tiến vượt bậc về huy động vốn được xem như thành công của Chủ tịch HĐQT OceanBank, ông Hà Văn Thắm.
Ẩn sau thành công này của ông Hà Văn Thắm, là mối quan hệ chớm hình thành, nhưng đã sớm mặn nồng giữa ngân hàng này với Công ty Tài chính Dầu khí (PVFC), và những cái tên sau này cũng rất quen thuộc ở OceanBank.
Tháng 11/2007, OceanBank tiếp nhận một nhân sự mới là bà Nguyễn Thị Minh Thu, nguyên Trưởng phòng Quản lý dòng tiền của PVFC chuyển sang. Một năm sau đó, năm 2008, bà Nguyễn Thị Minh Thu được bổ nhiệm từ Phó Giám đốc Oceanbank Chi nhánh Hà Nội lên làm Phó Tổng giám đốc Oceanbank.
Gần như cùng lúc, OceanBank có Tổng Giám đốc mới là ông Nguyễn Xuân Sơn, nguyên Tổng Giám đốc của PVFC, sếp cũ của bà Thu, chuyển sang.
Với bộ khung gồm: Tổng Giám đốc Nguyễn Xuân Sơn; Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Minh Thu và Chủ tịch HĐQT Hà Văn Thắm, OceanBank bước vào giai đoạn phát triển “thăng hoa” nhất, giai đoạn những năm 2009 - 2010.
Nếu như trong năm 2008, tăng trưởng tổng tài sản của OceanBank chỉ vào khoảng 1.600 tỷ đồng, đạt 14.091 tỷ đồng thời điểm ngày 31/12/2008, thì tới thời điểm ngày 31/12/2009 đã vọt lên 33.784 tỷ đồng, tức là tăng hơn 230% chỉ trong 12 tháng.
Về lãi, nếu như năm 2007, OceanBank mới đạt lợi nhuận 97,4 tỷ đồng, sang năm 2008, dù huy động tăng vọt, nhưng mức lợi nhuận cũng chỉ là 45,2 tỷ đồng. Sang năm 2009, lợi nhuận sau thuế đã đạt mức nhảy vọt, lên tới… 227,3 tỷ đồng. Tới năm 2010, tổng tài sản của OceanBank tiếp tục đạt mức tăng trưởng nóng, khi lên tới 55.138 tỷ đồng, với lợi nhuận tăng gấp hơn 2 lần so năm 2009, lên mức hơn 520 tỷ đồng.
Đà tăng trưởng của OceanBank tiếp tục, dù chậm dần, trong hai năm sau đó, đáng lưu ý là hệ số lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu giảm mạnh. Năm 2011, tổng tài sản của OceanBank đạt 60.639 tỷ đồng, lợi nhuận gần 488 tỷ đồng. Tới năm 2012, tổng tài sản của OceanBank đạt 64.462 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận giảm còn 243 tỷ đồng. Năm 2013, tổng tài sản OceanBank đạt mức đỉnh 67.075 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận teo nhỏ, chỉ còn 188,6 tỷ đồng. Tới lúc này, những xì xào về tình hình tài chính tệ hại của OceanBank bắt đầu được... chứng thực.
Năm 2014, hoạt động của OceanBank lao dốc theo chiều thẳng đứng. Kết thúc niên độ năm 2014, tổng tài sản của OceanBank giảm sốc gần 24.000 tỷ đồng, xuống còn 43.088 tỷ đồng, báo cáo tài chính của OceanBank ghi nhận khoản lỗ khủng khiếp, lên tới… 15.295 tỷ đồng. Đến thời điểm ngày 31/12/2014, chỉ riêng nợ có khả năng mất vốn của OceanBank đã vọt lên tới 14.805 tỷ đồng từ 600 tỷ đồng ghi nhận ở thời điểm ngày 31/12/2013.
Những gì xảy ra sau đó đã là đương nhiên, khi các lãnh đạo của OceanBank đồng loạt bị bắt, và chính thức bị NHNN mua lại với giá… 0 đồng.
… đến câu chuyện bị cáo
Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao tuyên đọc ngày 27/2 và ngày 28/2 tại Tòa án nhân dân TP Hà Nội về vụ việc xảy ra tại OceanBank, ngoại trừ ông Hà Văn Thắm, các cựu lãnh đạo của OceanBank bị kết tội vì đã thực hiện những “nghiệp vụ” bị cấm. Đó là chi lãi vượt trần, thu phí vay vốn, thu phí bán ngoại tệ...
Theo cơ quan điều tra, tổng số tiền chi lãi “chăm sóc” để huy động vốn của OceanBank giai đoạn năm 2010 đến tháng 11/2014 lên tới hơn 1.576 tỷ đồng, trong đó có 1.080 tỷ đồng là chi lãi ngoài, 984 tỷ đồng chi vượt trần lãi suất.
Tổng số tiền thu phí của các khách hàng vay vốn và khách hàng mua ngoại tệ thông qua Công ty CP BSC Việt Nam (công ty con của OceanBank do ông Hà Văn Thắm lập ra đầu năm 2008) là 70,9 tỷ đồng. Số tiền này, theo cơ quan điều tra, ông Thắm đã chỉ đạo chi “chăm sóc” cá nhân ông Nguyễn Xuân Sơn 69,9 tỷ đồng, với lý do chăm sóc nguồn huy động vốn. Cơ quan điều tra kết luận: “ông Nguyễn Xuân Sơn đã chiếm hưởng toàn bộ số tiền này”.
Kết luận điều tra cho biết, trong giai đoạn năm 2011 - 2014, có 51.486 cá nhân và 392 tổ chức gửi tiền vào OceanBank. Cơ quan điều tra đã yêu cầu 392 tổ chức giải trình về số tiền gửi tại OceanBank, nhưng chỉ có 19 tổ chức xác nhận có nhận tiền lãi ngoài của OceanBank, 124 tổ chức phủ nhận và 249 tổ chức không trả lời.
Sau này, trong một lá đơn kêu cứu khẩn cấp giới thiệu là của những cựu cán bộ OceanBank tham gia vào việc huy động vốn trả lãi ngoài, nội dung lá đơn cho rằng, “bản chất số tiền chi trả lãi suất vượt trần cũng chỉ là chi phí trong hoạt động kinh doanh của NH”.
Và rằng, nếu số tiền trả lãi suất vượt trần đó là vi phạm, thì đã có đủ các cơ quan như thanh tra NHNN, thuế để cảnh báo và thậm chí xử phạt, khấu trừ. Điều này được chứng minh bằng thực tế là ngay trong giai đoạn chi vượt trần lãi suất (2008 - 2013), thì kết quả hoạt động hàng năm của ngân hàng là vẫn lãi, với tổng số lên tới hàng nghìn tỷ đồng.
Oái oăm là lý sự “mọi người đều vượt đèn đỏ, sao chỉ bắt mình xe tôi” ấy, lại được xác nhận bằng thực tế: trong giai đoạn này tất cả các NH đều vi phạm trần lãi suất. Và thực tế là cho đến nay, cũng chưa có cơ quan nào bác bỏ những báo cáo tài chính của OceanBank chứng minh “trong những năm “thăng hoa” có lãi”.
Tuy nhiên, nếu như ngay trong giai đoạn này (năm 2010-2014), các cơ quan giám sát của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có quy định cụ thể và kiểm soát tốt việc các NHTM chi lãi suất vượt trần, hay thanh tra một cách nghiêm túc hoạt động của OceanBank, thì liệu những vi phạm lãi suất, vi phạm thu phí ngoài tại OceanBank có xảy ra ? Và sau đó, là khoản lỗ khổng lồ lên tới 15.295 tỷ đồng liệu có “tự dưng” rơi vào báo cáo tài chính năm 2014 của OceanBank không?
Nên nhớ rằng, báo cáo tài chính của những năm liền kề trước đó đều có lãi. Thậm chí, năm 2013, OceanBank được cả kiểm toán và cơ quan giám sát của NHNN công nhận là... có lãi 188,6 tỷ đồng.
(còn tiếp)