Vào lúc kinh tế đang tuột dốc, tổng sản phẩm nội địa giảm thêm gần 4% trong năm 2016, 12% dân số trong tuổi lao động không có việc làm, Brazil phải dành hẳn 40 tỷ reals, tương đương với 11 tỷ euro, cho Thế Vận Hội Rio.
Theo thăm dò dư luận do viện Datafolha thực hiện 3 tuần trước lễ khai mạc Olympic Rio, có gần 2/3 người được hỏi không tán đồng việc Brazil tổ chức sự kiện thể thao được chú ý bậc nhất hành tinh. Cách nay ba năm, một cuộc tham khảo ý kiến tương tự cho thấy tỷ lệ không tán đồng chỉ là 38%.
Dù vậy, một tháng trước lễ khai mạc Thế Vận Hội Rio, quyền tổng thống Brazil Michel Temer khánh thành ngôi làng Olympic, nơi sẽ đón nhận gần hết 17.000 vận động viên. Ông tuyên bố Brazil “sẵn sàng đi vào lịch sử Thế Vận Hội với tư cách là quốc gia đầu tiên ở Nam Mỹ được vinh hạnh tổ chức sự kiện thể thao trọng đại nhất thế giới”.
Brazil huy động 85.000 nhân viên ở mọi cấp để bảo đảm an ninh cho các vận động viên, các nguyên thủ quốc gia, du khách và khán giả, phóng viên từ 5 châu tập hợp về Brazil. Ông kỳ vọng với Olympic Rio lần này, sẽ chứng minh được với thế giới Brazil là một quốc gia có nền tảng dân chủ vững chắc, và thành công của Thế Vận Hội sẽ là niềm tự hào của cả quốc gia.
Thế nhưng Ban tổ chức và nhất là các nhà quan sát không lạc quan như quyền tổng thống Temer vào lúc, Brazil đang trải qua khủng hoảng chính trị, kinh tế và xã hội nghiêm trọng nhất.
Phòng chống Zika cũng là mối quan tâm hàng đầu của Olympic Rio 2016 |
Yếu tố chính trị
Về mặt chính trị, Tư pháp Brazil đang cứu xét thủ tục truất phế tổng thống Dilma Rousseff. Bản thân bà và rất nhiều quan chức trong chính quyền, trong ngành tư pháp, dính líu đến những vụ tai tiếng tham nhũng.
Nhìn đến các chỉ số kinh tế, GDP của Brazil giảm 3,8% trong năm 2015, mức tồi tệ nhất từ 25 năm qua. Về phương diện xã hội, vào lúc thành phố Rio de Janeiro cần tăng cường an ninh thì cảnh sát, nhân viên công vụ đình công đòi được trả lương đúng thời hạn.
Câu hỏi trước mắt là liệu rằng những khủng hoảng đó có ảnh hưởng đến Thế Vận Hội Rio 2016 hay không, chuyên gia Jean Jacques Fontaine, tác giả cuốn “Rio de Janeiro et les Jeux Olympiques, une cité réinventée – Rio de Janeiro và Thế Vận Hội Olympic, một thành phố được phát hiện trở lại”, trả lời:
“Tôi không nghĩ là khủng hoảng kinh tế và chính trị ảnh hưởng đến Thế vận hội Rio bởi nhiều lý do. Thứ nhất, hầu hết tất cả các dự án liên quan đến sự kiện thể thao trọng đại này đã được chuẩn bị và tiến hành từ trước khi Brazil lún sâu vào khủng hoảng. Từ việc trùng tu các cơ sở hạ tầng, tô điểm lại bộ mặt cho thành phố Rio de Jeinero, xây dựng các ngôi làng Olympic… đều đã được dự trù từ trước.
May mắn thay là mãi đến đầu năm 2015, khủng hoảng về chính trị và những khó khăn chồng chất về mặt kinh tế mới thực sự lộ rõ, và khi đó thì các dự án xây dựng đã được khởi động.
Thứ hai nữa, chúng ta cần biết là người dân Brazil lo lắng về vấn đề cơm áo gạo tiền, họ sẵn sàng xuống đường để phản đối hay ủng hộ một cánh chính trị nào đó, chứ toàn dân không “nghiện” Thế vận hội như là với Cúp bóng đá Thế giới.
Thứ ba nữa là việc thủ tục truất phế tổng thống Dilma Rousseff dù là có thể sẽ được kết thúc vào đúng mùa Olympic, cũng không có tác động gì đối với Thế vận hội”.
Tín hiệu không hay về tiền bạc
Trước mắt với thành phố Rio, tổ chức Thế vận hội là một thách thức vào lúc chính quyền cấp tỉnh phải nhanh chóng tìm được 600 triệu euro để trang trải các phí tổn do sự kiện thể thao này. Bang Rio de Jeinero thông báo tình trạng “mất khả năng thanh toán”, thâm hụt ngân sách 5 tỷ euro. Cho dù đây là một cách để cầu viện chính quyền trung ương chia sẻ gánh nặng, nhưng đó cũng là một tín hiệu không hay cho Thế vận hội.
Tương tự như trước khi khai mạc Cúp bóng đá thế giới năm 2014, trước đó Brazil từng bị chao đảo vì những đợt xuống đường kéo dài trong nhiều tháng ròng rã: Tháng 5/2013 hơn nửa triệu người tràn xuống đường phố bày tỏ phẫn nộ trước việc chính quyền tăng giá một số dịch vụ giao thông.
Đời sống đắt đỏ, nạn tham nhũng, những vụ tai tiếng vì giới thân cận với chính quyền được hưởng lợi, là những giọt nước làm tràn ly.
Chỉ có hơn 1/3 người được hỏi tán đồng việc Brazil tổ chức sự kiện thể thao được chú ý bậc nhất hành tinh |
Từ đó đến nay căng thẳng trong xã hội Brazil vẫn chưa lắng xuống. Ba tuần trước lễ khai mạc Olymic Rio, hàng ngàn dân cư tại chỗ biểu tình kêu gọi tẩy chay Thế vận hội. Trong số đó có rất nhiều giáo viên, công nhân viên chức nhà nước.
Dân chúng không thể hiểu được là chính quyền của thành phố, của tỉnh có phương tiện để đài thọ các công trình xây dựng tốn kém, nhưng các thầy cô giáo, nhân viên thành phố, cảnh sát, nhân viên cứu hỏa thì mãi đến đầu tháng 7 mới nhận được lương của tháng 5. Đó là chưa kể hàng trăm ngàn giờ phụ trội của nhân viên an ninh thành phố để chuẩn bị cho Thế vận hội, tới nay vẫn chưa được thanh toán.
Giới phân tích sợ rằng đến cận ngày khai mạc Olympic, dân chúng Rio nói riêng và trên toàn quốc nói chung sẽ dùng mạng xã hội kêu gọi xuống đường. Đặc biệt là trong bối cảnh tư pháp Brazil đang điều tra về một vụ biển thủ có thể lên tới 8 triệu euro, đã được rót vào túi các quan chức Brazil trong vụ tổ chức Thế vận hội lần này.
Mối đe dọa Zika
Mối lo lắng thứ hai với ban tổ chức là virus Zika, mà tới nay Brazil là quốc gia bị tác động nhiều nhất, với một triệu rưỡi ca lây nhiễm. Cuối tháng 5/2016 nước chủ nhà và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) quyết định duy trì cuộc chơi, nhưng đã có khá nhiều vận động viên từ chối tranh tài. Trong bộ môn đánh golf chẳng hạn, vận động viên số 1, số 4 và số 16 của thế giới đã “bỏ cuộc”.
Cho tới cuối tháng 5/2016 đã có 120 chuyên gia y khoa thuộc 10 quốc gia khác nhau chính thức yêu cầu Brazil và Tổ chức Y tế Thế giới hủy hoặc dời địa điểm tổ chức Olymic 2016, tránh cho 500.000 du khách “một mối rủi ro không cần thiết”.
Thứ nữa nói đến Brazil, ai cũng nghĩ ngay đến những bãi biển tuyệt đẹp với cát vàng. Nhưng vịnh Guanabara, nơi tổ chức các cuộc đua thuyền, 1.400 vận động viên tranh tài, lại đang là vùng biển bị ô nhiễm vào bậc nhất. Theo một nghiên cứu được hãng tin AP của Mỹ công bố năm 2015, mức độ ô nhiễm của nước biển ở khu vực này cao gấp 1,7 triệu lần so với chuẩn mực của WHO.
Vịnh Guanabara cực đẹp nhưng lại là cửa ngõ để nước thải của 6 triệu dân Rio đổ ra biển. Khi được chỉ định tổ chức Thế vận hội, Brazil đã cam kết lọc nước ở khu vực này. Sáu năm sau, cũng Brazil kêu gọi các vận động viên trước khi đến vùng biển này chích ngừa chống viêm gan, sưng phổi.
Nguy cơ khủng bố
Bảo đảm an ninh cho 17.000 vận động viên, 500.000 du khách không đơn giản. Sau vụ tấn công bằng xe tải lao vào đám đông ở Nice, chính quyền Brazil đã cấp tốc gửi người sang Pháp để học hỏi kinh nghiệm, đề phòng với tình huống này.
Brazil không đặc biệt là mục tiêu khủng bố, nhưng chính quyền không loại trừ các khả năng xấu có thể xảy ra, kể cả kịch bản bị tấn công bằng vi trùng sinh học. Hiện tại 47.000 cảnh sát, 38.000 lính được huy động cho Olympic Rio 2016. Con số này cao gấp đôi so với Thế vận hội Luân Đôn hồi năm 2012.
Trong vòng ba tuần diễn ra Thế vận hội, hàng ngày sẽ có khoảng 8.000 ngàn nhân viên an ninh mặc thừơng phục, trà trộn vào dòng người chung quanh các khu sân vận động để “nghe ngóng” tình hình. Từ nhiều tháng qua, cơ quan tình báo Brazil được đặt trong “tình trạng báo động tối đa”.
Đường métro chưa hoàn tất
Thêm một ẩn số khác đang gây áp lực cho nước chủ nhà, đó là dự án đường xe điện métro số 4, trên một chặng đường dài 16 cây số nối liền bãi biển nổi tiếng Copacabana với khu vực giàu có ở phía nam Rio là Ipanema, và Barra da Tijuca, “lá phổi” Olympic của thành phố.
ở Brazil, nhiều người dân được cho là quan tâm đến các giải bóng đá hơn là các môn thể thao khác. |
Trên nguyên tắc đường métro này phải được khánh thành ngày 1/8/2016, tức bốn ngày trước lễ khai mạc Olympic. Có điều sau nhiều năm khởi công, bang Rio đã chi ra 92 tỷ real tương đương với 2 tỷ rưỡi euro, nhưng 20 ngày trước lễ khai mạc, phó thị trưởng Rio de Janeiro đã lúng túng thông báo rằng, trong trường hợp trục giao thông này chưa hoàn hảo, thì thành phố dự trù mở tuyến “xe buýt express để đưa các phái đoàn Olympic đến đấu trường trong thời gian ngắn nhất”.
Tin xấu nữa gần đây nhất là các vận động viên điền kinh Nga vì bị cáo buộc sử dụng thuốc tăng lực không được phép đến Rio 2016 sau phán quyết của Tòa Trọng tài Thể thao. Đây là lần đầu tiên một hàng chục vận động viên bị cấm tham dự lễ hội thể thao lớn nhất thế giới.
Trước ngần ấy khó khăn, kỳ vọng lớn nhất của Brazil là Olympic lần này tạo được hàng chục ngàn công việc làm dù là theo thời vụ, tại một quốc gia mà có tới 12% dân số trong tuổi lao động đang mỏi mòn chờ được gọi đi làm.
Anderson Rdrigues Silveira, một cơ quan tuyển dụng nhân sự tại thành phố Rio ghi nhận:
“Hiện nhiều người dân Brazil mất hướng, và tuyệt vọng vì khủng hoảng kinh tế. Họ không thể tìm được việc làm cố định. Với Thế vận hội lần này, có đến 60.000 chỗ làm đang mở ra.
Dù đó chỉ là những công việc tạm bợ, hết mùa Olympic thì cũng hết việc, nhưng đối với rất nhiều người, đây là một chiếc phao. Thế vận hội cũng là cơ hội để họ được đi làm trở lại, có một chút thu nhập và cũng có thể đây là điểm khởi đầu để người thất nghiệp quay lại với thị trường lao động”.
Với Brazil, Olympic Rio 2016 quả là “vạn sự khởi đầu nan”.
(theo báo nước ngoài)
Thế vận hội Mùa hè 2016 (tiếng Bồ Đào Nha: Jogos Olímpicos de Verão de 2016), tên chính thức là Games of the XXXI Olympiad (Jogos da XXXI Olimpíada) hay còn được gọi là Rio 2016, là một sự kiện thi đấu nhiều môn thể thao được tổ chức theo truyền thống của Thế vận hội, dự kiến tại Rio de Janeiro, Brasil từ ngày 5 – 21/8/2016.
Có trên 10.500 vận động viên tham gia tranh tài từ 206 Ủy ban Olympic quốc gia. Với 306 bộ huy chương, đại hội bao gồm 28 môn thể thao Olympic, trong đó rugby sevens và golf được Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) bổ sung vào năm 2009.
Các sự kiện thể thao sẽ diễn ra ở 33 địa điểm thi đấu ở thành phố chủ nhà và năm địa điểm khác ở các thành phố São Paulo, Belo Horizonte, Salvador, Brasília (thủ đô), và Manaus.
Rio de Janeiro được công bố là chủ nhà vào ngày 2/10/2009. Sự kiện cũng sẽ đánh dấu mốc lần đầu một thành phố Nam Mỹ (và cũng là lần đầu tiên một nước nói tiếng Bồ Đào Nha) đăng cai tổ chức sự kiện này.
Đây còn là Thế vận đội Mùa hè đầu tiên được tổ chức hoàn toàn trong thời gian mùa đông của quốc gia chủ nhà, là lần đầu tiên tổ chức tại một nước Mỹ Latinh kể từ năm 1968, và là lần đầu tiên kể từ năm 2000 (và lần thứ ba tất cả) được tổ chức tại Nam bán cầu.