Omo vô tư "mượn" xe công quảng cáo bột giặt

Khi một clip quảng cáo có lỗi được phát rộng rãi, PV đi hỏi về trách nhiệm pháp pháp lý của các bên liên quan, mới té ra rằng một nội dung quảng cáo khi đã được phát ra thì đúng là “tứ mã nan truy” cho dù có sai đi chăng nữa…

Khi một clip quảng cáo có lỗi được phát rộng rãi, PV đi hỏi về trách nhiệm pháp pháp lý của các bên liên quan, mới té ra rằng một nội dung quảng cáo khi đã được phát ra thì đúng là “tứ mã nan truy” cho dù có sai đi chăng nữa…

xecong
Chiếc xe công xuất hiện vô tư trong clip quảng cáo của Omo

Dùng xe biển xanh để quảng cáo

Xưa nay quảng cáo của bột giặt Omo vốn được nhiều tiếng khen là phù hợp với văn hóa Việt và có tính nhân văn. Thế nhưng, đoạn clip quảng cáo mà Omo vừa tung ra mới đây đã khiến không ít người xem giật mình: chiếc xe ô tô được sử dụng trong clip “vô tư” đeo biển xanh, tức là biển xe công vụ, với số đăng ký rất rõ ràng, từ mã vùng cho đến dãy số phía sau.

Tại sao xe công lại xuất hiện trong clip quảng cáo, phục vụ cho một mục đích không hề “công” tí nào, nếu không muốn nói là rất riêng tư: “đi đón người nhà từ bệnh viện sản về?

Trong vai của một người hoạt động trong lĩnh vực quảng cáo muốn trao đổi với đồng nghiệp, PV đã gọi tới Phòng quảng cáo của Công ty Unilever Việt Nam – là đơn vị có sản phẩm bột giặt Omo. Và thông tin được biết, clip quảng cáo nói trên được quay ở Thái Lan với diễn viên và ekip quay phim người Thái. Phòng quảng cáo của Unilever Việt Nam chỉ tiếp nhận và thuê các cơ quan truyền thông quảng cáo. Một nhân viên Phòng quảng cáo của Unilever Việt Nam  khi được biết về nội dung trên cũng rất ngạc nhiên và hứa sẽ kiểm tra lại toàn cảnh của clip này.

Câu hỏi đặt ra ở đây là ai sẽ chịu trách nhiệm về chuyện cho xe công lên quảng cáo mà lại phục vụ mục đích tư, trong khi Chính phủ đang cấm dùng cho biển xanh trong các hoạt động mang tính chất cá nhân, không công vụ? Mang câu hỏi này tới một chuyên gia pháp luật của Bộ VH-TT&DL thì được biết, tuy rằng hiện nay trong pháp luật về quảng cáo không có điều khoản nào để xử phạt chuyện dùng xe công quảng cáo, nhưng cơ quan, tổ chức, đơn vị sở hữu chiếc xe trên cũng như đơn vị có sản phẩm quảng cáo phải chịu trách nhiệm. Nhưng,  nói như thế không có nghĩa là đơn vị truyền thông báo chí đã phát clip quảng cáo nói trên hoàn toàn vô can trong chuyện này. Rõ ràng, việc ký duyệt phát sóng một clip quảng cáo trên đã đi ngược với chủ trong chủ trương cấm dùng xe vào việc tư của Chính phủ.

Vẫn chưa về một mối

Nhân sự việc này, khi tìm hiểu thì PV mới được biết, trước đây, Bộ Văn hoá - Thông tin được giao nhiệm vụ quản lý Nhà nước về quảng cáo, quản lý toàn bộ hoạt động quảng cáo từ báo chí, phát thanh, truyền hình cho đến quảng cáo ngoài trời. Nhưng sau này, Bộ Thông tin và Truyền thông được thành lập, Cục quản lý Báo chí, Xuất bản chuyển sang Bộ này, mang theo cả chức năng quản lý về quảng cáo trên báo chí, truyền thanh, truyền hình, Bộ VH-TT&DL chỉ còn quản lý mỗi phần quảng cáo ngoài trời. 

Hiện nay, trên lý thuyết thì Bộ VH-TT&DL vẫn giữ chức năng quản lý nhà nước đối với toàn bộ hoạt động quảng cáo, trong khi Bộ Thông tin và truyền Thông không được giao nhiệm vụ này. Đây chính là bất hợp lý lớn trong hoạt động quản lý quảng cáo hiện nay. Vì theo thống kê, quảng cáo ngoài trời chỉ chiếm khoảng 10% tổng doanh số toàn ngành quảng cáo, còn quảng cáo trên truyền hình, phát thanh, báo chí, internet chiếm tới trên 80% doanh số. Phai chăng đang có tình trạng “chơi vơi” trong nhiệm vụ quản lý nhà nước v ề lĩnh vực quảng cáo.

Luật Quảng cáo – bao giờ có?
Ngay từ năm 1998, vấn đề quản lý quảng cáo đã được đưa ra bàn với ý định xây dựng Luật Quảng cáo. Nhưng quảng cáo phát triển khá nhanh, nên Quốc hội quyết định làm Pháp lệnh về quảng cáo cho nhanh. Năm 2001 Pháp lệnh ra đời nhưng chưa bao quát hết hoạt động quảng cáo. Gần 10 năm qua Pháp lệnh đã bộc lộ những nhược điểm, hạn chế rõ nét. Năm 2010 dự kiến Luật quảng cáo ra đời, nhưng nay đã phải lui lại vì Bộ VH-TT&DL là cơ quan soạn thảo luật, nhưng còn nhiều vấn đề gây tranh cãi và thiếu sự thống nhất của các cơ quan liên quan. Với sự ra đời của một đạo luật về quảng cáo kịp thời cập nhật tình hình thời sự - xã hội trong nước, thì chắc chắc nhưng lỗi kiểu của Omo nói trên sẽ bị “soi” đến nơi đến chốn.

Bùi Nguyễn

Đọc thêm