Ông chủ Facebook và đường đến cuộc điều trần trước Quốc hội Mỹ

(PLO) - Sau bê bối khiến 87 triệu thông tin người dùng bị rò rỉ, Mark Zuckerberg đã phải đối mặt với 2 ngày điều trần kéo dài 10 giờ đồng hồ trước hàng chục Nghị sĩ Mỹ. 
Mark Zuckerberg tại phiên điều trần
Mark Zuckerberg tại phiên điều trần

Quyết định bước ngoặt

Giữa tháng 3, truyền thông đăng bài viết gây chấn động về việc công ty Cambridge Analytica (CA) của Anh thu thập thông tin liên quan đến 50 triệu người dùng Facebook (sau đó được xác định lại là 87 triệu tài khoản) mà họ không hề hay biết.

Cụ thể, từ năm 2014, Aleksandr Kogan, giảng viên tại Đại học Cambridge (Anh) đã phát triển một ứng dụng Facebook trả tiền cho hàng trăm nghìn người dùng nếu họ đồng ý tham gia một khảo sát tâm lý cũng như đồng ý chia sẻ thông tin như tên tuổi, địa chỉ, những nội dung họ đã "like".

Tuy nhiên, họ không biết rằng ứng dụng đó còn thu thập cả thông tin về những người trong danh sách bạn bè của họ rồi bán lại cho công ty Cambridge Analytica - cung cấp dịch vụ phân tích dữ liệu cho chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ 2016 của ông Donald Trump

Đây tưởng chừng chỉ là bê bối của CA, nhưng Facebook vẫn phải hứng chịu nhiều chỉ trích bởi như các chuyên gia nhận định, CA chẳng thể làm được gì nếu như bản thân Facebook không "bật đèn xanh" hoặc thực sự mạnh tay trước những thương vụ chính trị như vậy.

Nghiêm trọng hơn, sự cố diễn ra khi Facebook đang phải vật lộn với các thông tin giả mạo cùng cáo buộc nhận tiền của người Nga để hiển thị những quảng cáo "gây chia rẽ chính trị", tác động đến kết quả bầu cử 2016.

"Chúng tôi đã sai rồi. Tôi thực sự xin lỗi vì những gì đã xảy ra", Mark Zuckerberg lên tiếng trong cuộc phỏng vấn với CNN ngày 22/3.

Tuy nhiên, lời xin lỗi vẫn chưa đủ. Lòng tin của cả người dùng lẫn nhà đầu tư giảm sút, giá cổ phiếu lao dốc. Những đơn kiện đầu tiên đã được gửi lên toà án bang. Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC) tuyên bố mở cuộc điều tra về hoạt động bảo vệ quyền riêng tư người dùng của Facebook. Các chính trị gia yêu cầu người đứng đầu mạng xã hội lớn nhất thế giới phải ra điều trần trước Quốc hội.

Ngày 27/3, Mark Zuckerberg từ chối có mặt tại buổi chất vấn trước Nghị viện Anh liên quan đến scandal của Cambridge Analytica, mà cử hai lãnh đạo cấp cao của công ty đi thay. Hành động này khiến CEO 33 tuổi bị chỉ trích là "hèn nhát" và "lạ lùng". "Không chỉ hèn nhát, mà là hoàn toàn không thể chấp nhận được", Tom Watson, Phó lãnh đạo đảng Lao động Anh, nhận định.

Tới 4/4, Facebook cho biết ông chủ của họ đã đồng ý ra điều trần trước Thượng viện và Hạ viện Mỹ trong hai ngày 10/4 và 11/4 - quyết định được đánh giá là bước ngoặt lịch sử với mạng xã hội vì nếu Mark Zuckerberg không giải đáp thoả đáng các vấn đề, các nhà lập pháp Mỹ có thể sẽ siết chặt hoạt động của Facebook.

Mark Zuckerberg tại phiên điều trần
Mark Zuckerberg tại phiên điều trần

Đứng trước thử thách được báo chí đánh giá là căng thẳng nhất trong đời của Mark Zuckerberg, CEO Facebook sẽ tập trung trả lời hai vấn đề: Chuyện gì đã xảy ra và Chúng tôi cần làm gì, liên quan đến mối quan hệ giữa Facebook và Cambridge Analytica, giữa Facebook với nghi án Nga can thiệp bầu cử Mỹ, vai trò của các bên và họ đang nỗ lực xử lý ra sao.

Chiến lược cải thiện hình ảnh

Để chuẩn bị cho lời khai của Zuckerberg, Facebook đã dành vài tuần cuối để cố gắng biến đổi hình ảnh công khai của mình từ một công ty bí mật sang hình mẫu cởi mở hơn, sẵn sàng thông tin về quyền riêng tư và các biện pháp chống lạm dụng. Facebook cũng chuẩn bị để giám đốc điều hành công ty sẵn sàng trước nhiều cuộc phỏng vấn.

Cụ thể, Facebook đã thuê một nhóm chuyên gia, trong đó bao gồm cựu trợ lý đặc biệt cho Tổng thống George W. Bush, nhằm đưa Zuckerberg, 33 tuổi, một nhà lập trình không thoải mái khi nói chuyện trước công chúng, trở nên khiêm tốn và quyến rũ hơn thông qua một khóa học.

Kế hoạch được vạch ra để khi nói chuyện với Ủy ban Thương mại và Tư pháp Thượng viện, Zuckerberg sẽ có thể trình bày về những thay đổi và trả lời được hàng loạt câu hỏi.

Tại đây, Zuckerberg một mực khẳng định họ là công ty công nghệ chứ không phải công ty truyền thông, những lần đầu thừa nhận Facebook nên có trách nhiệm về nội dung. Ông cũng đẩy trách nhiệm cho giảng viên Aleksandr Kogan và công ty Cambridge Analytica, cho rằng mình bị lợi dụng. CEO Facebook cũng tuyên bố không sử dụng microphone trên điện thoại để theo dõi người dùng, đồng thời hứa hẹn dùng các công cụ AI để lọc nội dung xấu.

USA Today cho rằng, nội dung buổi điều trần của Mark Zuckerberg tóm gọn trong 2 câu: "Tôi xin lỗi" và "Chúng tôi đang xử lý việc này". Phong thái tự tin, khôn khéo, luôn miệng nhận sai, cộng với việc câu hỏi thiếu trọng tâm của các Thượng nghị sĩ khiến hình ảnh Zuckerberg được cải thiện đáng kể. Cổ phiếu của Facebook sau đó đã tăng tới 4,5% lên hơn 165 USD - cao nhất trong 3 tuần qua.

Rút kinh nghiệm từ phiên đầu, Hạ viện Mỹ đã chất vấn dồn dập, đi sâu vào vấn đề hơn, đặc biệt là từ các nữ nghị sĩ. Bị đặt câu hỏi khó, Zuckerberg nhiều thời điểm tỏ rõ sự căng thẳng, thậm chí không ít lần bị các nghị sĩ cắt ngang, đề nghị trả lời đúng trọng tâm câu hỏi.

Câu chuyện nguồn gốc

Theo BostonGlobe, trong lời khai của mình trước Quốc hội Mỹ để giải trình về các vấn đề riêng tư của người dùng Facebook cũng như vụ bê bối Cambridge Analytica, Zuckerberg đã nhiều lần lưu ý mọi người hãy xem xét đến việc công ty của ông đã bắt đầu từ một căn phòng ký túc xá ở Harvard - một nơi được miêu tả như là thánh địa của các sinh viên, mặc dù có phần hơi tối tăm và chật hẹp.

Ghi chú của nhà sáng lập Facebook tại phiên điều trần Thượng viện Mỹ
Ghi chú của nhà sáng lập Facebook tại phiên điều trần Thượng viện Mỹ

Ít nhất bốn lần trong các nhận xét của mình, Zuckerberg đã lưu ý rằng Facebook xuất phát từ nguồn gốc khiêm tốn như vậy. Thậm chí vấn đề này cũng được một thượng nghị sĩ nhắc nhở.

Lời kể đầu tiên được Zuckerberg đưa ra sau khi Thượng nghị sĩ John Thune hỏi Zuckerberg rằng lời xin lỗi của ông không giống với lời xin lỗi của một giám đốc điều hành. "Tại sao chúng ta nên tin tưởng vào Facebook trong việc thực hiện những thay đổi cần thiết để đảm bảo sự riêng tư của người dùng và cung cấp cho mọi người một bức tranh rõ ràng về các chính sách bảo mật?", Thune hỏi.

Zuckerberg phản đối câu hỏi này bằng cách chỉ ra rằng mặc dù Facebook đã gây ra nhiều vấn đề trong những năm qua, nhưng "không thể" không xem xét việc công ty đã tăng trưởng như theo tỷ lệ như thế nào. "Chúng tôi đã mắc nhiều lỗi khi điều hành công ty", ông thừa nhận. "Tôi nghĩ việc đó là không thể tránh khỏi. Tôi tin rằng thật khó có thể bắt đầu một công ty trong phòng ký túc xá và sau đó phát triển nó ở quy mô mà chúng tôi đang có hiện nay mà không mắc phải một số sai lầm".

Khi thượng nghị sĩ South Dakota đặt câu hỏi về cách công ty xác định các bình luận mang tính thù hận của người dùng và cách xử lý nó, ông chủ Facebook một lần nữa chỉ ra rằng bản thân mình từng là "một chàng trai trong một chiếc áo len trùm đầu, khi bắt đầu với một ý tưởng trong phòng ký túc xá ở Harvard cùng với bạn thân của mình".

"Từ khi bắt đầu công ty vào năm 2004, tôi bắt đầu nó trong phòng ký túc xá với bạn cùng phòng của tôi", Zuckerberg nói. "Chúng tôi không có AI - công nghệ có thể xem xét nội dung mà mọi người đang chia sẻ. Vì vậy, về cơ bản chúng tôi đã phải thực thi chính sách nội dung của chúng tôi theo hướng phản ứng lại", ông nói.

Sau đó, khi nói về việc thực thi chính sách nội dung, Zuckerberg một lần nữa lưu ý cách mọi thứ bắt đầu, như thể ông hồi tưởng lại về thời gian ở Harvard trước khi mình bỏ học. "Lịch sử của việc chúng tôi đến đây như thế nào là chúng tôi đã bắt đầu trong căn phòng ký túc xá với không nhiều nguồn lực", ông nói. "Và không có AI, công nghệ để có thể chủ động xác định rất nhiều thứ thế này".

Thậm chí Zuckerberg còn có một tài liệu tham khảo, không cụ thể cho căn phòng cũ của mình, nhưng liên quan đến thời của ông từng sống tại Harvard, để giải thích việc ông có ít tài nguyên như thế nào để xây dựng nền tảng Facebook.

Những hồi ức về câu chuyện ở phòng ký túc xá của Mark Zuckerberg tại buổi điều trần được nhắc lại thường xuyên đến nỗi một quan chức, Thượng nghị sĩ Gary Peters của Michigan, cuối cùng đã phải lên tiếng gợi ý rằng có lẽ câu chuyện nguồn gốc không còn phù hợp nữa.

"Anh biết đấy, anh đã nói về những khởi đầu khiêm tốn của mình khi bắt đầu Facebook ở phòng kí túc xá, và tôi đánh giá cao về câu chuyện đó", Peters nói. "Nhưng chắc chắn Facebook đã thay đổi rất nhiều trong một khoảng thời gian tương đối ngắn".