Ông chủ phòng trà bị vợ bỏ vì quá mê nhạc Trịnh

(PLO) -  Không phải ca sĩ, cũng chưa từng học nhạc, nhưng ông Nguyễn Ngọc Toàn mê hát đến mức sẵn sàng hy sinh hạnh phúc gia đình


Không phải ca sĩ, cũng chưa từng học nhạc, nhưng ông Nguyễn Ngọc Toàn (56 tuổi, chủ phòng trà “Hà Nội và tôi” trên phố Tú Xương, quận 3, TP.HCM) mê hát đến mức sẵn sàng hy sinh hạnh phúc gia đình
Không phải ca sĩ, cũng chưa từng học nhạc, nhưng ông Nguyễn Ngọc Toàn (56 tuổi, chủ phòng trà “Hà Nội và tôi” trên phố Tú Xương, quận 3, TP.HCM) mê hát đến mức sẵn sàng hy sinh hạnh phúc gia đình
Ca sĩ Toàn Nguyễn (cầm đàn) say sưa thể hiện nhạc TrịnhCa sĩ Toàn Nguyễn (cầm đàn) say sưa thể hiện nhạc Trịnh
Ca sĩ Toàn Nguyễn (cầm đàn) say sưa thể hiện nhạc TrịnhCa sĩ Toàn Nguyễn (cầm đàn) say sưa thể hiện nhạc Trịnh
Ông giới thiệu mình tên Toàn Nguyễn (đầy đủ là Nguyễn Ngọc Toàn - 56 tuổi, chủ phòng trà “Hà Nội và tôi” trên phố Tú Xương, quận 3, TP.HCM) - quê gốc ở Hải Phòng, vào miền Nam sống từ năm 1977. Mở đầu cuộc trò chuyện, Toàn Nguyễn khiêm tốn nhắc đi nhắc lại mình không phải ca sĩ, nhạc sĩ, chưa từng trải qua lớp đào tạo nhạc nào. “Cứ gọi tôi là người đàn ông hát nhạc Trịnh”, ông đề nghị. 
Từ năm 13 tuổi, ông đã mê nghe nhạc Trịnh. Mồ côi bố từ nhỏ, mẹ đi thêm bước nữa với bố dượng người miền Nam, chàng trai chuyển vào miền Nam sống từ năm 19  tuổi. 
Năm sau Toàn theo bạn bè làm việc trên tàu biển. Quãng thời gian lênh đênh ngoài biển khơi, chàng thanh niên quê Hải Phòng lấy âm nhạc làm niềm vui. Toàn Nguyễn chọn nhạc Trịnh bởi tự thấy cuộc đời mình chịu nhiều bất hạnh, thiệt thòi và nhạc Trịnh đã cho mình cảm giác đồng cảm. Sau giờ lao động mệt nhọc, ông lại nghe nhạc. 
Từ chỗ mê nghe nhạc, Toàn Nguyễn “bập bẹ” tập hát. “Tôi mở nhạc Trịnh nghe rồi tập hát theo chứ chẳng biết quy tắc nhạc điệu, phối âm gì cả. Hát mãi thành quen thôi, thời gian sau này mới được bạn bè tập nhạc cho”, ông cười nhớ lại. 
Thời gian sau này ông tự học chơi đàn ghi ta. Đến năm 1996, Toàn Nguyễn lên bờ, kết thúc thời gian bươn chải gần 20 năm trên biển. Để thoả lòng đam mê ca hát, ông quyết dành vốn liếng mở quán cà phê Con mèo đen (Black Cat) tại Hồ Con Rùa (Quận 1) chuyên phục vụ nhạc Trịnh. 
Cùng năm này, Toàn Nguyễn ra mắt album đầu tay. Khách đến quán được chính chủ quán kiêm ca sĩ phục vụ. Toàn Nguyễn mở quán, bên cạnh kinh doanh, còn nhằm tạo điểm hẹn với những người chung cảnh tha hương và các “tín đồ” nhạc Trịnh.
Dần dần bạn bè, khách đến quán truyền tai nhau về giọng ca truyền cảm của ca sĩ nghiệp dư. Cái tên Toàn Nguyễn bắt đầu được biết đên từ đó. Chủ quán cà phê được một chủ phòng trà người Việt ở Mĩ mời sang thu âm. Sau đó đĩa CD của Toàn Nguyễn được sao chép, lan truyền trên mạng internet. Người ta biết đến “ca sĩ” Toàn Nguyễn là vậy. 
Với công chúng, Toàn Nguyễn lặng lẽ, kín tiếng. Còn thực tế, giới âm nhạc Sài Gòn đã biết đến ông là ca sĩ chuyên hát nhạc Trịnh tại các phòng trà từ những năm 1990 thế kỷ trước.
Khi niềm đam mê ở độ chín cũng là thời điểm Toàn Nguyễn chịu biến cố trong cuộc sống hôn nhân. Người vợ không chịu nổi tính cách nghệ sĩ của chồng đã “đường ai nấy đi”.  “Cô ấy kịch liệt phản đối tôi đi hát, thậm chí không thèm nghe. Lúc hai tâm hồn không đồng điệu, chắc chắn sẽ tan vỡ” - ông tâm sự.
“Ông có hối hận khi hạnh phúc vợ chồng tan vỡ bởi quá đam mê nghệ thuật?”. Toàn Nguyễn không chút chần chừ: “Chúng tôi ly hôn từ năm 2011 những vẫn quan tâm đến nhau, xem nhau là bạn. Tôi chưa bao giờ hối hận. Đó là cái giá phải trả của những ai lỡ bén duyên nghệ thuật”. 
Từ đó Toàn Nguyễn dành hết thời gian cho âm nhạc, gom vốn liếng đầu tư phòng trà “Hà Nội và tôi”.
Ý tưởng duy trì phòng trà “Hà Nội và tôi” chưa bao giờ bị dập tắt dẫu có những thời điểm việc kinh doanh bết bát. Ông bật mí cũng bởi vấn đề tài chính, phòng trà mới dời về vị trí hiện tại và hầu như đều bỏ tiền túi bù lỗ. Điểm khác biệt là phòng trà do một mình Toàn Nguyễn “độc diễn” phục vụ khách. 
Ông hát liên tục, hát tất cả ca khúc khán giả yêu cầu từ 20h - 23h. Ca sĩ nghiệp U56 được đánh giá hát chưa chuyên nghiệp, chưa chính xác nhịp điệu hoàn toàn nhưng bù lại toát lên được “tứ nhạc” - Khái niệm giới âm nhạc dùng nói về năng khiếu ca hát. 
Toàn Nguyễn chia sẻ, mỗi lúc hát ông đều liên tưởng đến cuộc đời mình, tưởng tượng nên khung cảnh trong từng bản nhạc. Có lẽ bởi vậy mà người nghe nhìn thấy những điều tác giả bản nhạc viết nên. “Tôi không được học nhiều về âm nhạc nhưng tôi thấu hiểu ý nghĩa lời nhạc Trịnh Công Sơn viết. Sướng khổ, buồn vui cuộc đời đều ở hai bàn tay này cả”, giọng ông rưng rưng.
Mới đây, ca sĩ nghiệp dư đất Cảng còn mở thêm phòng trà nhạc Trịnh ở TP Vũng Tàu. Tất nhiên vẫn chỉ một mình ông hát phục vụ khách. Khách đến quán chủ yếu những người trung niên, người mê nhạc Trịnh. Ông giải thích không phải vì bản thân tham hát, giành hát. Phòng trà từng mời nhiều ca sĩ về hát nhưng khách không hài lòng, họ yêu cầu chính Toàn Nguyễn thể hiện nhạc Trịnh mới chấp nhận. 
Đến thời điểm hiện tại, Toàn Nguyễn đã phát hành 10 đĩa nhạc, trong đó có 2 đĩa nhạc Trịnh. Ông chia sẻ đang ấp ủ dự định đi ba miền hát nhạc Trịnh cho “thoả cơn mê”. Trước lúc tiễn khách, ông bộc trực lần nữa bản thân biểu diễn ca hát chưa chuyên nghiệp, không sử dụng nhạc cụ, phối khí làm nổi giọng hát. Ông hát với “tôn chỉ” duy nhất: Hoà mình vào bài hát, cố gắng lột tả hết cảm xúc người viết./.

Đọc thêm