Ống kính thể thao: Từ khoản tiền “lót tay” nghĩ về sự chuyên nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Mới đây, nhiều cầu thủ của Câu lạc bộ (CLB) TP HCM không tham gia tập luyện để đòi tiền “lót tay”. Trước đó, nhiều thành viên CLB Nam Định cũng lên tiếng về nợ lương. Nợ lương, nợ tiền “lót tay” khiến cho cuộc sống nhiều cầu thủ bấp bênh.
Đã có nhiều cầu thủ lên tiếng đòi quyền lợi của mình khi thi đấu cho CLB.
Đã có nhiều cầu thủ lên tiếng đòi quyền lợi của mình khi thi đấu cho CLB.

Lý do các cầu thủ CLB TP HCM lãn công là do khi mùa giải 2020 bị dừng liên tục và từng có nguy cơ bị hủy, CLB TP HCM đã bổ sung điều khoản phụ liên quan đến việc giải đấu bị hủy do các yếu tố khách quan vào hợp đồng từ năm 2021. Lãnh đạo CLB tự tin họ có lý do chính đáng để cắt giảm tiền “lót tay”.

Cũng cần phải nói thêm rằng, tiền “lót tay” được hiểu là một khoản tiền CLB trả cho cầu thủ hoặc đại diện cầu thủ để cầu thủ đó ký hợp đồng với CLB. Ở bóng đá Việt Nam, ngoài hợp đồng lao động, các cầu thủ còn ký thêm bản cam kết “chi phí hỗ trợ” với các CLB. Đây là một trong những giấy tờ liên quan để chi trả phí “lót tay” cho cầu thủ hay người đại diện. Nguồn thu chủ yếu của đa số cầu thủ Việt Nam “nhờ” khoản phí này. Điều này khá khác với bóng đá thế giới.

Quay lại với câu chuyện ở CLB TP HCM, thực tế cho thấy CLB muốn giảm lương, cắt tiền “lót tay” cầu thủ phải có sự đồng ý, thỏa thuận của đôi bên. Trong những mùa giải gần đây, CLB TP HCM thường xuyên thua kiện trong các vụ tranh chấp tiền lương, “lót tay” với các cầu thủ nước ngoài. Vì vậy, đến lúc này, chưa thể khẳng định được bên nào đúng, bên nào sai dù thiệt hại của CLB và cầu thủ vì dịch COVID-19 là có.

Ông Nguyễn Minh Châu, một nhà môi giới cầu thủ hoạt động lâu năm tại các giải bóng đá Việt Nam nhận định việc cầu thủ đòi lương, tiền “lót tay” là một dấu hiệu dự báo khi giữa CLB và cầu thủ vẫn còn chưa minh bạch về thông tin, hợp đồng. Và một thực tế hiện tại ở V. League là một vài CLB vẫn chưa cung cấp chính xác, đầy đủ các thỏa thuận giữa CLB và cầu thủ. Khi êm đẹp thì xem như là một thỏa thuận ngầm giữa CLB và cầu thủ, cơ quan chủ quản là Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) hoàn toàn không nắm bắt thông tin. Nhưng khi các thỏa thuận giữa hai bên có vấn đề thì họ kéo nhau lên VFF để phân bua. Lúc này VFF đóng vai là một quan tòa, rất nhiều tài liệu, chứng cứ và các thỏa thuận riêng sẽ được chìa ra cho VFF xem.

Đâu đó vẫn còn tình trạng chưa trung thực với VFF từ phía các CLB và cầu thủ, vì những lý do khác nhau mà họ che giấu những thỏa thuận ngầm. Với những tình huống này, VFF hầu như chỉ biết động viên các CLB cố gắng giải quyết các thỏa thuận tài chính với cầu thủ và nhân sự. Khi nào các bên có đơn khiếu nại thì phòng pháp lý của VFF sẽ thụ lý hồ sơ để đưa ra phán quyết.

Cầu thủ Việt Nam khi ký hợp đồng thường làm việc trực tiếp với CLB, ít có cầu thủ sử dụng bên trung gian, tức là có người đại diện. Họ ký hợp đồng chủ yếu xem mức lương, mức phí, thời hạn hợp đồng, thời hạn thanh toán mà quên mức các quy định về quyền và nghĩa vụ của các bên, tình huống bất khả kháng… Một phần vì cầu thủ nể nang lãnh đạo CLB, Ban huấn luyện nên họ ký nhanh để cho phía CLB thấy rằng họ rất có thiện chí hợp tác và cống hiến. Một số cầu thủ đọc nhưng không hiểu sâu về các quy định trong hợp đồng, cũng không biết hỏi ai, cứ thế là ký cho xong, cho an tâm.

Ông Châu cũng khuyến cáo các cầu thủ khi đặt bút ký vào hợp đồng cần có nhà tư vấn như luật sư hay ông bầu, người quản lý… để họ lo kỹ tính pháp lý trong hợp đồng, hạn chế được rủi ro. Các cầu thủ muốn an toàn khi ký hợp đồng, giao ước với đơn vị sử dụng mình thì họ nên có người cố vấn, tham mưu và dự trù các rủi ro có thể xảy ra về sau.

Các CLB muốn an toàn, tránh bị cầu thủ kiện về sau thì phải có bộ phận pháp chế rành về Luật Dân sự, Luật Lao động và Quy chế FIFA. Đặc biệt là bộ phận pháp lý phải biết vận dụng, kết hợp một cách hài hòa, linh hoạt và đồng bộ giữa Luật Dân sự, Luật Lao động và Quy chế FIFA.

“Đa số các hợp đồng cầu thủ hiện nay, các CLB thường ký theo điều lệ, nghĩa vụ của cầu thủ theo Luật Lao động Việt Nam, nhưng khi xảy ra tranh chấp, cầu thủ sẽ dùng Quy chế FIFA để chống lại lợi ích của CLB. Đây chính là vấn đề mà chúng ta cần thay đổi để bóng đá có được tính chuyên nghiệp” - ông Nguyễn Minh Châu nhấn mạnh.

Đọc thêm