Không chịu nghỉ hưu để truy tìm gà quý
Chưa biết thế nào, nhưng tôi cứ nghe thấy người Phú Thọ gọi ông là “tướng” về hưu. Bởi, mặc dù đã về hưu mấy năm nhưng ông chẳng chịu nghỉ, bao nhiêu năm ông dành tâm trí truyền dạy cho sinh viên nông nghiệp. Rồi lại dành sức lực cho ngành chăn nuôi tỉnh Phú Thọ khi đứng đầu hội chăn nuôi của tỉnh này. Hình như, từ khi sinh ra ông đã gắn với những việc mang tính “bếp núc” của người nông dân. Ông là thầy giáo ưu tú Nguyễn Khắc Khôi nguyên Trưởng bộ môn chăn nuôi của Trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội.
Ngôi nhà nhỏ của ông Khôi nằm lọt thỏm trong một con ngõ cũng nhỏ của thành phố Việt Trì. Ngôi nhà như một viện nghiên cứu thu nhỏ khi tôi thấy nào những sách vở, những tài liệu, những loại thức ăn cho gia cầm. Trong đó, nổi bật là những bức ảnh về loại gà 9 cựa huyền thoại. Ông Khôi nói một cách say mê về loài gà này: “Trước đây tôi cũng tưởng loài gà này được dân gian nói quá. Rồi cũng có lúc nghe đồn có người từng nhìn thấy loài gà này ở vùng này vùng kia. Thậm chí, khi dạy cho sinh viên tôi còn tranh thủ hỏi chuyện xem có ai từng thấy loài gà này hay không”. Sau rất nhiều những tỉ mẩn câu chuyện góp nhặt nơi giảng đường, lúc vỉa hè, ông Khôi quyết định đi “tầm” cho kỳ được loài gà quý hiếm. Nhưng sau rất nhiều năm lọ mọ, ông cũng chỉ tìm được loài gà có nhiều cựa, chứ không thấy cá thể gà đủ 9 cựa như truyền thuyết.
Sau những trăn trở, ông Khôi quyết định khoác ba lô tìm đến các bản làng xa xăm ở các xã như Xuân Sơn, Xuân Đài, Kim Thượng… thuộc huyện Tân Sơn. Đến nhà nào, ông Khôi cũng tỉ mẩn hỏi chuyện xem ai có gà nhiều cựa hoặc 9 cựa không. Có lần, ông tìm được con gà có đến 8 cựa. Ông vui mừng bao nhiêu thì thất vọng bấy nhiêu. Ông ước, con gà 8 cựa này sẽ mọc ra một cựa nữa, nhưng phép màu không xảy ra.
Một ngày, mười ngày rồi cả tháng đến khi mỏi gối chồn chân, tiền trong túi lại cạn, đôi lúc ông thoáng có ý nghĩ bỏ cuộc. Nhưng mỗi lần muốn bỏ cuộc săn tìm “kỳ kê” thì ông lại thoáng thấy bóng gà ấy chạy qua. Nghe có vẻ “liêu trai” nhưng ông bảo, nó như một cái “duyên nợ vậy”.Thế rồi, giời không phụ người có tâm. Trong một buổi chiều tà khi ông ngang qua bản Cỏi của người Dao, người Mường thuộc Vườn Quốc gia Xuân Sơn, một chú gà chạy vụt qua đường. Không nhìn rõ nhưng ông Khôi linh tính đó là con gà có đủ 9 cựa.
Ông vạch lá, rẽ cây đuổi theo bóng dáng “kỳ kê”. May sao, con gà đến giờ lên chuồng. Chủ nhân của chú “kỳ kê” này là người Mường, nhà ở cận kề bìa rừng. Ông dùng tay nhấc cái cổng cũ kỹ làm từ tre vầu vào nhà. Họ bắt cho ông xem con gà ấy. Ông đếm kỹ, từng cựa, từng cựa cho đến con số 9. Ông mừng muốn khóc.
Quyết tâm tái sinh giống gà 9 cựa
Vốn là chuyên gia trong ngành chăn nuôi nên ông Khôi rành rẽ mấy chuyện nhân giống, bảo tồn giống gà 9 cựa này lắm. Ông bỏ tiền túi ra lập trại, nhân giống rồi thử nghiệm cho đến khi có kết quả chắc chắn. Những con gà nhiều cựa ra đời trong trang trại nhỏ hẹp của ông ở vùng ven ô Việt Trì. Và trong những lứa gà đầu tiên ấy, thỉnh thoảng trời lại cho ông vài con gà có đủ 9 cựa đuôi cong vút, cặp chân to và chắc nịch, có bên 5 cựa, bên 4 cựa không đều nhau nhưng tựa nanh hổ, sắc nhọn và cứng tựa đá.
Từ khi biết tin ông Khôi sáng tạo nên bí quyết nuôi gà 9 cựa, người dân từ khắp nơi kéo về nhà ông để học hỏi nhằm gây dựng giống gà quý trở thành một sản vật đặc trưng của vùng. Ngay cả người dân bản Còi - nơi được coi là phát tác của gà 9 cựa cũng phải nhờ ông Khôi tư vấn cách nuôi và nhân giống gà quý sao cho hiệu quả, không bị thoái hóa giống.
Việc gia tăng giống gà quý này vốn là bài toán nan giải. Bởi, giống gà này đẻ trên 10 quả trứng, nhưng khi ấp chỉ đậu 3 - 4 con, có lứa không đạt con nào. Hơn nữa, không phải con gà nào ra đời cũng có nhiều cựa, có con chỉ đạt 5-6 cựa. Con gà nào đạt 9 cựa gọi là “gà chúa” và được coi là hàng hiếm.
Chia sẻ kinh nghiệm về cách nuôi và nhân giống gà quý này, ông Khôi cho biết: “Trước đây, hầu hết các gia đình ở vùng Tân Sơn đều có gà 9 cựa. Tuy nhiên, người dân chưa vận dụng khoa học vào chăm sóc và nhân giống, tất cả đều dựa vào sự may rủi, vậy nên giống gà 9 cựa bị thoái giống, nhiều con chỉ có vài cựa, thậm chí là không có cựa. Vì thế, muốn nhân giống được gà 9 cựa, đầu tiên phải xây dựng một nguồn gen đa dạng bằng sự liên kết của nhiều gia đình chăn nuôi khác”.
Ông Khôi cho biết thêm rằng, để có con giống tốt, gà trống chọn làm giống phải to khỏe, lông mượt, mắt sáng, chân đẫy đà, có cựa đều. Đặc biệt, yếu tố tiên quyết là phải có gà 9 cựa thuần chủng, con mái cũng phải khỏe mạnh, chân có từ 6 cựa, đều hai bên. Khi đã có đủ số lượng trứng cần phải lựa chọn thời gian cho gà ấp, đối với loại gà này nên cho ấp vào tháng 2, tháng 3 khi thời tiết ấm.
Ngay khi mới nở, cho gà con uống thuốc phòng bệnh, sau đó, chuyển sang khu vực nuôi riêng. Thời gian này, gà được cho ăn theo chế độ đặc biệt bằng cám nuôi tiêu chuẩn có hàm lượng đạm vừa phải, rõ nhãn mác và địa chỉ sản xuất. Khi đạt khoảng 60 ngày tuổi, gà bắt đầu được thả ra bên ngoài để làm quen với môi trường nuôi bộ. Chuồng nuôi được đặt trên đồi, mặt trên lót ván gỗ, phía dưới lót trấu để đảm bảo vệ sinh. Giai đoạn này, thức ăn chủ yếu của gà là thóc, ngô, rau chuối. Sau khoảng 5-6 tháng nuôi, gà trống bắt đầu trổ mã, tập gáy, gà mái bắt đầu nhảy ổ. Ngoài 8 tháng, khi trọng lượng trung bình đạt khoảng 1,3kg đến 2kg, gà đủ tiêu chuẩn để xuất bán”, ông Khôi nói.
Mô hình làm giàu hiệu quả
Từ sự tìm tòi, nghiên cứu không mệt mỏi của ông Khôi, giống gà 9 cựa dần dần được tái sinh, trở thành một sản vật quý có giá trị kinh tế cao. Những con gà 9 cựa không chỉ là tái hiện truyền thuyết mà còn góp phần giúp người dân Tân Sơn xây dựng kinh tế ngày một phát triển.
Theo anh Nguyễn Văn Tân, một lái buôn chuyên nhập gà 9 cựa cho các nhà hàng thì giá bán của gà 9 cựa cao gấp đôi gà thịt, thời điểm giáp Tết hoặc mùa lễ hội lên tới 300- 400 nghìn đồng một kg. Đặc biệt, những con gà mâm xôi có chín cựa, lông trắng, vóc dáng chuẩn theo gà chín cựa, chân ngắn là quý nhất trong triển lãm lần này, được chào bán với giá 15 triệu đồng/ con.
“Gà chín cựa hoàn toàn được nuôi thả tự nhiên trên đồi và ăn các loại thức ăn xuất xứ từ tự nhiên. Vì thế, giống gà này chủ yếu nhập cho các nhà hàng sang trọng nên giá rất đắt, nuôi được bao nhiêu bán hết bấy nhiêu. Mỗi một hộ chăn nuôi bình thường có thể thu nhập vài chục triệu đồng mỗi lứa” - anh Tân nói.
Ông Bàn Xuân Lâm - Chủ tịch UBND xã Xuân Sơn cho biết: “Trước đây, chỉ những hộ có gia trại ở sâu trong rừng mới nuôi được gà 9 cựa. Nay nhờ sự giúp đỡ của các chuyên gia cũng như các phòng ban chuyên môn của huyện và tỉnh, từ một số hộ dân nuôi thử, sau khi thấy hiệu quả liền liên kết nhau thành hội nhóm, chia sẻ kinh nghiệm và trao đổi con trống hàng năm nhằm giảm tỷ lệ giao phối cận huyết, tránh thoái hóa giống, gà 9 cựa được nuôi ở cả 4 xóm. Toàn xã hiện nay có khoảng 2.000 con. Trong đó, lượng gà trống quý có 8 cựa trở lên luôn bị các đại gia ở khắp các nơi về săn tìm. Đặc biệt là dịp Tết Đinh Dậu sắp tới, gà 9 cựa luôn “cháy hàng”.
Ông Lâm cũng cho biết, từ khi các mô hình nuôi thử nghiệm gà 9 cựa thành công, đến nay, trạm khuyến nông huyện Tân Sơn cũng nhanh chóng phối hợp với xây dựng dự án hỗ trợ mô hình nuôi gà 9 cựa tại các xã Xuân Sơn, Xuân Đài, Văn Luông nhằm xóa đói, giảm nghèo…
Vậy là, sau bao nhiêu năm bị chìm lấp bởi màn sương huyền thoại giữa núi rừng Xuân Sơn, nhờ có “kỳ nhân” mà gà 9 cựa không chỉ cất tiếng gáy trong danh mục cần được bảo tồn mà còn mang lại nguồn thu nhập ổn định của người dân địa phương. Còn với người đã bỏ bao công sức tái sinh giống gà 9 cựa, ghi nhận những cống hiến tận tụy không mệt mỏi của ông, ngày 16/8/2013, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã ký Quyết định tặng thưởng Huân chương Lao động cho nhà giáo ưu tú Nguyễn Khắc Khôi vì những thành tích xuất sắc trong nghiên cứu khoa học, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.