Pakistan có Thủ tướng mới

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Các nhà lập pháp Pakistan ngày 11/4 đã bầu ông Shehbaz Sharif làm Thủ tướng mới sau khi người tiền nhiệm của ông là ông Imran Khan bị mất chức vào cuối tuần qua.
Tân Thủ tướng Pakistan, ông Shehbaz Sharif.
Tân Thủ tướng Pakistan, ông Shehbaz Sharif.

Theo AFP, ông Sharif đã được bầu làm Thủ tướng mới của Pakistan với 174 phiếu bầu trong tổng số 342 ghế trong Quốc hội Pakistan.

Ông Sharif là lãnh đạo của Liên đoàn Hồi giáo Pakistan-N (PML-N) trung dung. Ông này là ứng cử viên duy nhất cho chức Thủ tướng Pakistan tại cuộc bỏ phiếu ngày 11/4, sau khi cựu ngoại trưởng Shah Mahmood Qureshi, người trung thành với cựu Thủ tướng Khan, rút lại ứng cử và từ chức.

“Đó là một chiến thắng của chính nghĩa, và cái ác đã bị đánh bại”, ông Sharif nói trong bài phát biểu sau khi được bầu làm Thủ tướng Pakistan.

Ông Sharif đã ngay lập tức công bố một loạt các biện pháp, trong đó có việc nâng mức lương tối thiểu mới là 25.000 rupee (khoảng 135 USD), tăng lương cho công chức và công bố các dự án phát triển ở các vùng nông thôn.

Ông Sharif, 70 tuổi, là một chính trị gia dày dạn kinh nghiệm. Ngay từ khi còn trẻ, ông đã cùng những người anh em khác thừa kế công việc kinh doanh thép của gia đình và lần đầu tiên được bầu vào chức vụ cấp tỉnh vào năm 1988.

Ông được biết đến như một nhà quản lý cứng rắn, khiến cấp dưới sợ hãi vì thường xuyên “bất ngờ viếng thăm” các cơ quan chính phủ để thị sát tình hình.

Ông Sharif là em trai của cựu Thủ tướng Nawaz Sharif. Ông Nawaz Sharif đã bị cách chức vào năm 2017 và sau đó bị tòa kết án tù 10 năm vì tội tham ô sau tiết lộ từ Hồ sơ Panama. Tuy nhiên, ông này đã được phóng thích để đi chữa bệnh ở nước ngoài.

Sau khi tuyên thệ nhậm chức, nhiệm vụ đầu tiên của ông Sharif sẽ là thành lập một nội các mới.

Trước đó, ngày 10/4, ông Imran Khan đã phải rời chức Thủ tướng Pakistan sau khi không vượt qua được cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Quốc hội. Ông Khan cũng đã từ chức nghị sỹ Quốc hội ngay sau đó.

Cho đến nay, Pakistan chưa từng có vị thủ tướng nào từng đảm nhiệm trọn vẹn một nhiệm kỳ nhưng Khan ông là người đầu tiên mất chức qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm.