Đổi mới nội dung, hình thức PBGDPL
Báo cáo tại buổi làm việc, bà Hồ Thị Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế cho biết, công tác PBGDPL đã được Lãnh đạo Bộ, Lãnh đạo các Tổng cục và các đơn vị quan tâm, thường xuyên coi đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng có mối liên quan mật thiết trong việc đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ tài chính, ngân sách nhà nước.
|
Bộ Tài chính đã đề ra chương trình kế hoạch hàng năm, từng đơn vị thuộc hệ thống tài chính có kế hoạch tổ chức thực hiện cụ thể việc phổ biến, giáo dục pháp luật đến các cán bộ, công chức, viên chức trong đơn vị, đánh giá rút kinh nghiệm để nâng cao chất lượng công tác này.
|
Bà Hồ Thị Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế báo cáo trước Đoàn kiểm tra |
Bộ thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức PBGDPL với nhiều mô hình thiết thực, hiệu quả như qua phương tiện thông tin đại chúng, tập huấn, hội nghị, toạ đàm, đối thoại, phát hành tờ rơi tờ gấp, PBGDPL qua tổ chức các hoạt động Ngày pháp luật Việt Nam…
“Bên cạnh các hình thức PBGDPL truyền thống, Bộ Tài chính đã đa dạng hoá hình thức tuyên truyền theo hướng sinh động hơn, tăng thời lượng cho đối thoại, giải đáp pháp luật”, đại diện Vụ Pháp chế cho biết.
|
Quang cảnh buổi làm việc |
Cùng đó, Bộ cũng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác PBGDPL. Trong đó, có PBGDPL trên cổng thông tin Bộ Tài chính với 37 chuyên mục vận hành thông suốt, tiếp nhận, giải đáp nhiều phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp.
Bộ cũng dành nhiều nguồn lực cho công tác PBGPL, đã quan tâm đầu tư và phát triển đội ngũ cán bộ làm công tác này cả về số lượng và chất lượng; thường xuyên quan tâm đào tạo bồi dưỡng. Về cơ bản đội ngũ cán bộ làm PBGDPL đáp ứng yêu cầu công việc.
|
Các thành viên Đoàn kiểm tra |
Về kinh phí, Bộ đã quan tâm dành kinh phí theo đúng quy định để đảm bảo nhiệm vụ PBGDPL. Tại Bộ Tài chính, hằng năm Bộ và các đơn vị dự toán trực thuộc đã chủ động lồng ghép, cân đối trong phạm vi dự toán chi ngân sách nhà nước được giao để thực hiện xây dựng, rà soát, hoàn thiện và phổ biến văn bản pháp luật…
Bên cạnh kết quả đạt được, đại diện Vụ Pháp chế cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế. Do phạm vi quản lý rộng, đội ngũ cán bộ, công chức đông ở cả Trung ương và địa phương trong khi đó trình độ của đội ngũ cán bộ làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của Bộ Tài chính chủ yếu mới đáp ứng được những vấn đề pháp luật thuộc lĩnh vực tài chính, đối với các lĩnh vực khác còn phụ thuộc nhiều ở sự quan tâm hỗ trợ của các bộ, ngành khác nên có khi còn bị động.
Số lượng các văn bản quy phạm pháp luật trong các năm qua rất lớn, trong khi đội ngũ cán bộ làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tuy đã có những chuyển biến cả về số lượng và chất lượng nhưng vẫn còn mỏng nên việc tuyên truyền, phổ biến đôi khi còn chưa đáp ứng kịp với yêu cầu đặt ra.
|
Phó Vụ trưởng Vụ PBGDPL Ngô Quỳnh Hoa phát biểu tại buổi làm việc |
Tại buổi làm việc thành viên Đoàn kiểm tra đã nêu nhiều vấn đề như việc phối hợp liên ngành trong PBGDPL, việc triển khai Đề án về truyền thông chính sách, việc kiện toàn, củng cố đội ngũ cán bộ làm công tác PBGDPL, việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong PBGDPL, vấn đề kinh phí cho PBGDPL…
|
Đại diện đơn vị thuộc Bộ Tài chính |
Đại diện các đơn vị thuộc Bộ Tài chính cho biết thêm, đã chủ động, tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan để PBGDPL, đặc biệt là đối với những chính sách pháp luật mới, có liên quan đến đời sống người dân, doanh nghiệp; những chính sách liên quan đến đối tượng đặc thù. Các đơn vị đã chủ động trong việc tổ chức các cuộc đối thoại chính sách với các doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp nước ngoài; tham gia các diễn đàn kinh tế lớn. Việc PBGDPL trong nhiều lĩnh vực được thực hiện thành các đợt cao điểm ví dụ như tổ chức các tuần lễ lắng nghe ý kiến người nộp thuế…
|
Về cơ chế chính sách, Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Tư pháp ban hành Thông tư 14 về kinh phí cho công tác PBGDPL và hiện đang đề nghị sửa đổi thông tư này và một số thông tư khác cho phù hợp yêu cầu thực tiễn.
Cần quan tâm, tổ chức thực hiện tốt Đề án về truyền thông chính sách
Thứ trưởng Võ Thành Hưng cho biết Bộ Tài chính luôn nhận thức sâu sắc vai trò của PBGDPL trong công tác của ngành. Thời gian qua, Ban Cán sự đảng Bộ rất quan tâm đến công tác PBGDPL, hàng năm đều có chương trình kế hoạch cụ thể. Bộ cũng đã đổi mới các hình thức PBGDPL để nâng cao hiệu quả công tác này.
Ở địa phương, nhiều hình thức PBGDPL đã được triển khai bằng nhiều mô hình hay, hiệu quả. Thứ trưởng Thành Hưng mong muốn Hội đồng phối hợp PBGDPL xây dựng định hướng lớn hằng năm làm cơ sở cho các Bộ, ngành triển khai; khẩn trương sửa đổi Nghị định 55 về công tác pháp chế; tăng cường hơn công tác đào tạo báo cáo viên pháp luật cho các bộ, ngành.
Kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh đánh giá cao công tác PBGDPL của Bộ Tài chính. Bộ đã có nhiều cách làm sáng tạo trong triển khai thực hiện, thường xuyên kiện toàn Hội đồng PBGDPL; hàng năm đều ban hành kế hoạch làm căn cứ cho các đơn vị, địa phương triển khai. PBGDPL của Bộ Tài chính gắn liền với công tác chuyên môn, ngày càng đi vào chiều sâu. Bộ đã chủ động, tích cực phối hợp với Bộ Tư pháp và các Bộ liên quan xây dựng thể chế cũng như bảo đảm cơ chế tài chính PBGDPL.
“Các kết quả này đóng góp vào thực hiện nhiệm vụ chính trị của Bộ ngành tài chính và sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước”, Thứ trưởng Thanh Tịnh nói.
Thời gian tới, Thứ trưởng Thanh Tịnh đề nghị Bộ Tài chính tiếp tục quan tâm lãnh đạo thực hiện các văn bản về PBGDPL. Là Bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, những lĩnh vực quan trọng gắn liền phát triển KTXH của đất nước và đời sống người dân doanh nghiệp, do đó Bộ cần quan tâm tổ chức thực hiện tốt Đề án về truyền thông chính sách. Vụ Pháp chế và các đơn vị tham mưu cố gắng 100% dự thảo văn bản đều được truyền thông từ sớm từ xa để người dân tham gia vào xây dựng chính sách và cũng là giải pháp nâng cao chất lượng văn bản; phát huy vai trò trách nhiệm của cơ quan chủ trì soạn thảo cũng như cơ quan truyền thông, để văn bản đi vào cuộc sống.
Bộ quan tâm xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân; tạo điều kiện cho người dân tiếp cận pháp luật. Tiếp tục quan tâm tạo điều kiện phối hợp cho Hội đồng cấp tỉnh ở địa phương.
Tiếp tục thực hiện hiệu quả hơn, toàn diện hơn ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực tài chính; hình thành hệ thống thông tin đồng bộ thống nhất để người dân doanh nghiệp, cán bộ được tạo thuận lợi trong tìm hiểu thông tin pháp luật.
Đặc biệt, Thứ trưởng đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu giải pháp tăng cường nguồn lực từ ngân sách và xã hội đáp ứng yêu cầu công tác PBGDPL trong tình hình mới.