Peru: Cái kết đắng của Tổng thống Kuczynski

(PLO) - Theo nhận định của các mạng tin AméricaEconomía và Rebelión, ngày 21/12, Tổng thống Peru Pedro Pablo Kuczynski phải trình chứng cớ ngoại phạm và tự bào chữa trước toàn thể Quốc hội, hiện đang cáo buộc ông thiếu tư cách đạo đức để lưu nhiệm và có thể sẽ phế truất ông sau khi nghe vị nguyên thủ này trình bày đủ lý lẽ của mình.
Tổng thống Peru Pedro Pablo Kuczynski trước viễn cảnh mất chức
Tổng thống Peru Pedro Pablo Kuczynski trước viễn cảnh mất chức

Vị tổng thống 79 tuổi xuất thân từ nhà kinh tế này bị cáo buộc nhận hối lộ của tập đoàn xây dựng khổng lồ Brazil Odebrecht, doanh nghiệp “chủ thể” của bê bối tham nhũng lớn nhất lịch sử Mỹ Latinh. 

“Bóng ma” Odebrecht

Theo những gì được công bố tới nay, doanh nghiệp từng là tập đoàn xây dựng lớn nhất Mỹ Latinh này đã hối lộ tổng cộng khoảng 1 tỷ USD cho các quan chức chính phủ cấp cao tại khoảng 20 nước ở khắp khu vực để đổi lấy những hợp đồng xây dựng công “béo bở”. 

Trong trường hợp ông Kuczynski, 1 công ty con của Odebrecht đã trả 782.000 USD cho công ty Westfield Capital, công ty thuộc sở hữu của ông Kuczynski, vì “dịch vụ tư vấn” từ năm 2004-2007, thời kỳ ông Kuczynski là bộ trưởng trong chính phủ của cựu Tổng thống Alejandro Toledo. Khi đó ông Kuczynski là Bộ trưởng Kinh tế kiêm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Ngoài ra, ông Kuczynski còn là Chủ tịch Proinversión, đơn vị có chức năng xúc tiến và tổ chức đấu thầu các dự án công cấp quốc gia. 

Trong những ngày qua, ông Kuczynski đã thừa nhận rằng công ty Wesfield là tài sản riêng của mình và việc thanh toán trên đã được thực hiện. Ông được hưởng khoản tiền đã được giao dịch đó. Lời bào chữa duy nhất mà ông Kuczynski đưa ra tới nay trước công chúng là ông không điều hành công ty trong những năm đó mà giao cho một nhà quản lý ngân hàng người Chile mà ông tin tưởng và từng cùng hùn vốn với ông trong một số công ty khác. 

Lý lẽ đơn giản trên của ông Kuczynski rõ ràng là không đủ sức thuyết phục. Ông Kuczynski phải có một lập luận mạnh mẽ hơn nhiều trong bài trình bày kéo dài 2 giờ đồng hồ trước Quốc hội mới hy vọng thuyết phục được các nghị sĩ, người dân Peru và cộng đồng quốc tế rằng lời cáo buộc về tư cách đạo đức của ông là sai trái và ông xứng đáng tại vị. Tuy nhiên, gần như chắc chắn ông Kuczynski không có những lời giải thích thuyết phục đó vì đơn giản là nếu có, chắc ông đã trình bày công khai từ trước chứ không để sự việc dẫn tới tình trạng này. 

Xét tới tỷ lệ ủng hộ chính trị dành cho ông Kuczynski ở mức thấp trong Quốc hội Peru thì việc chờ đợi ông bị phế truất là điều dễ hiểu. Theo quy định, việc phế truất tổng thống để luận tội cần ít nhất 2/3 Nghị viện ủng hộ, tương đương với 87 nghị sĩ trong tổng số 130 nghị sĩ hiện tại của Peru. Ngay trong cuộc bỏ phiếu mang tính bất tín nhiệm đối với ông Kuczynski, đã có tới 93 phiếu thuận và chỉ có 17 phiếu chống. Nếu không có biến động lớn, tỷ lệ này sẽ được duy trì ở cuộc bỏ phiếu sắp tới. Uy tín của ông Kuczynski trong dân chúng cũng không khả quan hơn. Ngay trước khi vụ bê bối xảy ra, tỷ lệ ủng hộ dành cho ông  Kuczynski cũng đã sụt giảm xuống mức 25%. Theo các cuộc thăm dò mới nhất, sau vụ việc trên, có tới 65% cử tri Peru tin rằng tổng thống của họ nên bị phế truất. 

Viễn cảnh từ chức

Hiện nay, điều quan trọng đối với sự ổn định của Peru chỉ còn là việc các thể chế tiếp tục hoạt động đúng chức năng và việc xét xử ông Kuczynski phải được tiến hành minh bạch, công bằng. Theo luật pháp của Peru, nếu tổng thống bị Quốc hội bãi nhiệm, phó Tổng thống thứ nhất sẽ cầm quyền tới hết nhiệm kỳ, mà trong trường hợp này là năm 2021. Nếu phó Tổng thống thứ nhất không đủ điều kiện thì phó Tổng thống thứ hai sẽ thay thế. Nếu cả 2 phó Tổng thống không chấp nhận cầm quyền, Chủ tịch Quốc hội sẽ đảm nhiệm cương vị Tổng thống, nhưng phải kêu gọi bầu cử trong vòng 1 năm. 

Trên thực tế, những ngày gần đây các “cây bút” bình luận quen thuộc tại Peru không phân tích về việc liệu ông Kuczynski còn tại vị hay không mà chủ yếu tập trung vào câu hỏi liệu ông sẽ từ chức hay bị Quốc hội bãi nhiệm. Hiện tại, những đối thủ chính trị chính của ông Kuczynski đều mong muốn ông ra đi theo con đường từ chức “vì quyền lợi dân tộc” hơn là bị phế truất vì “tham nhũng và lừa dối nhân dân”. Điều đó là vì họ cũng không trong sạch hơn ông Kuczynski và lo ngại rằng nếu công thức cứng rắn được áp dụng đối với vị nguyên thủ 79 tuổi hiện này thì trong tương lai sẽ được áp dụng đối với họ. Từ vụ bê bối Odebrecht, Tổng thống Peru tiền nhiệm Ollanta Humala hiện đang ngồi tù chờ xét xử, cựu Tổng thống Alejandro Toledo bị truy nã và lẩn trốn ở Mỹ.

Trong khi đó, cựu Tổng thống thuộc phái trung tả Alan García và nữ Thượng nghị sĩ nhiều quyền lực Keiko Fujimori (con gái cựu Tổng thống Alberto Fujimori và 2 lần là ứng cử viên tổng thống vòng cuối) cũng đang đối mặt với các cáo buộc từ chính các cựu quan chức của Odebrecht về việc nhận hối lộ. Nhiều nhà phân tích cho rằng ông Kuczynski vẫn trì hoãn tuyên bố từ chức chẳng qua để mặc cả quyền miễn truy tố ở một mức độ nào đó, cho dù tới bước đường cùng, nhà tài phiệt này vẫn có thể trông chờ vào lối thoát từ Mỹ, đất nước trên thực tế còn gần gũi với ông hơn nhiều so với Peru. 

Một câu hỏi để ngỏ nữa là kịch bản nào sẽ diễn ra sau khi ông Kuczynski ra đi, khi nhiều thế lực muốn “duy trì trật tự thể chế” và để một phó Tổng thống cầm quyền tới hết nhiệm kỳ nhưng nhiều thế lực hùng mạnh không kém muốn tổ chức ngay một cuộc bầu cử sớm, trong khi cả 2 phó Tổng thống Peru đều là những nhân vật không có nhiều uy tín và cũng có không ít điểm yếu. Tất nhiên, kịch bản nào thắng thế còn phụ thuộc trước hết vào việc ông Kuczynski sẽ ra đi như thế nào... 

Đọc thêm