Lãi quý I/2018 sụt giảm hơn 100 tỷ đồng
Đây đang là giai đoạn “thay máu” tại Petrolimex với việc hàng loạt nhân sự cao cấp được thay đổi. Đầu tháng 5/2018, ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Petrolimex chính thức nghỉ hưu. Ông Bảo là Tổng Giám đốc Petrolimex từ năm 2007, đến năm 2010 thì làm Chủ tịch cho đến khi nghỉ hưu. Nhiều ý kiến cho rằng, hàng chục năm làm lãnh đạo cao cấp tại Petrolimex, ông Bảo đã xây dựng được một “đế chế”, tạo dựng thương hiệu Petrolimex nổi tiếng với thị phần xăng dầu số 1 Việt Nam như hiện nay.
Tuy nhiên, đi liền với đó, ông Bảo cũng bộc lộ không ít hạn chế như Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra cách đây hai năm, trong đó có việc đầu tư ngoài ngành vào Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex sai quy định hàng trăm tỷ đồng, đến nay vẫn chưa được khắc phục.
Sau khi ông Bảo về hưu, người thay thế vị trí Chủ tịch là ông Phạm Văn Thanh (SN 1972). Ngày 14/5/2018, Petrolimex cũng công bố quyết định bổ nhiệm thêm hai Phó Tổng giám đốc mới là ông Nguyễn Thanh Sơn và Nguyễn Xuân Hùng. Trước đó, cuối năm 2017, ông Phạm Đức Thắng, Ủy viên Hội đồng quản trị, Phó Tổng Giám đốc Petrolimex được bổ nhiệm giữ chức Tổng Giám đốc, thay ông Trần Văn Thịnh.
Ngày 1/5/2018, Chủ tịch Petrolimex Bùi Ngọc Bảo nghỉ hưu thì đúng hai ngày sau (3/5), Petrolimex công bố Báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2018, tuyên bố giảm lãi hơn 102 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Theo đó, trong quý 1/2018, lợi nhuận sau thuế toàn Tập đoàn là 1.003.205.072.389 đồng (trong khi lợi nhuận quý 1/2017 là 1.106.114.166.137 đồng); lợi nhuận sau thuế của Cty mẹ là hơn 241,8 tỷ đồng (trong khi giai đoạn này năm trước đó là hơn 390,8 tỷ đồng, giảm hơn 149 tỷ). Như vậy, quý 1/2017, Tập đoàn giảm lãi dưới 10% so với cùng kỳ; riêng lợi nhuận sau thuế của Cty mẹ giảm 38% so với cùng kỳ 2017.
Điều đáng nói là dù kết quả kinh doanh không được khả quan trong ba tháng đầu năm 2018 nhưng lương lãnh đạo Tập đoàn này không ngừng được tăng lên. Năm 2016, hội đồng quản trị của Tập đoàn này nhận 7,1 tỷ đồng tiền thù lao. Năm 2017, tổng thù lao Petrolimex chi cho hội đồng quản trị là 9,1 tỷ đồng, tăng lên 2 tỷ so với năm trước, bình quân mỗi lãnh đạo nhận 1,3 tỷ đồng/người/năm, tương ứng 108 triệu đồng/người/tháng.
Năm 2018, thù lao cho Hội đồng quản trị của Tập đoàn này tiếp tục được tăng thêm 900 triệu lên mức 10 tỷ đồng. Đại hội đồng cổ đông thường niên 2018 của Petrolimex đã thông qua kế hoạch trả thù lao cho Hội đồng quản trị với số tiền trên. Hiện nay Petrolimex có 7 thành viên Hội đồng quản trị, như vậy, bình quân, mỗi lãnh đạo sẽ nhận 1,43 tỷ đồng/người/năm, tương đương 119 triệu đồng/người/tháng.
Nhiều thách thức
Petrolimex là Tập đoàn có 85% vốn điều lệ thuộc Nhà nước sở hữu (đại diện phần vốn Nhà nước là Bộ Công Thương). Nhìn vào mức lương cao ngất ngưởng trên chắc chắn không ít lao động phổ thông chạnh lòng. Ngoài 10 tỷ tiền lương cho Hội đồng thành viên, Nhà nước còn bỏ ra nhiều tỷ đồng khác để trả lương cho Ban Tổng giám đốc và Ban Kiểm soát của Tập đoàn này. Rõ ràng với việc kinh doanh đang đi xuống nhưng lãnh đạo Petrolimex vẫn nhận lương “khủng” mỗi tháng sẽ khiến dư luận không đồng tình vì những đồng lương ấy chủ yếu đến từ thuế của người dân.
Petrolimex lí giải việc giảm lãi hơn 100 tỷ đồng chỉ trong khoảng 3 tháng là do biến động tỷ giá theo chiều hướng giảm.Tuy nhiên, rõ ràng việc giảm lợi nhuận này là một cảnh báo đối với dàn lãnh đạo mới của Petrolimex trong bối cảnh thị trường xăng dầu đang ngày một cạnh tranh gay gắt ở Việt Nam. Hiện nay Petrolimex chiếm khoảng 50% thị phần trong nước. Mục tiêu của “đại gia” xăng dầu có tuổi đời kinh doanh trên 60 năm này là cố giữ được thị phần trên. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp khác đang vươn lên mạnh mẽ, đặc biệt là sự xuất hiện của nhiều doanh nghiệp nước ngoài, đang cạnh tranh trực tiếp thị phần với Petrolimex.
Trước đây, lợi nhuận từ Petrolimex thường khoảng 60% đến từ kinh doanh xăng dầu, 40% còn lại đến từ hoạt động phụ trợ xăng dầu như hóa dầu, gas, nhiên liệu bay, nhựa đường, hóa chất, vận tải biển… Tuy nhiên, trong quý 1/2018, tỷ lệ này có sự thay đổi, lợi nhuận từ kinh doanh xăng dầu chỉ đem lại 50,6%, các hoạt động kinh doanh ngoài xăng dầu đem lại lợi nhuận 49,4%. Điều này cho thấy lĩnh vực kinh doanh xăng dầu của Petrolimex đang thật sự bị cạnh tranh gay gắt bởi các đối thủ cùng ngành hàng.
Để giữ được 50% thị phần xăng dầu ở trong nước, rõ ràng dàn lãnh đạo mới của Petrolimex còn rất nhiều việc phải làm.