Gương sáng Pháp luật

PGS.TS. Nguyễn Chu Hồi: Cuộc đời gắn bó với biển, đảo quê hương

(PLVN) - Sự nghiệp của PGS.TS. Nguyễn Chu Hồi gần như hoàn toàn gắn bó với biển đảo quê hương. Hiện là Đại biểu Quốc hội khóa XV Đoàn TP Hải Phòng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghề cá Việt Nam, ông tích cực phát huy vốn kiến thức và kinh nghiệm thực tế, góp phần hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, cũng như giám sát việc thực thi chính sách, pháp luật về biển, đảo.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Chu Hồi phát biểu trong phiên họp tổ tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Chu Hồi phát biểu trong phiên họp tổ tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV.

Tình yêu biển đảo

PGS.TS. Hồi sinh ra ở một làng quê bình yên ven sông Hồng thuộc tỉnh Hưng Yên, cách Hà Nội 20km. Tuổi thơ của ông gắn với sông nước, ao hồ, với cảnh mò cua bắt ốc, thả diều, chăn bò trên đê sông Hồng hay những trưa hè tắm sông trong những năm tháng đi sơ tán.

Khi vào Đại học Tổng hợp Hà Nội, ông say mê nghiên cứu về Khoa học Trái đất, bao gồm khoa học biển và địa lý, địa chất biển... Ra trường cuối 1973, từ tháng 4/1974, ông về công tác tại Viện Nghiên cứu biển (nay là Viện Tài nguyên và Môi trường biển), trực thuộc Viện Khoa học Việt Nam (nay là Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam). “Từ thời điểm này, tôi thực sự ra “biển lớn” và bước vào “nghiệp biển” theo đúng nghĩa, bắt đầu gắn bó với biển qua công việc của một cán bộ nghiên cứu và quản lý biển đến tận bây giờ”, PGS.TS. Hồi cho hay.

Theo PGS.TS. Hồi, khác với sông hồ, ao chuôm; biển và đại dương chứa đựng tiềm năng rất lớn đối với nhân loại; có chức năng điều chỉnh các quá trình toàn cầu, vượt ra ngoài Trái đất với nhiều bí ẩn, nhạy cảm và dễ bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu, nên cũng cần đến một “kho” kiến thức mới, bao gồm cả luật pháp quốc tế về đại dương. Để làm chủ được khối kiến thức mới và đồ sộ đó, người nghiên cứu cần cập nhật thông tin và công cụ đắc lực là ngoại ngữ.

Nhận thức được điều này, ngay từ những ngày đầu làm việc, ông ưu tiên học ngoại ngữ, đồng thời lao vào thực tế, tích cực tham gia đi khảo sát ven biển, đảo và biển. Ít người biết rằng, ông sử dụng thành thạo tiếng Anh, Ba Lan trong giao tiếp; đọc được sách chuyên môn bằng tiếng Nga, Pháp, đồng thời cũng biết cả tiếng Trung.

Nhờ vốn ngoại ngữ đáng nể như vậy, ông đã xây dựng được các mối quan hệ quốc tế, giúp cơ quan nơi ông làm việc và lãnh đạo đẩy mạnh quan hệ đối ngoại; tranh thủ đào tạo cán bộ, xây dựng tiềm lực nghiên cứu, đi đầu trong một số hướng nghiên cứu và quản lý biển mới ở Việt Nam.

Bản thân ông tính đến nay đã đặt chân lên 66 quốc gia ngoài Việt Nam, ít nhất là một lần; tham gia và báo cáo ở hàng trăm hội nghị, hội thảo và cuộc họp quốc tế và khu vực, bao gồm cả vấn đề Biển Đông. Ông đã có 4 nhiệm kỳ (12 năm) làm Chủ tịch Tiểu ban Khoa học - Công nghệ biển (ASEAN SCMSAT) và Nhóm Công tác về Môi trường biển và ven bờ Khu vực ASEAN (AWGCME) do Việt Nam cử và các nước ASEAN bầu; tham gia nhiều tổ chức và Nhóm công tác về biển, đại dương quốc gia, toàn cầu và khu vực.

Ông cũng là thành viên BCĐ Diễn đàn Đại dương toàn cầu (GOF) từ 2004 đến nay, là thành viên BCĐ quốc gia Chương trình dự án nhỏ Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF SGP) tại Việt Nam. “Những cơ hội nói trên đã cho phép tôi mang hình ảnh và quan điểm về biển, đảo của Việt Nam đến với bạn bè và cộng đồng đại dương thế giới. Đó cũng là cách đóng góp và thể hiện tình yêu với Tổ quốc, quê hương”, ông nói.

Đất Cảng là quê hương thứ hai

PGS.TS. Hồi cho hay, 26 năm sống và công tác ở TP Hải Phòng, với ông, đây đã trở thành quê hương thứ hai, với những kỷ niệm không thể nào quên với ông. “Theo thời gian, vị mặn của biển cả đã ngấm vào máu thịt tôi. Tôi yêu biển đến nao lòng và chắc chắn không bao giờ quên biển, xa biển, biển luôn trong tim và tôi sẽ mang nó đi mãi mãi”, ông nói.

Ngay khi hết tập sự khóa học 12 tháng, cuối năm 1975, ông được giao nhiệm vụ khảo sát - nghiên cứu vùng biển - ven biển Đầm Hà - Móng Cái thuộc tỉnh Quảng Ninh ngày nay. Khi lục tìm thông tin để viết báo cáo, ông mới biết vùng biển - ven biển này thuộc tỉnh Hải Ninh xưa mà thủ phủ là TP Móng Cái. “Yêu biển, trân quý kết quả nghiên cứu đầu tay của mình, năm 1976, tôi đã đặt tên con trai đầu lòng của mình là Hải Ninh, một vùng biển yên bình”, ông kể.

Trong sự nghiệp nghiên cứu và quản lý biển từ 1975 đến nay, PGS.TS. Hồi đã chủ trì hơn 50 đề tài, dự án các cấp quốc gia, khu vực và quốc tế liên quan đến nghiên cứu, quản lý vùng bờ và biển; tác giả và đồng tác giả của 53 cuốn sách chuyên khảo và giáo trình, đứng tên chính của khoảng 240 bài báo nghiên cứu và quản lý biển xuất bản trong và ngoài nước; hàng trăm bài báo và bài trả lời phỏng vấn đăng trên các báo giấy và online khác nhau.

Sau khi bảo vệ thành công Luận án Tiến sĩ ở tuổi 32 tại Ba Lan và trở về nước, ông được phân công trở lại làm việc ở cơ quan cũ tại Hải Phòng. Từ “nghề thành nghiệp”, ông trải qua nhiều vị trí công tác khác nhau, từ Trưởng phòng; Trạm phó Trạm Nghiên cứu biển vịnh Bắc Bộ; Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu biển tại Hải Phòng thuộc Viện Khoa học Việt Nam… đến Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam thuộc Bộ TN&MT.

“Hết nghiệp còn nghề”, sau những năm tháng dài làm nghề nghiên cứu khoa học và quản lý biển, tháng 3/2012, khi chuẩn bị hết tuổi quản lý, ông chuyển công tác sang lĩnh vực giảng dạy tại Khoa Môi trường, ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội. “Trải qua các cương vị công tác khác nhau nói trên đã giúp tôi có được một chiều sâu trong vốn kiến thức về biển, về môi trường và tài nguyên biển, đặc biệt có điều kiện giúp cho các thế hệ sau hiểu nhiều hơn về biển, đảo, về các quyền và lợi ích biển của Việt Nam”, ông cho biết.

Ngoài học đường, ông còn truyền cảm hứng và kiến thức biển đảo mở rộng cho hàng triệu người Việt Nam thông qua các cuộc đối thoại và các phương tiện thông tin đại chúng. Ông cũng chia sẻ thông tin, quan điểm và lên tiếng bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam trên các diễn đàn quốc tế, đóng góp vào công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Qua những năm tháng giảng dạy tại hàng loạt trường như ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Dân lập Hải Phòng, ĐH Thủy sản Nha Trang… ông cũng đã góp phần ươm mầm nhiều lớp các nhà khoa học trẻ tâm huyết, tài năng; đóng góp một phần không nhỏ phát triển kinh tế biển và bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam.

Biển cả thôi thúc cống hiến

Tháng 6/2019, PGS.TS. Nguyễn Chu Hồi nghỉ hưu và được mời về hoạt động với tư cách Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghề cá Việt Nam (Vinafis). Trong quá trình hiệp thương để giới thiệu người ứng cử vào bầu Đại biểu Quốc hội khóa XV (2021-2026), với bề dày kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực nghiên cứu và quản lý biển đảo; đã từng làm tư vấn, tham mưu cho các mảng chính sách, pháp luật biển và nghề cá; ông được Ban lãnh đạo và cử tri của Hội Nghề cá Việt Nam trên phạm vi cả nước và nơi cư trú tín nhiệm (100%) giới thiệu đại diện cho Hội ứng cử Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV.

Ông bộc bạch, với ông, việc chấp nhận tham gia ứng cử ĐBQH là một quá trình lựa chọn hết sức khó khăn. “Đứng trước trách nhiệm nghề nghiệp với đất nước, với mong muốn của nhân dân; đồng thời cũng muốn dành “suất” này cho đại biểu trẻ, còn mình dành thời gian chăm lo sức khỏe, viết sách và làm tư vấn độc lập,... nên tôi đã 2 lần xin với tổ chức không tham gia. Tuy nhiên, cử tri của Hội và bà con dân phố vẫn kiên quyết giới thiệu. Quả thực, biển mãi mãi quan trọng với dân tộc Việt Nam, trong khi dù nghỉ hưu nhưng biển cả và những ngư dân vẫn tiếp tục là động lực lôi cuốn tôi, thôi thúc tôi làm việc và cống hiến. Không bỏ được biển, không thể rời xa ngư dân và tuân thủ nhiệm vụ tổ chức giao phó, cuối cùng tôi đã nhận nhiệm vụ với tinh thần trách nhiệm và thái độ nghiêm túc”, ông kể lại.

Là đại biểu khối Trung ương về ứng cử tại đơn vị bầu cử TP Hải Phòng, nơi có 26 năm sống và làm “nghề biển”, đã phấn đấu và có những đóng góp đáng khích lệ, để lại dấu ấn tốt đối với đồng nghiệp, các thế hệ lãnh đạo TP và nhân dân. Tại cuộc bầu cử năm 2021, ông đã được tín nhiệm bầu làm ĐBQH đoàn TP Hải Phòng, giúp ông có cơ hội trả “nợ ân tình” cho quê hương thứ hai của mình.

Ghi nhớ trách nhiệm của người ĐBQH, trên cương vị người đại biểu của nhân dân, ông cho hay luôn cố gắng đi sâu, đi sát, gần dân, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân nơi ở và công tác; nghe phản ánh từ các tỉnh Hội Nghề cá trong cả nước, thông qua các chuyến công tác, các cuộc tiếp xúc cử tri theo quy định của QH; đồng thời tham gia tích cực, chủ động vào quá trình lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề trọng đại của đất nước, cũng như các hoạt động khác theo sự phân công của QH và Đoàn ĐBQH để thực hiện lời hứa trước cử tri.

Đặc biệt, ông luôn phát huy vốn kiến thức và kinh nghiệm thực tế tích lũy được trong suốt quá trình nghiên cứu và quản lý biển đảo và nghề cá ở nước ta, khu vực và quốc tế, thường xuyên cập nhật thông tin để có những ý kiến đóng góp sát thực nhất, khả thi nhất để bảo vệ lợi ích quốc gia và của ngư dân. “Các ưu tiên hành động của tôi tập trung vào việc tích cực tham gia, xem xét, góp ý và khuyến nghị QH tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, cũng như giám sát việc thực thi chính sách, pháp luật về biển, đảo”, ông cho hay.

PGS.TS Hồi được đánh giá luôn tích cực tham gia các hoạt động giám sát thực thi chính sách pháp luật về quy hoạch, về thủy sản, về tài nguyên, môi trường biển/ven biển và tình hình thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; bảo vệ nguồn lợi thủy sản và chống đánh bắt cá bất hợp pháp (IUU),…“Tất cả vấn đề ưu tiên trên, bên cạnh làm trên quy mô quốc gia, tôi sẽ dành ưu tiên triển khai từ thực tế của TP Hải Phòng. Tôi mong muốn góp phần xây dựng TP Hải Phòng hiện đại, văn minh, có bước phát triển đột phá, xứng tầm với vị thế đặc biệt của một thành phố trung tâm các vấn đề biển của cả nước; là hình mẫu cho việc thực hiện thành công “khát vọng Việt Nam” theo tinh thần Nghị quyết ĐH Đảng XIII”, ông nhấn mạnh.

Đọc thêm