Công an tỉnh Bạc Liêu tiếp tục điều tra đường dây mua bán xe mô tô tay ga gian. Những chiếc xe bị trộm được kẻ gian “khoác” lên "chiếc áo" hàng thanh lý để bán.
|
Những chiếc xe gian bị Công an tỉnh Bạc Liêu thu hồi phục vụ điều tra |
Mua bán xe gian
Thượng tá Nguyễn Thành Công (Phó Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ, Công an tỉnh Bạc Liêu) cho biết, đường dây dùng hồ sơ xe mô tô thanh lý, hóa giá để hợp thức hóa xe mô tô có nguồn gốc không hợp pháp được đăng ký, tiêu thụ trong và ngoài tỉnh Bạc Liêu đã bị bóc gỡ.
Từ năm 2007 đến nay, Trần Văn Tuấn (42 tuổi, ngụ khóm 2, phường 7, TP.Bạc Liêu) mua của Hà Phước Cường (41 tuổi, ngụ đường Hùng Vương, phường 13, quận 6, TP. Hồ Chí Minh) 115 chiếc xe hiệu Ariblade, Click, SCR,.. với giá 14 – 16 triệu đồng/chiếc.
Số xe này, Cường mua trôi nổi trên thị trường do các đối tượng trộm cắp được và mang tiêu thụ. Trong số này, có cả một số xe được chuyển về từ biên giới Campuchia. Cường và Ngô Hùng Lâm (37 tuổi, ngụ đường 04, phường 16, quận Gò Vấp, TP.Hồ Chí Minh) đục số khung, số máy và làm giả giấy tờ xe theo hình thức xe tịch thu của các tỉnh được bán thanh lý.
Sau khi nhận xe và giấy tờ xe giả, Tuấn thuê giấy chứng minh nhân dân của khoảng 30 người ở huyện Vĩnh Lợi (tỉnh Bạc Liêu) để đi đăng ký cấp biển số mới cho số xe này. Tiếp đến, Tuấn bán lại cho cửa hàng xe gắn máy Vũ Linh (đường Võ Thị Sáu, phường 8, TP.Bạc Liêu) khoảng 50 chiếc, số còn lại Tuấn bán cho người dân ở Bạc Liêu thông qua các “cò” mua bán xe. Mỗi chiếc xe, cửa hàng xe gắn máy Vũ Linh mua từ Tuấn có giá 16 – 30 triệu đồng.
Khi mua, cửa hàng có kiểm tra số khung, số máy và thấy phù hợp với giấy chứng nhận đăng ký. Ông Trần Vũ Hà Linh - chủ cửa hàng xe gắn máy Vũ Linh - cho biết: “Tôi không biết hồ sơ xe ra sao, vì khi giao xe, Tuấn chỉ đưa giấy chứng nhận đăng ký xe và biển số xe đã đăng ký. Tuấn trực tiếp đi đăng ký biển số xe tại huyện Vĩnh Lợi”. Mua đi bán lại, nhưng cửa hàng xe gắn máy Vũ Linh không ghi vào sổ sách, người mua xe chỉ nhận được biên nhận tay của cửa hàng. Với hành vi xuất bán hàng hóa không ra hóa đơn này, cửa hàng Vũ Linh đã trốn thuế Nhà nước.
“Ngựa quen đường cũ”
Các tên Tuấn, Cường, Lâm bị khởi tố về tội: “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”, “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”. Hiện, Công an tỉnh Bạc Liêu đang tiếp tục xác minh, thu thập chứng cứ đối với nhiều đối tượng khác liên quan đến vụ án hình sự này; đồng thời tiến hành thu hồi xe phục vụ công tác truy tố, xét xử. Đến nay đã thu hồi được 21 chiếc.
Có thể nói Cường là kẻ “ngựa quen đường cũ”. Vào các năm 2001 và 2005, đã bị lực lượng Công an TP.Hồ Chí Minh bắt về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”. Năm năm tù giam dường như chưa đủ để cải tạo Cường thành công dân tốt, tìm đường ngay mà đi.
Cường khai nhận số xe nói trên, Cường mua của một số người tên Phi, Minh, Tuấn. Việc thỏa thuận, mua bán, trao đổi giữa Cường và các đối tượng này diễn ra tại nhiều địa điểm và diễn ra nhanh chóng, không ai chứng kiến, giấy tờ gì chứng minh. Còn về hóa đơn đỏ, Cường và Lâm mua của một người trên đường Lê Lợi, quận 1. Việc mua bán hóa đơn cũng không dấu vết để lại, dù chỉ là cái tên của người bán. Chính những điều này đã làm cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bạc Liêu chưa đủ cơ sở chứng minh về các đối tượng bán xe, hóa đơn khống cho Cường.
Từ những người thợ sửa xe môtô lương thiện, các tên Tuấn, Cường đã dần trở thành kẻ xấu vì lòng tham lam của chính mình và phải trả giá bằng những hình phạt nghiêm minh của pháp luật.
Phan Trân