Phá lệ nhằm… phá luật

(PLO) -Mới rồi, Uỷ ban Nhân quyền của Liên Hợp Quốc (LHQ) đã phê phán Chính phủ Ireland và yêu cầu Chính phủ nước này phải sửa đổi Luật cấm phá thai, thậm chí nếu cần phải sửa đổi cả Hiến pháp để sửa luật này thì cũng phải làm. 
Hình minh họa.
Hình minh họa.

Liên Hợp Quốc cũng …phá lệ

Ireland là một trong những quốc gia trên thế giới có luật khắt khe nhất về phá thai- từ xa xưa tới nay chứ không phải mới.

Ở Ireland, đạo Thiên chúa rất thịnh hành. Đạo này không chấp nhận cho phép phá thai, kể cả khi vì tính mạng của người mẹ hay vì đứa trẻ lâm trọng bệnh ngay từ trong bụng người mẹ mà lẽ ra nên và buộc phải phá thai.

Vì thế, phụ nữ ở Ireland khi muốn hoặc buộc phải phá thai thì phải đi ra nước ngoài, buộc phải chấp nhận tốn kém, rủi ro bảo hiểm và không được chăm sóc chu đáo sau khi phá thai. Ủy ban Nhân quyền LHQ cáo buộc Chính phủ Ireland duy trì tình trạng này và công khai đòi Chính phủ Ireland phải sửa đổi luật ấy.

Việc một ủy ban của LHQ như Ủy ban Nhân quyền cáo buộc hay phê phán chính phủ quốc gia nào đó trên thế giới vốn là chuyện bình thường và là quyền của chính ủy ban đấy, việc này không hề vi phạm Hiến chương LHQ.

Nhưng, nếu có ai đó từ bên ngoài công khai đòi chính phủ quốc gia nào đấy trên thế giới phải thay đổi luật pháp hiện hành trong khuôn khổ phạm vi quốc gia ấy thì bản chất của sự việc lại hoàn toàn khác về phương diện chính trị và pháp lý. Làm như thế sẽ chẳng khác gì can thiệp trực tiếp vào công việc nội bộ của quốc gia kia. 

Trong đời sống chính trị trên thế giới và quan hệ quốc tế, một nguyên tắc được ghi nhận trong các văn kiện chung và một cái lệ bất thành văn nhưng được công nhận chung là bên ngoài không được can thiệp vào công chuyện nội bộ của quốc gia; LHQ lại càng như thế.

Cho nên, việc Ủy ban Nhân quyền của LHQ công khai đòi Chính phủ Ireland sửa đổi luật cấm phá thai và thậm chí nếu cần thì phải sửa đổi cả Hiến pháp hiện hành để có thể sửa đổi bộ luật liên quan kia trong thực chất là hành động phá lệ nói trên.

Nhiều người ủng hộ

Mục đích của việc phá lệ là… phá luật, phá lệ chung nhằm… phá luật riêng. Về phương diện pháp lý thì hành động này không phải phép vì can thiệp vào công chuyện nội bộ của Ireland. Nhưng về phương diện chính trị và xã hội, nhân đạo và con người thì việc làm này lại có thể được nhìn nhận và đánh giá theo giác độ khác.

Tôn giáo hình thành từ cách đây rất lâu. Thế giới loài người đã thay đổi gần như hoàn toàn về mọi phương diện từ thời xưa ấy đến nay. Cho nên có rất nhiều điều từ thủa xưa coi là đúng và được chấp nhận, coi là tiêu chí và được tuân thủ mang tính tôn giáo đến nay không còn có thể thích hợp nữa trong thế giới hiện đại, nhất là những chuyện liên quan trực tiếp đến các quyền cơ bản của con người, đến sinh mệnh của con người và bình đẳng giới, đến sự bảo vệ và phát triển dành cho phụ nữ và trẻ em. 

Châu Âu vốn là nơi đạo Thiên chúa có ảnh hưởng rất lớn và từ rất lâu đời, nhưng không có quốc gia nào ở châu Âu ghi rõ và công nhận trong hiến pháp hiện hành tôn giáo nào đó là quốc giáo. Điều đó có nghĩa rằng, quá trình lập pháp ở các quốc gia châu Âu trên nguyên tắc hoàn toàn không bị lệ thuộc hay chi phối bởi tôn giáo. Chỉ có điều là trên thực tế lại không được như vậy mà luật cấm phá thai ở Ireland là một trường hợp điển hình.

Việc Ủy ban nhân quyền của LHQ phá cái lệ chung nhằm mục tiêu làm thay đổi luật riêng ở Ireland sẽ vấp phải sự phản đối từ phía chính giới ở Ireland nhưng chắc chắn cũng sẽ nhận được sự đồng tình, ủng hộ của bộ phận đông đảo dân chúng ở nước này và cả trên dư luận ở bên ngoài Ireland.

Nếu vì kết quả tốt đẹp hơn và có lợi hơn cho con người mà phải phá bỏ lệ cũng như luật thì tức là cũng đã đến lúc phải xem lại cả lệ lẫn luật này…/.