Phát biểu thảo luận tại Tổ 1 về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ (KH,CN), đổi mới sáng tạo (ĐMST) và chuyển đổi số quốc gia (CĐSQG) trong khuôn khổ chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 9 sáng 15/2, Tổng Bí thư Tô Lâm cho rằng đây là nghị quyết rất quan trọng để thực hiện hiệu quả Nghị quyết 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển KH,CN, ĐMST và CĐSQG.
Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, Nghị quyết 57 ban hành cuối năm 2024, để đi được vào cuộc sống, rất cần ban hành Nghị quyết thí điểm, khẩn trương tháo gỡ vướng mắc, khó khăn.
![]() |
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại phiên thảo luận Tổ sáng 15/2. (Ảnh: Phạm Thắng) |
“Tinh thần là vừa chạy vừa xếp hàng, hàng lối phải ngăn nắp nhưng vẫn phải chạy. Ai cũng thấy được giá trị, sự cần thiết của phát triển KH,CN, nhưng để phát triển được thì vô cùng khó khăn, vô cùng nhiều vấn đề. Sửa Luật KH,CN cũng chưa đủ thúc đẩy phát triển KH,CN. Luật Đấu thầu cũng có vấn đề, phát triển KH,CN mà đi đấu thầu thì chỉ có mua đồ rẻ vì không ai khuyến khích mua đồ đắt tiền, thế là mình thành bãi rác của KH,CN, thậm chí người ta cho mình những KH,CN lạc hậu”, Tổng Bí thư nói.
Tổng Bí thư nêu ví dụ, bây giờ thế giới phát triển đến 20G, mình lại vẫn mong muốn 5G, tụt hậu so với sự phát triển của nước khác. Những công nghệ mình chưa có nên cho là tiên tiến, nhưng so với thế giới, so với sự phát triển chung là đã lạc hậu. Theo Tổng Bí thư, phải biết đi tắt đón đầu KH,CN, còn cứ đi theo như thế thì lúc nào cũng "lũi cũi" phía sau.
Tổng Bí thư cũng cho rằng, chúng ta 'vấp' Luật Đấu thầu bởi "đấu thầu chỉ quan tâm đến chuyện tiền nong và giá rẻ, trong khi cứ quan tâm tới giá rẻ nữa thì bao giờ mình mới tiến đến 20G của thế giới, phải tìm cách thoát ra”.
![]() |
Thủ tướng Phạm Minh Chính thảo luận tại Tổ sáng 15/2. (Ảnh: M.Trang) |
Thảo luận tại Tổ 8, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, phát triển nhanh và bền vững dựa trên KH,CN, ĐMST, CĐS là yêu cầu khách quan, vì vậy, cần tập trung tháo gỡ thể chế.
Theo Thủ tướng, dự thảo Nghị quyết cần bổ sung một số cơ chế đặc biệt, chứ không phải đặc thù thì mới làm được và thật sự đổi mới.
Thứ nhất là cơ chế đặc biệt cho phát triển kết cấu hạ tầng KH,CN, ĐMST và CĐS để huy động nguồn lực này từ người dân, doanh nghiệp, xã hội để phát triển hạ tầng này.
Thứ hai là cơ chế đặc biệt cho quản lý, như lãnh đạo công - quản trị tư, đầu tư công - quản lý tư, đầu tư tư - sử dụng công trong các hoạt động KH,CN. Ví dụ đầu tư công - quản lý tư, đầu tư cho hạ tầng công nghệ của Nhà nước nhưng giao tư nhân quản lý.
Thứ ba là cơ chế đặc biệt cho các nhà khoa học, công trình khoa học… có thể thương mại hóa được. Phải phân cấp, phân quyền cho các tỉnh, TP, Bộ, ngành, thậm chí các chủ thể liên quan, xóa bỏ xin - cho, giảm thủ tục hành chính và quản lý hiệu quả tổng thể.
Thứ tư, hiện nay dự thảo Nghị quyết mới miễn trừ trách nhiệm khi xảy ra rủi ro với người soạn thảo mà chưa đề cập tới người thực hiện.
“Trong khi đó, thực hiện mới khó. Nếu không có cơ chế đặc biệt bảo vệ người thực hiện thì lại sợ trách nhiệm, để đấy, hoặc không muốn làm vì không được bảo vệ. Phải thiết kế thêm cơ chế miễn trừ trách nhiệm với cả người thực hiện chứ không phải chỉ người thiết kế chính sách thì mới toàn diện được”, Thủ tướng nói.
Thứ năm là cơ chế đặc biệt để thu hút nguồn nhân lực nhằm phát triển doanh nghiệp tư nhân về khoa học công nghệ; thu hút nhân lực từ bên ngoài để người ta về Việt Nam thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ bằng các chính sách thuế, phí, lệ phí, nhà cửa, đất đai, visa, hợp đồng lao động…
![]() |
Chủ tịch Quốc hội phát biểu tại phiên thảo luận Tổ sáng 15/2. (Ảnh: ĐBND) |
Thảo luận tại Tổ 13, Chủ tịch Quốc hội nhắc lại, khi thảo luận Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên, ông đã nói nhiều về kinh tế tư nhân, cần có cơ chế đầu tư cho kinh tế tư nhân phát triển. Đối với lĩnh vực KH,CN, theo Chủ tịch Quốc hội, hiện nay gần như là tư nhân đi đầu trong đầu tư các lĩnh vực KH,CN cho đất nước. Chẳng hạn, Giải thưởng Vinfuture đầu tư rất lớn, quy tụ các nhà khoa học hàng đầu thế giới nhằm khuyến khích, động viên các nhà khoa học trong nước, nước ngoài để có những sáng kiến, sáng tạo, sáng chế cho lĩnh vực KH,CN, ĐMST, CĐS của đất nước chúng ta phát triển.
Nghị quyết thí điểm ra đời phải triển khai ngay được những chính sách thực sự cấp bách. Muốn tăng trưởng 8% năm nay và cả giai đoạn 2026-2030 tăng trưởng hai con số phải lấy KH,CN, ĐMST, CĐS làm nền tảng quan trọng. Vì vậy, chúng ta cần phải có những chính sách hết sức chi tiết, cụ thể để hướng dẫn cho Bộ, ngành, địa phương.
Chủ tịch Quốc hội yêu cầu, dự thảo Nghị quyết cần nêu rõ hơn về đối tượng áp dụng, thể hiện rõ hơn về cơ chế, chính sách đối với lĩnh vực ĐMST, CĐS quốc gia, đúng yêu cầu của Nghị quyết 57. Bên cạnh đó, cũng cần tách bạch đầu tư kinh phí của Nhà nước cho đơn vị công lập và cơ chế đầu tư cho tư nhân trong lĩnh vực KH,CN. Đặc biệt, vấn đề thời sự "nóng" hiện nay là CĐS quốc gia mà chúng ta thường xuyên nhắc đến số hóa, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn… cần được quy định rõ ràng hơn trong dự thảo Nghị quyết.