Trong đó bao gồm Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) Việt Nam - EU là một trong những nội dung của thông cáo chung do Bộ LĐTB&XH, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng đưa ra tại Diễn đàn Quan hệ lao động Việt Nam lần thứ nhất, đồng tổ chức với Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) vào ngày 19/4 tại Hà Nội.
Trong số 16 FTA Việt Nam tham gia, TPP là thỏa thuận thương mại tự do đầu tiên bao gồm các điều khoản về lao động. TPP không tạo ra bất kỳ tiêu chuẩn lao động quốc tế mới nào, nhưng cũng như FTA Việt Nam - EU đòi hỏi Việt Nam thông qua và duy trì trong luật pháp, quy định và thực hành những quyền được nêu trong Tuyên bố 1998 của ILO, bao gồm tự do liên kết, quyền tổ chức và thương lượng tập thể, xóa bỏ lao động cưỡng bức, lao động trẻ em và phân biệt đối xử tại nơi làm việc.
“Việt Nam sẽ phải thực hiện một cuộc cải cách quan trọng, đặc biệt là hệ thống quan hệ lao động, nếu Việt Nam muốn đủ điều kiện để hưởng lợi về kinh tế từ TPP”, TS Chang-Hee Lee, Giám đốc ILO Việt Nam cho biết.
Theo TS Lee, đó là một “con đường khó khăn nhưng có thể thực hiện” đối với Việt Nam, bởi đất nước đã bắt đầu có những sáng kiến và chương trình thí điểm quan trọng do ILO hỗ trợ theo hướng đi này.