Kết quả xếp hạng chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2012 vừa qua đánh dấu sự vươn lên mạnh mẽ của các tỉnh trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Đáng chú ý hơn cả là tỉnh Đồng Tháp lần đầu tiên đứng thứ nhất bảng xếp hạng PCI. Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Lê Minh Hoan chia sẻ kinh nghiệm thành công của tỉnh và của các địa phương cùng khu vực trong việc duy trì cảm nhận tốt từ phía cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư.
- Trong nhiều năm qua, lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp luôn mong chờ sự kiện công bố PCI như là một trong những dịp tốt để “soi” lại mình, đánh giá thành quả của một năm nỗ lực điều hành, cải cách nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế dưới quan điểm của cộng đồng doanh nghiệp (DN).
Chúng tôi tin rằng đây là một trong những kênh thông tin khách quan, phản ánh những đòi hỏi, trăn trở cũng như sự hưởng ứng, cổ vũ của cộng đồng DN đối với sự vận hành của bộ máy chính quyền. Có thể khẳng định rằng, thông qua PCI, các doanh nghiệp đã có đóng góp không nhỏ vào xu hướng cải thiện chất lượng điều hành kinh tế và phát triển DN của tỉnh nhà.
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Lê Minh Hoan |
“Tôi nắm được hầu hết các DN trong tỉnh”
- Trong điều kiện khó khăn, tăng trưởng kinh tế tại các địa phương không được như ý muốn. Đồng Tháp đã làm như thế nào để giành được sự đánh giá cao của cộng đồng DN?
- Với kết quả tăng trưởng GDP đạt 9,76%, chúng tôi cho rằng đó là kết quả đáng khích lệ trong bối cảnh khó khăn chung của đất nước. Bên cạnh một số DN giải thể thì có rất nhiều DN vẫn kiên trì có kế hoạch chiến lược để phát triển thời gian tới.
Nhiều dự án đã khởi công hoặc khánh thành đi vào hoạt động trong năm khó khăn vừa qua. Từ nay đến tháng 6 chúng tôi sẽ có thêm nhiều dự án nữa, trong đó có những dự án công nghệ cao, sẽ mang lại diện mạo mới cho tỉnh.
Đồng Tháp không hô khẩu hiệu hỗ trợ chung chung mà phân chia nhóm thành những DN mạnh, trung bình, yếu, tìm ra điểm nghẽn của từng DN để tiếp cận. Tôi có thể tự tin nói rằng mình nắm được hầu hết các DN trong tỉnh, kể cả cá tính của từng chủ DN, những ai có tham vọng, những ai tự bằng lòng… bởi một DN làm ăn tốt hay không tốt đều ảnh hưởng đến bộ mặt của địa phương, ít nhiều tác động tới suy nghĩ của bên ngoài đối với tỉnh.
Trên cơ sở này, chúng tôi nghiên cứu từng trường hợp cụ thể, có buổi làm việc riêng với từng DN để có giải pháp ngăn ngừa, ngăn chặn nếu DN gặp khó khăn. Nói chung mức độ tiếp cận của lãnh đạo tỉnh hết sức là chia sẻ, khơi gợi và thân thiện, tránh những chính sách chung chung không đáp ứng được nhu cầu của từng nhóm DN.
Trước kia chúng tôi tổ chức định kỳ đối thoại với DN, giờ vẫn làm nhưng thấy rằng mời DN đến thì rất chung chung, thậm chí có những DN mâu thuẫn, xung đột với nhau hay sự có mặt của các ban, ngành, đoàn thể có thể khiến DN không chia sẻ hết, không đụng chạm đến ông thuế, ông nhà đất… Vậy nên khi lãnh đạo tỉnh tiếp xúc trực tiếp với DN, hai bên khơi gợi nhau, tôi đưa vấn đề anh trả lời, anh đưa vấn đề tôi trả lời. Tôi cảm thấy cách làm như vậy mỗi lúc thêm hiệu quả. Ngoài ra, chúng tôi còn có chính sách đặc biệt với DN là có thể trao đổi qua điện thoại.
Chủ trương xuyên suốt là “đồng hành với DN”
- Trong các tiêu chí của chỉ số PCI, Đồng Tháp quan tâm đến tiêu chí nào để nâng cao năng lực cạnh tranh của mình, thưa ông?
- Hàng năm, chúng tôi cùng với cộng đồng DN đều ngồi lại phân tích từng chỉ số thành phần, cùng đưa ra những thay đổi nhằm hoàn thiện trước hết là cho DN, cho nền kinh tế của tỉnh và cho việc hoàn thiện bộ máy công quyền của tỉnh. Theo đó, Đồng Tháp quan tâm đến công tác cải cách hành chính, cải thiện hình ảnh địa phương nhằm kêu gọi đầu tư, tìm kiếm nguồn lực từ bên trong và bên ngoài.
Với chủ trương xuyên suốt là “đồng hành với DN”, chúng tôi quan niệm rằng nhà đầu tư đến với Đồng Tháp không chỉ mang đến nguồn vốn góp phần tăng trưởng kinh tế, tạo ra công ăn việc làm, ủng hộ an sinh xã hội mà hơn nữa, chính tư duy nhạy bén về kinh tế, kiến thức, thông tin về thị trường do nhà đầu tư mang đến mới là giá trị lớn nhất cho chúng tôi.
Cảm nhận được điều ấy, chúng tôi luôn sẵn sàng tiếp cận, lắng nghe, chia sẻ với tinh thần cầu thị nhất đối với các nhà đầu tư, các chuyên gia tư vấn. Những gì Đồng Tháp có được ngày hôm nay là nhờ có sự đóng góp rất lớn của cộng đồng DN. Những cải cách thủ tục hành chính, cải thiện lề lối làm việc liên tục giúp cho chỉ số năng lực cạnh tranh nằm trong tốp đầu chính là từ sự góp ý, tư vấn của cộng đồng DN, của các cơ quan truyền thông.
Tuy nhiên, chúng tôi vẫn chưa hoàn toàn hài lòng về những gì mình đã làm. Chúng tôi cam kết sẽ tiếp tục có những điều chỉnh, thay đổi trong thời gian tới nhằm tạo ra môi trường kinh doanh tốt nhất cho các nhà đầu tư.
- Xin ông cho biết, những điều chỉnh, thay đổi đó là gì?
- Qua những đánh giá chân thực của cộng đồng DN về năng lực điều hành của địa phương, chúng tôi sẽ tiến hành nghiên cứu, mổ xẻ, nhìn nhận các mặt yếu để tập trung khắc phục, nắm bắt những gợi ý về cách thức điều hành kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh từ kết quả điều tra vừa mang đến, đề ra những phương án mới để tiếp tục nỗ lực trên chặng đường dài nhằm thúc đẩy đầu tư, tạo thêm nhiều việc làm, phát triển kinh tế - xã hội.
“Tối ưu hóa” các tiện ích để phục vụ doanh nghiệp là mục tiêu chúng tôi luôn xác định và đeo đuổi liên tục trong thời gian tới. Chúng tôi mong rằng cộng đồng DN sẽ luôn sát cánh cùng chính quyền trên tinh thần hợp tác, gắn bó, cùng đồng hành vì một quê hương Đồng Tháp – Sen Hồng ngày càng phát triển, giàu đẹp và thịnh vượng.
Hợp tác để phát triển bền vững và nâng cao sức cạnh tranh
- Ông đánh giá thế nào về tác động của chỉ số PCI đến tỉnh nhà và các địa phương khác?
- Không riêng Đồng Tháp, tôi cũng được biết, ngay sau mỗi dịp Chỉ số năng lực cạnh tranh được công bố, nhiều cuộc hội thảo cấp tỉnh, cấp vùng đã được mở ra, những đánh giá của cộng đồng DN thông qua 9 tiêu chí thành phần, được phân tích cặn kẽ, nhằm tìm ra nguyên nhân yếu kém cho từng địa phương. Thông qua các phân tích ấy, các địa phương xây dựng hẳn một kế hoạch cụ thể nhằm cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của mình.
Bằng việc góp phần nâng cao sức cạnh tranh chung của mỗi địa phương, đi theo đó là hàng loạt sự cải thiện về thủ tục hành chính, sự minh bạch trong hệ thống chính quyền, đào tạo lao động, sự năng động lãnh đạo chính quyền, tiện ích hỗ trợ DN…
Có thể nói hiệu ứng từ hệ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh là hết sức tích cực, vượt ra khỏi giới hạn của lĩnh vực kinh tế, góp phần vào sự tiến bộ chung của xã hội, vượt khỏi cấp tỉnh và tác động đến chính sách của Trung ương.
- PCI năm 2012 cũng ghi nhận sự nỗ lực nói chung của các tỉnh trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Các tỉnh đã có “bí quyết” gì vậy, thưa ông?
- Tôi cho rằng ngày nay, sự cạnh tranh không còn ở cấp địa phương, mà là cấp vùng, cấp quốc gia và cạnh tranh không còn theo tư duy “kẻ thắng, người thua” mà là “win - win” – cả đôi bên đều thắng. Hay nói cách khác, ngày nay sự cạnh tranh dựa vào sự hợp tác, liên kết giữa các địa phương nhằm bổ khuyết cho nhau những hạn chế, yếu kém và tiết kiệm nguồn lực, nỗ lực phát huy sức mạnh nội tại của mình, làm cho môi trường kinh doanh chung của quốc gia từng bước được nâng lên.
Ý thức được điều đó, các địa phương trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long đều tăng cường liên kết trong các hoạt động kinh tế - xã hội mà điển hình nhất là “Diễn đàn hợp tác kinh tế” (MDEC) được Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ phối hợp với các địa phương luân phiên tổ chức. Trong sự kiện này, các tỉnh trong khu vực lại cùng nhau giới thiệu tiềm năng và cơ hội hợp tác đầu tư của mình và đã đạt được một số kết quả nhất định.
Do vậy, trong thời gian tới, tôi mong rằng giữa các địa phương chúng ta, giữa các doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp và nông dân sẽ có nhiều mô hình liên kết hợp tác hơn nữa để cùng phát triển bền vững, nâng cao sức cạnh tranh để bước ra thế giới bên ngoài. Đây cũng là phương pháp phát huy hơn nữa hiệu quả của những nỗ lực nâng cao năng lực cạnh tranh của mỗi chúng ta.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Hoàng Thư (thực hiện)