ĐBQH Trần Văn Minh (Quảng Ninh) cho rằng việc quy định một số nguyên tắc về đấu giá nợ xấu và tài sản đảm bảo của khoản nợ xấu được thực hiện theo một trình tự, thủ tục phù hợp với tình hình thực tiễn xử lý nợ xấu nhưng vẫn tuân thủ các nguyên tắc quy định của Luật Đấu giá tài sản một cách công khai, minh bạch và chịu sự kiểm soát của cơ quan quản lý có thẩm quyền sẽ tạo được một hành lang pháp lý đủ mạnh, góp phần giúp cho việc xử lý nợ xấu cũng như xử lý tài sản đảm bảo của khoản nợ xấu được nhanh chóng, hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, ĐB Minh đề nghị lưu ý sự thống nhất của các điều khoản luật cũng như kỹ thuật văn bản. Đồng tình với ĐB Minh, ĐB Vương Ngọc Hà (Hà Giang) đề xuất thêm “cần bổ sung thêm hình thức đó là hành nghề tại các tổ chức nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu”. ĐB Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cũng đồng ý với tờ trình về ý kiến đưa tổ chức VAMC là tổ chức mà có thể sử dụng nhiều hình thức để thực hiện chuyển đổi nợ xấu, tuy nhiên ĐB không đồng tình việc giao cho VAMC là một tổ chức thực hiện việc đấu giá tài sản giống như các tổ chức khác khi bán nợ xấu, bởi lẽ nếu giao cho VMC cơ quan vừa quản lý tài sản nợ xấu, vừa bán nợ xấu sẽ tạo ra sự không bình đẳng.
Để đảm bảo hoạt động đấu giá thực sự công khai, minh bạch, tính chịu trách nhiệm cao, ĐB Nguyễn Thanh Xuân (TP Cần Thơ) đề nghị phải có chế tài chặt chẽ để ngăn chặn tình trạng “quân xanh, quân đỏ” hay tay trong, nhằm hạn chế mức độ thiệt hại trong thất thoát ngân sách nhà nước. Đồng thời, xác định rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến tính hợp pháp của tài sản đưa ra đấu giá. Xử lý trách nhiệm những trường hợp tham gia đấu giá có hành vi vi phạm, người trúng đấu giá không nhận được tài sản.
Còn ĐB Phạm Văn Tuân (Thái Bình) thì đề nghị quy định chặt chẽ các hành vi bị nghiêm cấm trong đấu giá để hạn chế tình trạng các tổ chức cá nhân cùng thông đồng hợp lý hồ sơ và tập trung một số đơn vị hoặc một người trúng đấu giá gây thất thoát tài sản của Nhà nước, tổ chức cá nhân.