Phải có video “làm chứng” mới được công nhận xã đảo

(PLO) - Muốn được công nhận xã đảo, các địa phương này phải có video Clip "làm chứng". Câu chuyện tưởng như đùa này đã được vị đại diện  cử tri tỉnh Kiên Giang báo cáo trước QH. 
ĐB Nguyễn Thị Kim Bé
ĐB Nguyễn Thị Kim Bé
Đảng, Chính phủ đã có nhiều cố gắng để giảm bớt các thủ tục hành chính phiền hà cho người dân. Tuy nhiên, ở nhiều nơi, nhiều lĩnh vực, người dân khó tiếp cận được các chính sách của Đảng, Nhà nước, bởi sự rườm rà, nhiêu khê của thủ tục hành chính..
Trong phiên họp QH sáng 3/11, ĐB Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) đã kể lại một câu chuyện có thật ở tỉnh bà. Bà cho biết, tỉnh Kiên Giang có 17 xã đảo, nhưng vì lúc thành lập, chỉ ghi là “xã”, không ghi là “xã đảo”. Do vậy, khi Nhà nước có chế độ ưu tiên đối với người dân các xã đảo, muốn được hưởng chế độ chính sách ưu tiên của xã đảo, phải làm lại hồ sơ. Trong hồ sơ đó, mỗi xã phải có một video clip 15 phút để chứng minh xã mình là “xã đảo”
Tỉnh Kiên Giang đã phải bỏ ra gần 1,5 tỉ đồng để làm 17 DVD phim về các xã đảo.
“Nhìn vào bản đồ, có thể thấy đâu là đảo, đâu là đất liền. Việt Nam cũng đã có đã có vệ tinh rồi, muốn biết có phải là xã đảo hay không thì nhìn vào ảnh chụp vệ tinh là biết. Huống chi đó là vùng đất hiển hiện trên thực tế, người dân sinh sống ở đây đã lâu, ai cũng biết. Hội đồng xét duyệt công nhận xã đảo của Bộ Nội Vụ phải xem hết các thước phim rồi mới công nhận thì có cần thiết không?”, ĐB Nguyễn Thị Kim Bé phát biểu. 
Bà cho rằng nếu biết tiết kiệm thì hãy đem tiền làm phim đó đi xây nhà cho người nghèo, mua tập vở, đồng dùng học tập cho trẻ em thì thiết thực hơn!
17 DVD này đã được gửi ra Bộ Nội Vụ để thẩm định và trình lên Chính phủ để công nhận là xã đảo. Tuy nhiên, đến nay, gần một năm sau khi làm phim, 17 xã ở Kiên Giang vẫn chưa được công nhận là xã đảo.
“Giờ phim thì đã làm rồi, tiền thì đã chi rồi. Đề nghị giải quyết sớm” – thay mặt cử tri của những xã đảo đang chờ được hưởng chế độ ưu đãi của nhà nước, bà kiến nghị.
Bà Bé cũng cho biết thêm, khi chưa được công nhận huyện đảo, xã đảo, quyền lợi về bảo hiểm y tế và chính sách khám chữa bệnh miễn phí của 125.000 cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ở đây  bị ảnh hưởng. Ngoài ra, ảnh hưởng tới các chính sách ưu đãi khác của Chính phủ dành cho xã đảo. 
“Đề nghị cần bỏ thủ tục hành chính rườm rà để người dân yên tâm làm việc cống hiến” bà Bé nói. 

Đọc thêm