Đây là ngày dành để ghi nhận và tôn vinh những đóng góp và thành tựu của phụ nữ trong lĩnh vực Ngoại giao, nhấn mạnh vai trò quan trọng của phụ nữ trong việc định hình các mối quan hệ quốc tế, thúc đẩy hòa bình và hợp tác toàn cầu, theo Nghị quyết của Khóa họp thứ 76 Đại hội đồng LHQ được thông qua ngày 20/06/2022.
Tham gia hưởng ứng kỷ niệm Ngày quốc tế Phụ nữ trong Ngoại giao 24/6/2023, Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai và nữ cán bộ Phái đoàn đã có buổi chụp ảnh kỷ niệm cùng các nữ Đại sứ và cán bộ ngoại giao nữ các Phái đoàn của các nước tại Geneva trước hàng cờ các quốc gia thành viên tại trụ sở LHQ tại Geneva.
Đây cũng là dịp để các nhà ngoại giao nữ tại Geneva tăng cường kết nối mạng lưới, hợp tác thúc đẩy sự tham gia và vai trò của phụ nữ trong Ngoại giao tại Geneva.
Tại Geneva, bình đẳng giới nói chung, bình đẳng giữa nam và nữ nói riêng, chống phân biệt đối xử đối với phụ nữ và trẻ em gái, trao quyền cho phụ nữ trên các lĩnh vực, vì sự tiến bộ chung và phát triển bền vững trên toàn cầu, là vấn đề xuyên suốt được thúc đẩy tại hàng loạt các tổ chức quốc tế, như Hội đồng nhân quyền LHQ, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Tổ chức Lao động thế giới (ILO), Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Hội nghị LHQ về thương mại và phát triển (UNCTAD), Trung tâm thương mại thế giới (ITC), Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), Tổ chức di cư quốc tế (IOM), Văn phòng Cao ủy LHQ về người tỵ nạn (UNHCR), Hội nghị Giải trừ quân bị (CD)…
Với sự quan tâm, chỉ đạo của Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai, Trưởng Phái đoàn tại Geneva nhiệm kỳ 2020-2023 (cũng là nữ Đại sứ,Trưởng Phái đoàn đầu tiên của Việt Nam bên cạnh LHQ, Tổ chức Thương mại thế giới và các Tổ chức quốc tế khác tại Geneva), tập thể cán bộ, nhân viên Phái đoàn đã tích cực triển khai chủ trương của Đảng và Nhà nước ta thúc đẩy và bảo vệ bình đẳng giới nhằm đảm bảo công bằng xã hội và tính bao trùm của phát triển bền vững; đồng thời lồng ghép trong mọi công tác của Phái đoàn, với trọng tâm triển khai Chỉ thị 25 của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương.
Theo đó, Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai cùng các cán bộ Phái đoàn luôn tích cực thúc đẩy vấn đề bình đẳng giới, lồng ghép với các vấn đề chuyên môn trong thảo luận tại các tổ chức quốc tế, diễn đàn đa phương tại Geneva, Thụy Sỹ; đề cao chủ trương, chính sách, pháp luật và thực tiễn của Việt Nam trong thúc đẩy bình đẳng giới cũng như vai trò của hợp tác quốc tế trong thúc đẩy bình đẳng giới trong việc định hình chính sách đối ngoại, giải quyết xung đột và xây dựng cầu nối giữa các quốc gia, với các chủ đề như thúc đẩy các quyền của phụ nữ và trẻ em gái, quyền sức khỏe của phụ nữ, chống quấy rối và xâm hại phụ nữ và trẻ em gái, trao quyền năng cho phụ nữ trên các lĩnh vực, bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái trong môi trường số, chống phân biệt đối xử đối với phụ nữ, chống bạo lực và quấy rối phụ nữ tại nơi làm việc, phụ nữ trong thương mại, phụ nữ và sở hữu trí tuệ…
|
Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Geneva và các cán bộ nữ Phái đoàn cùng nhiều nữ Đại sứ và cán bộ ngoại giao nữ các nước tại Geneva đứng trước hàng cờ các quốc gia thành viên LHQ tại trụ sở LHQ tại Geneva. Ảnh: Trương Anh Tuấn, PV TTXVN tại Geneva. |
Đồng thời, Phái đoàn đã tích cực huy động sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế cho việc thực hiện mục tiêu bình đẳng giới ở Việt Nam như kết nối dự án hỗ trợ của ITC cho các doanh nghiệp nữ Việt Nam trong khuôn khổ chương trình SheTrades, hỗ trợ của WIPO dành cho nhà khoa học nữ và doanh nghiệp nữ sử dụng sở hữu trí tuệ để thúc đẩy đổi mới sáng tạo…
Tại Hội đồng nhân quyền, thúc đẩy bình đẳng giới, các quyền phụ nữ và trẻ em gái cũng là một trong những trọng tâm mà Phái đoàn Việt Nam liên tục thúc đẩy, cũng là một trọng tâm của Việt Nam trong việc đảm nhiệm cương vị thành viên Hội đồng nhân quyền nhiệm kỳ 2023-2025.
Trong dịp Khóa họp lần thứ 53 Hội đồng nhân quyền đang diễn ra từ ngày 19/6-14/7/2023, Phái đoàn Việt Nam tích cực tham gia thảo luận về thúc đẩy các quyền của phụ nữ và sẽ chủ trì, phối hợp với một số đối tác tiến hành tổ chức thảo luận chuyên đề về chống bạo lực, phân biệt đối xử và quấy rối trên cơ sở giới tính tại nơi làm việc.
Tại Geneva, hiện nay, số nữ Đại sứ các nước có xu hướng tăng. Lãnh đạo nữ tại các TCQT gần đây cũng gia tăng, trong đó nữ giới lần đầu tiên được bầu cử đảm nhiệm vị trí đứng đầu nhiều tổ chức quốc tế như Tổng Giám đốc Văn phòng LHQ tại Geneva Tatiana Valovaya (2019-nay), Tổng Giám đốc WTO Ngozi Okonjo-Iweala (2021-nay), Tổng Thư ký UNCTAD Rebeca Grynspan (2021-nay), Tổng thư ký ITU Doreen Bogdan-Martin (01/2023 đến nay), Tổng Giám đốc đắc cử IOM Amy Pope (thắng cử tháng 05/2023, nhậm chức tháng 10/2023).
Trong khi đó, nữ Giám đốc điều hành ITC Pamela Coke-Hamilton (2020-nay) đã lãnh đạo cơ quan này đối mặt với những thách thức kinh tế và thương mại do đại dịch Covid-19 và sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, đồng thời tích cực thúc đẩy việc trao quyền kinh tế cho phụ nữ, nữ khởi nghiệp qua các chương trình và sáng kiến như SheTrades và nền tảng Trao quyền cho phụ nữ thông qua xuất khẩu (WeXport) để giải quyết những bất lợi mà các công ty do phụ nữ làm chủ gặp phải khi tiếp cận thị trường.
Tại Phái đoàn Việt Nam tại Geneva, mặc dù tỷ lệ nữ giới không cao, số nữ cán bộ ngoại giao đang gia tăng, hiện nay là gần 39%, chiếm 7/18 cán bộ ngoại giao (trong đó có các cán bộ biệt phái từ các Bộ liên quan), các cán bộ, nhân viên nữ của Phái đoàn (gồm 8/22 tổng số cán bộ, nhân viên) luôn chủ động, tích cực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, nâng cao hình ảnh, uy tín của cán bộ ngoại giao của Việt Nam tại các tổ chức, diễn đàn đa phương tại Geneva, đồng thời góp phần xây dựng Cơ quan và chăm lo cho gia đình.
Sự nỗ lực, đóng góp của các nữ cán bộ ngoại giao, các phu nhân, các cháu gái trong các gia đình Phái đoàn và Cơ quan thường trú TTXVN tại Geneva, qua đó góp phần quan trọng vào thành tích của Phái đoàn, cũng như những thành tựu chung về đối ngoại của đất nước trong những năm qua.
Để cán bộ, nhân viên nữ của Phái đoàn có thể hoàn thành sứ mạng “giỏi việc nước, đảm việc nhà” không thể không kể đến sự quan tâm, đồng hành và hợp tác tích cực của các cán bộ, nhân viên nam trong việc thực hiện bình đẳng giới tại Cơ quan và gia đình.
Hoạt động của Phái đoàn tại Geneva tham gia kỷ niệm Ngày quốc tế Phụ nữ trong Ngoại giao mang ý nghĩa cao đẹp và là kỷ niệm đẹp đối với các nữ cán bộ, nhân viên làm công tác đối ngoại của Phái đoàn, đồng thời góp phần vào nỗ lực chung của Đoàn ngoại giao tại Geneva và cộng đồng quốc tế nhằm thúc đẩy bình đẳng nam nữ trong các thể chế ngoại giao, đồng thời nâng cao hiệu quả và tính đại diện của các nỗ lực ngoại giao trên toàn cầu.
Khóa họp thứ 76 Đại hội đồng Liên hợp quốc đã nhất trí chọn ngày 24/6 hàng năm là Ngày quốc tế Phụ nữ trong Ngoại giao, theo Nghị quyết số A/RES/76/269 ngày 20/06/2022.
Việc tổ chức các hoạt động kỷ niệm ngày này là cơ hội để nâng cao nhận thức về những thách thức và rào cản mà phụ nữ phải đối mặt trong lĩnh vực ngoại giao và vận động cho bình đẳng giới và trao quyền trong giới ngoại giao, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường đại diện của phụ nữ trong các vị trí ra quyết định, bao gồm đàm phán ngoại giao, tiến trình hòa bình và các tổ chức quốc tế.
Theo báo cáo nghiên cứu của LHQ, từ năm 1992 đến 2019, phụ nữ đại diện cho 13% các nhà đàm phán, 6% các nhà hòa giải và 6% các bên ký kết trong các tiến trình hòa bình trên toàn thế giới. Bình đẳng giới và trao quyền cho tất cả phụ nữ và trẻ em gái sẽ đóng góp quan trọng vào tiến trình đạt được tất cả các Mục tiêu và chỉ tiêu Phát triển Bền vững (SDGs). Việc lồng ghép có hệ thống quan điểm giới trong việc thực hiện Chương trình nghị sự 2030 là rất quan trọng, đặc biệt là khi SDG 5 kêu gọi sự tham gia bình đẳng của phụ nữ trong quá trình ra quyết định./.