Phải dùng hệ điều hành khác cho tăng trưởng

(PLO) - Theo TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế TW (CTEM) bấy lâu nay mô hình tăng trưởng của Việt Nam dựa chủ yếu vào gia tăng số lượng vốn, lao động, khai thác tài nguyên thiên nhiên mà không chú ý đến năng suất, hiệu quả. Theo ông, đã đến lúc phải dùng hệ điều hành khác cho tăng trưởng.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, cần tái cơ cấu bộ máy để thêm % tăng trưởng. (Ảnh minh họa)
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, cần tái cơ cấu bộ máy để thêm % tăng trưởng. (Ảnh minh họa)

Bức tranh kinh tế: Khởi sắc nhưng vẫn chưa tương xứng

Tổng thể kinh tế Việt Nam trong Báo cáo Kinh tế vĩ mô quý III/2016 của CIEM công bố ngày hôm qua, 28/10, cho thấy những chuyển biến tốt hơn so với 6 tháng đầu năm.

Quý III chứng kiến tốc độ tăng trưởng kinh tế ít nhiều phục hồi, lạm phát và mặt bằng lãi suất trong tầm kiểm soát, tăng trưởng xuất khẩu ở mức cao so với hầu hết các nước trong khu vực… Khu vực công nghiệp - xây dựng tiếp tục là động lực tăng trưởng cho nền kinh tế, tăng 8,1% trong quý III/2016. Khu vực nông - lâm nghiệp và thủy sản còn khó khăn, cho dù đã có dấu hiệu tăng trở lại. Giá trị gia tăng của khu vực nong lâm thủy sản tăng 1,48% trong quý III/2016. Giá trị gia tăng của dịch vụ tăng 7,03%, mức tăng cao nhất kể từ 2011 trở lại đây.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tiếp tục đà tăng nhanh trong quý III. CPI tổng thể tăng 2,07% trong 9 tháng đầu năm. Lạm phát cơ bản 9 tháng đầu năm vẫn ổn định ở mức 1,81% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch xuất khẩu đạt 46,4 tỷ USD quý III (tăng 9,2%) và 124,9 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm (tăng 6,6%)’ Nhập khẩu trong quý III đạt 44,4 tỷ USD, tăng 3,5%, tính chung 9 tháng đầu năm 2016, nhập khẩu đạt 124,8 tỷ USD, tăng 0,9%. Đặc biệt, số DN đăng ký thành lập mới trong quý III và 9 tháng đầu năm tăng tương ứng là 15,77% và 19,2%...

Theo phân tích của CIEM, những chuyển biến trên có thể là do: hiệu quả từ nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh thông qua các giải pháp chỉ đạo, điều hành của Chính phủ; và  niềm tin thị trường, niềm tin của cộng đồng DN ngày một gia tăng. Các DN trong phân ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tương đối lạc quan về tình hình sản xuất trong quý III cũng như dự báo cho quý IV.

Tuy nhiên, theo CIEM, những nỗ lực cải cách vi mô có phần chưa tương xứng với kỳ vọng, nhất là các phương diện như cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi hóa thương mại, tái cơ cấu DNNN...

“Khả năng đạt được mục tiêu tăng trưởng  6,7% hầu như không khả thi. Ngay cả mục tiêu tăng trưởng 6,3- 6,5% cho cả năm cũng đòi hỏi phải có nhiều nỗ lực chính sách trong quý IV…”- Báo cáo của CIEM nhận định. Cơ quan này cũng dự báo tăng trưởng kinh tế quý IV năm 2016 ước đạt 7,19%, tính chung cả năm 2016, tăng trưởng kinh tế dự báo đạt 6,33%.

Vẫn còn “cửa” cho tăng trưởng?

Phân tích mô hình tăng trưởng, TS Nguyễn Đinh Cung, Viện trưởng CIEM cho rằng mô hình bấy lâu nay của Việt Nam chủ yếu dựa vào gia tăng số lượng vốn, lao động, khai thác tài nguyên thiên nhiên, không chú ý đến vấn đề lâu dài, đến năng suất và hiệu quả. Từ cách thức đó dẫn đến điều hành là sử dụng công cụ vĩ mô để thúc đẩy tăng trưởng, đó là tăng huy động tăng đầu tư, từ đó mở rộng chính sách tài khóa, sử dụng hàng loạt các “gói” hỗ trợ, dẫn đến tăng thu, tăng chi; Thu không đủ chi thì đi vay (trong nước và ngoài nước, vay ngắn hạn và dài hạn) , dẫn đến bội chi ngân sách tăng, nợ công tăng, hệ lụy là bất ổn kinh tế vĩ mô…

“Những cách thức điều hành đó luôn luôn ngắn hạn mà quên đi những cách điều  hành khác thị trường hơn…”- TS Cung phân tích. Ông nhấn mạnh mô hình tăng trưởng không chỉ là số lượng mà cách thức tư duy cuả Chính phủ. “Đã dến lúc phải dùng hệ điều hành khác cho tăng trưởng!”- Viện trưởng CIEM đề nghị.

Theo ông, Chính phủ chỉ cần tập trung vào tăng 2 việc: Thắt chặt chi tiêu ngân sách và cổ phần hóa DNNN là tăng trưởng có thể tăng thêm 0,5 điểm phần trăm. “Đây là sự phân bố lại nguồn lực bằng thị trường và cơ chế thị trường  trên nguyên tắc ở đâu có hiệu quả thì phân bổ vào đó, bởi nguồn lực không phải là vô hạn..”-  Viện trưởng CIEM phân tích. Ông cũng lưu ý, công tác CPH DNNN phải thực chất và quy mô lớn, số tiền thu được sẽ là nguồn lực cho đầu tư cơ sở hạ tầng…

Đồng tình với quan điểm này, chuyên gia kinh tế, bà Phạm Chi Lan cho rằng không phải tăng trưởng lấy phần trăm mà tăng như thế nào để hiệu quả cao hơn. Bà dẫn chứng : Mặc dù khu vực công nghiệp vẫn là động lực cho tăng trưởng nhưng sao không đề cập đến xu hướng tăng trưởng xanh?

Nhắc đến dự án thép của Tôn Hoa Sen, Hòa Phát và 14 dự án điện than, chuyên gia này đề nghị Chính phủ cần phải cân nhắc đến xu hướng phát triển công nghiệp xanh. Về nông nghiệp, bà Lan cho rằng khó khăn của nông nghiệp không còn là khó khăn bình thường nữa mà ngành nông nghiệp đang bị dồn đến chân tường, song đây cũng là cơ hội để ngành này tái cơ cấu mạnh mẽ hơn.

Phân tích nguyên nhân tăng trưởng tín dụng đạt thấp khi chỉ tăng 3,31% trong quý III, vị chuyên gia này đặt vấn đề: Có phải các khu vực kinh tế không có khả năng hấp thụ vốn? Theo bà, hệ thống ngân hàng đang chạy theo bất động sản, trái phiếu Chính phủ mà chưa có định hướng đưa đồng vốn vào nơi DN cần vốn.

Đặc biệt, vị chuyên gia này nhấn mạnh đến kỷ luật ngân sách. “Địa phương đói thì đói vẫn chi tiền làm tượng đài nghìn tỷ. Nợ công nói nhiều nhưng đã truy vấn ai, cơ quan, cá nhân nào chiụ trách nhiệm?…” - bà Lan đặt vấn đề.

Trên tất cả những vấn đề cần tái cơ cấu để có thêm phần trăm tăng trưởng, nhiều chuyên gia đồng tình cho rằng cái cần tái cơ cấu nhất hiện nay chính là tái cơ cấu về bộ máy. “Thủ tướng nói Chính phủ phải là Chính phủ kiến tạo, hỗ trợ DN nhưng vẫn bộ máy như vậy, vẫn chức năng nhiệm vụ như vậy thì làm sao chuyển đổi được?”- TS Lê Đình Ân, nguyên Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo KT-XH băn khoăn.

Đọc thêm