Phát biểu khi thảo luận tại tổ về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước, sáng nay, 24/10, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng, phải có những biện pháp mạnh hơn nữa về giảm số lượng các hội thảo.
“Phải rà lại xem hiệu quả của hội thảo so với đồng tiền bỏ ra có tương xứng không, hội thảo rút ra điều gì để áp dụng trong phát triển của đất, địa phương, bộ ngành… Chính phủ phải chỉ đạo quyết liệt và QH phải giám sát để không lãng phí ngân sách vì thường các hội thảo lấy tiền từ ngân sách, thuê các địa điểm sang như khách sạn 5 sao hay các địa điểm có giá trị du lịch”, ĐB Quyết Tâm đề xuất.
Cũng tại phiên thảo luận, ĐB Trần Hoàng Ngân (đoàn TP. Hồ Chí Minh) cho hay, trước đây chúng ta lo ngại năm 2017 khó đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7% nhưng báo cáo lần này của Chính phủ cho biết năm nay chúng ta dự kiến có thể hoàn thành các chỉ tiêu mà QH đã thông qua. “Đây là lần đầu tiên kể từ nhiều năm qua chúng ta cùng lúc hoàn thành được các chỉ tiêu QH thông qua, trong có 5 chỉ tiêu vượt kế hoạch và 8 chỉ tiêu đạt. Đó là sự nỗ lực, quyết tâm của Chính phủ và cả hệ thống chính trị, cả lãnh đạo của chính quyền các địa phương”, ĐB Ngân nhận định.
ĐB này cũng bày tỏ vui mừng trước thông tin năm nay chúng ta có thể kiểm soát lạm phát 4%, kiểm soát bội chi ngân sách, nợ công, ổn định kinh tế vĩ mô lãi suất kéo giảm được, tỉ giá ổn định nhất trong thời gian qua nhờ cán can thương mại, vãng lai. Bội chi ngân sách, theo ĐB, nếu làm được như tính toán của Bộ Tài chính là giảm được 4.000 tỉ, từ 17.300 tỉ xuống còn 14.300 tỉ và giữ được mức bội chi 3,5%/ GDP sẽ kéo nợ công theo tính toán xuống còn 62,6% GDP.
Tuy nhiên, ĐB Ngân cũng cho rằng thời gian tới Chính phủ cần chú ý đến năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam vì việc vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tăng lên tạo cạnh tranh nhưng cũng tạo áp lực cạnh trnah cho doanh nghiệp trong nước. Trong khi đó, theo ĐB, Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đã được thông qua nhưng chính sách làm thế nào để tiếp sức cho doanh nghiệp, thực hiện được NQ TW 5 theo đó xác định kinh tế tư nhân là động lực cho sự phát triển vẫn chưa rõ nét nên cần có những biện pháp để hỗ trợ doanh nghiệp Việt về khả năng cạnh tranh.
Trong khi đó, ĐB Trương Trọng Nghĩa đề cập đến vấn đề bộ máy nhà nước vì theo các con số báo cáo thì hiện nay chi thường xuyên của chúng ta đã lên đến 70% trong khi năm 2010 chỉ là 51%.
ĐB Nghĩa cũng cho rằng thâm hụt ngân sách là do tăng chi, chi không hợp lý, chi không hiệu quả chứ không phải là thu giảm vì tỉ lệ thu thuế của chúng ta có thể giảm một phần nhưng các loại phí lại tăng lên rất nhiều khiến tổng tỉ lệ huy động thuế cộng với phí là 21,8% GDP.
Còn ĐB Trần Anh Tuấn bày tỏ băn khoăn về việc tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam phụ thuộc khá lớn vào các doanh nghiệp FDI trong khi doanh nghiệp trong nước chưa tham gia chuỗi giá trị, tỉ lệ nội địa hóa thấp khiến giá trị gia tăng để lại cho Việt Nam thấp.
ĐB Tuấn cũng cho rằng việc sử dụng vốn, đặc biệt là vốn trái phiếu chính phủ chậm dẫn tới việc ta đi vay phải trả lãi nhưng chưa bố trí kịp thời nguồn vốn này vào đầu tư phát triển, vừa đem lại gánh nặng nợ vừa không lan tỏa được hiệu quả nguồn vốn. Trong kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế và thực hiện chính sách tài khóa của Chính phủ có nói phải điều hành linh hoạt việc phân bổ vốn đầu tư trong phát triển nhưng ở đây chưa thấy sự linh hoạt trong điều hành, khiến nhiều dự án có vốn giải ngân thấp, nhiều dự án thiếu vốn.
Do đó, ĐB cho rằng phải linh hoạt trong chính sách tài khóa để tránh ảnh hưởng tới sự phát triển chung trong dài hạn.