Tín dụng chính sách góp phần thay đổi tư duy của đồng bào
Vùng Tây Nam Bộ đã hình thành mạng lưới gần 39.600 Tổ Tiết kiệm và vay vốn (TKVV) ở tất cả các ấp, phum, sóc, tổ dân phố và 1.581 điểm giao dịch xã. Trong 05 năm qua, các chi nhánh NHCSXH đã cho vay gần 33.400 tỷ đồng từ 17 chương trình tín dụng chính sách cho hơn 2,3 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách.
Hoạt động này đã có tác động to lớn, đem lại sự ổn định cho khu vực nông thôn, nông dân Tây Nam Bộ, góp phần xóa đói giảm nghèo một cách bền vững, đồng thời có tác động tới các chính sách về chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở khu vực nông thôn, nhất là vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, vốn chính sách còn giúp một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số chuyển biến nhận thức, tập quán làm ăn, xóa bỏ tự ti mặc cảm, vươn lên tự thoát nghèo, hòa nhập cộng đồng.
“Có thể khẳng định rằng, kết quả giảm nghèo của khu vực Tây Nam Bộ trong những năm qua có đóng góp rất quan trọng của hệ thống NHCSXH, đáp ứng nguồn vốn rất lớn cho một khu vực còn nhiều khó khăn như Tây Nam Bộ” – ông Sơn Minh Thắng, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, cho biết – “Tín dụng chính sách đã góp phần thay đổi tư duy của đồng bào các dân tộc trong khu vực”.
Tuy nhiên, mặc dù đạt được những kết quả tích cực, chất lượng tín dụng có nhiều biến chuyển tốt nhưng chưa đồng đều, chưa thực sự ổn định và còn thấp hơn so với những khu vực khác. Ông Sơn Minh Thắng đề nghị Chính phủ tăng nguồn vốn và nâng định mức cho vay các chương trình tín dụng ở Đồng bằng Sông Cửu Long để NHCSXH mở rộng hoạt động tín dụng, đặc biệt là nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm.
“Đề nghị tăng cường nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm từ ngân sách trung ương, ngân sách địa phương và NHCSXH huy động để cho vay, gắn với chương trình đào tạo nghề nông thôn, hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, hỗ trợ hộ thiếu đất, mất đất sản xuất nhằm hạn chế tín dụng đen ở nông thôn và giúp lao động trong vùng có việc làm, yên tâm sinh sống, tránh tình trạng hộ vay bỏ địa phương” – ông Thắng nói.
Ủy thác vốn từ ngân sách địa phương cho vay qua NHCSXH: chỉ có được không có mất
Theo ông Đào Minh Tú – Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, trong thời gian tới, NHNN phối hợp cùng với các cơ quan hữu trách tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, tạo hành lang pháp lý hoàn thiện hơn cho NHCSXH hoạt động an toàn hiệu quả, đồng thời tiếp tục tích cực tìm kiếm các nguồn vốn cho NHCSXH từ các tổ chức quốc tế, phí chính phủ để NHCSXH có thêm nguồn vốn hoạt động.
“NHNN chỉ đạo NHCSXH lựa chọn triển khai có trọng tâm, trọng điểm các chương trình tín dụng chính sách có nhiều đối tượng thụ hưởng trong vùng, tránh triển khai dàn trải kém hiệu quả. Tiếp tục phát huy những kết quả đạt được và khắc phục những tồn tại, vướng mắc hiện nay để tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng các chương trình tín dụng chính sách trong công tác xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội cho nhân dân trong vùng” – ông Tú nói.
“5 năm vừa rồi hoạt động tín dụng chính sách ở khu vực Tây Nam Bộ đã đi chặng đường dài, nhưng phía trước còn nhiều khó khăn” - Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói – “Thời gian tới, trong công tác thông tin truyền thông, phải nhận thức tín dụng chính sách là công cụ của Đảng và Nhà nước, không tách rời chính sách tài khóa và tiền tệ. Chỉ đối tượng nghèo, đối tượng chính sách được thụ hưởng, Nhà nước ưu đãi lãi suất, lấy ngân sách ra cấp bù. Nên hoạt động của NHCSXH là hoạt động tín dụng nhưng là công cụ của Chính phủ. Hoạt động NHCSXH không chỉ có ý nghĩa kinh tế mà ý nghĩa chính trị, nhân văn sâu sắc, gắn bó chặt chẽ với chương trình giảm nghèo bền vững, chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới”.
Phó thủ tướng yêu cầu NHCSXH phấn đấu trong 3 – 5 năm tới phủ sóng 100% đối tượng thuộc diện thụ hưởng chính sách, qua đó đẩy lùi, hạn chế và xóa bỏ tín dụng phi chính thức ở nông thôn, nhất là tín dụng đen, góp phần quan trọng ổn định an ninh trật tự ở nông thôn, củng cố chính quyền cơ sở.
“Tôi đề nghị 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long tăng vốn từ ngân sách địa phương ủy thác qua ngân hàng này. Chuyển một lượng vốn qua NHCSXH cho người nghèo vay để đảm bảo an sinh xã hội chỉ chỉ có được không có mất đi đâu cả. Nhất là khu vực ĐBSCL phải chống chọi với biến đổi khí hậu khốc liệt nhất trong cả nước, nên sinh kế là rất quan trọng” – Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói – “NHCSXH cùng với địa phương tiếp tục đề xuất đề hoàn thiện thể chế, chính sách cho hoạt động cho vay đối tượng chính sách, sao cho thủ tục đơn giản, điều kiện cho vay rõ ràng minh bạch, tập trung trọng tâm trọng điểm, phù hợp với điều kiện thực tế, nâng mức cho vay lên tập trung cho vay vào những người có tính dẫn dắt, tạo ra công ăn việc làm cho người khác”.