Nhiều doanh nghiệp rút khỏi thị trường
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, số doanh nghiệp (DN) rút lui khỏi thị trường trong 8 tháng năm 2021 là 85,5 nghìn DN, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó TP HCM có 24 nghìn DN (chiếm 28,1% tổng số DN rút lui khỏi thị trường), tăng 6,6%. Số DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 43,2 nghìn DN, chiếm 50,5% tổng số DN rút lui khỏi thị trường. Trung bình mỗi tháng có gần 11.400 DN rút lui khỏi thị trường.
“Trải qua những tác động của dịch COVID-19 từ năm 2020 đến nay, các DN vốn đã bị tổn thương lại càng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Các nguồn lực dự trữ đang cạn dần trong khi thị trường chưa có dấu hiệu phục hồi hoặc đang phục hồi rất chậm” - ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định tại Diễn đàn “Sáng tạo kinh doanh trong môi trường biến đổi” do VCCI tổ chức mới đây.
Đáng lo hơn, đợt dịch này đã xâm nhập và tác động tiêu cực tới các khu công nghiệp, khu chế xuất, nơi tập trung lượng lớn người lao động, nhất là ở các tỉnh, thành phố thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, dẫn đến nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi lao động, sản xuất quy mô lớn, ảnh hưởng lớn đến kinh tế địa phương và cả nước.
Ông Phạm Ngọc Thạch - Phó ban Pháp chế VCCI đánh giá, tác động của COVID-19 tới cộng đồng DN là hết sức nghiêm trọng. Số liệu thống kê của VCCI cho thấy, có đến 87,2% DN chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Ông Chu Tiến Dũng - Chủ tịch Hiệp hội DN TP.Hồ Chí Minh chia sẻ, trong 2 tháng qua nền kinh tế của TP Hồ Chí Minh chỉ hoạt động khoảng 20%. “Đại dịch là phép thử và “bài kiểm tra” quá khó cho các DN. Thông qua đây để các DN “soi” lại mình để từ đó xây dựng kế hoạch chuyển đổi, thích ứng và có chiến lược phát triển bền vững hơn” - ông Dũng nói.
Còn theo ông Nguyễn Bình Minh đến từ VECOM, dịch càng phức tạp, DN phải tìm giải pháp thích ứng chứ không phải “ngủ đông”. “Con gấu ngủ đông vì nó biết bao giờ hết mùa đông, còn chúng ta không biết bao giờ COVID-19 mới kết thúc. Các DN trên thế giới cũng trong giai đoạn tái thiết kế lại chuỗi cung ứng và chọn Việt Nam như một điểm đến lý tưởng ngay trong và sau đại dịch. Các DN Việt Nam cần nắm bắt cơ hội này thúc đẩy kinh tế số phát triển” - ông Nguyễn Bình Minh lưu ý.
Ưu tiên đầu tư khoa học - công nghệ
Để vượt qua thách thức hiện tại, theo đại diện VCCI, nhiều DN đã quan tâm chuyển đổi mô hình hoạt động, số hóa trong các khâu vận hành, quản lý, khai thác, giao nhận vận tải và tạo nên những làn sóng lan tỏa trên thị trường. Rất nhiều DN ở các lĩnh vực như bán lẻ, dịch vụ… đã chuyển từ kênh kinh doanh truyền thống sang thương mại điện tử.
“Thực tế cho thấy, những DN tiên phong trong quá trình chuyển đổi số và có lòng tin rằng đổi mới là chìa khóa để nhanh chóng vượt qua thách thức, đón bắt các cơ hội của thị trường đều là những DN đã và đang trụ vững, phục hồi nhanh hơn các DN khác trước khủng hoảng của dịch COVID-19” - ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.
Với ước tính khoảng 70% giá trị mới được tạo ra trong nền kinh tế trong thập kỷ tới sẽ dựa trên các mô hình kinh doanh nền tảng được hỗ trợ kỹ thuật số, GS.TS Nguyễn Đức Khương - Thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng - Chủ tịch Tổ chức khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu nhận định, DN Việt Nam có lợi thế do tính năng động và năng lực tiếp cận số cao, nhanh.
Dẫn khảo sát gần đây được Deloitte thực hiện, bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Deloitte Việt Nam cho rằng, các công ty đang đánh giá các rủi ro hiện hữu chỉ mức trung bình và cho mục tiêu ngắn hạn mà chưa quản trị cho các mục tiêu tương lai. Bà Thanh cho rằng, đại dịch COVID-19 đặt ra yêu cầu DN cần có cái nhìn toàn diện hơn về quản trị rủi ro và phát triển bền vững. Bởi một chương trình quản lý khủng hoảng toàn diện có thể mang lại cách tiếp cận có tổ chức, có hệ thống để chuẩn bị và ứng phó đối với khủng hoảng cao gấp 3 lần.
Chánh văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế, ông Trịnh Minh Anh cho rằng, để nâng cao hiệu quả hoạt động, phục hồi sản xuất, kinh doanh, DN buộc phải đầu tư cho khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, đặc biệt là áp dụng công nghệ 4.0 trong cả phương thức sản xuất lẫn phương thức giao dịch với khách hàng.
“Duy trì kết nối với khách hàng song phải đảm bảo an toàn cho mình và cho khách hàng trong đại dịch. Đặc biệt DN cần nghiên cứu, tận dụng các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, đồng thời tăng cường sự chủ động, linh hoạt ứng phó trước những diễn biến của thị trường trong nước và quốc tế” - ông Minh Anh đưa ra lời khuyên.
"Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"