Phải tiến hành đồng thời, thắng lợi quá trình 'đột phá kép'

(PLVN) - Công tác cán bộ, tổ chức bộ máy, xây dựng, hoàn thiện thể chế... là những vấn đề được các chuyên gia, nhà khoa học tập trung thảo luận tại Hội thảo khoa học quốc gia: “Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam - Những vấn đề lý luận và thực tiễn”, do Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản tổ chức sáng nay (15/11), tại Hà Nội.
Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: V.Anh

Chủ trì hội thảo có các đồng chí: TS. Lại Xuân Môn - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương; PGS.TS. Lê Hải Bình - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản; PGS.TS. Vũ Văn Phúc - Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản.

Phải đột phá đi thẳng vào hiện đại

Theo GS.TS Phùng Hữu Phú - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, nguyên Chủ tịch Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng Trung ương, gần 95 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, nhìn tổng quát, dân tộc Việt Nam đã trải qua hai kỷ nguyên vẻ vang.

Kỷ nguyên thứ nhất là Kỷ nguyên độc lập, tự do, xây dựng chủ nghĩa xã hội (CNXH) (1930 - 1975), khởi đầu từ năm 1930, khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, dẫn đến thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và những chiến công vĩ đại trong các cuộc kháng chiến chống xâm lược (1946 - 1975) cùng những thành tựu quan trọng trong công cuộc xây dựng CNXH ở miền Bắc những năm 1954 - 1975.

Kỷ nguyên thứ hai là Kỷ nguyên thống nhất đất nước, đổi mới, phát triển (1975 - 2025), mở đầu bằng thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, thu non sông về một mối, đưa cả nước đi lên CNXH năm 1975, tạo tiền đề vững chắc để đất nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, tiến hành công cuộc đổi mới bắt đầu từ Đại hội lần thứ VI của Đảng năm 1986, tạo bước phát triển mạnh mẽ, toàn diện trên các lĩnh vực.

Và bây giờ, Việt Nam bước vào kỷ nguyên thứ ba, Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc mà thời điểm mở đầu là Đại hội lần thứ XIV của Đảng, ghi dấu ấn 40 năm đổi mới (1986 - 2026). “Mỗi kỷ nguyên đều xuất hiện một cách khách quan những yêu cầu lịch sử đòi hỏi quốc gia, dân tộc phải đáp ứng tốt nhất để thực hiện thành công mục tiêu chiến lược đã xác định”- GS Phùng Hữu Phú nói.

GS.TS Phùng Hữu Phú phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: V. Anh

GS Phùng Hữu Phú nhấn mạnh, yêu cầu bao trùm trong kiến tạo kỷ nguyên mới là phải tiến hành đồng thời, thắng lợi một quá trình “đột phá kép”. Một mặt, phải đột phá đi thẳng vào hiện đại, vào những lĩnh vực công nghệ cao, đặc biệt là công nghệ số, mà Việt Nam có lợi thế; vào quản trị quốc gia hiện đại trên nền tảng chính phủ số, xã hội số, công dân số, tạo sự phát triển vượt bậc về kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Mặt khác, phải đột phá trong việc giải quyết triệt để những điểm nghẽn, những yếu kém, hạn chế, những khó khăn đang kìm hãm, cản trở sự phát triển của đất nước.

Hai quá trình đột phá này cần phải được tiến hành song song, đồng bộ, hỗ trợ lẫn nhau, trong đó đi tắt, đón đầu, đi thẳng vào hiện đại là cơ bản, có ý nghĩa quyết định; khắc phục, giải quyết những yếu kém, bất cập là cấp bách, quan trọng.

Kỷ nguyên mới đòi hỏi phải tạo chuyển biến căn bản về nhận thức, hành động của toàn Đảng, toàn xã hội trong việc giữ gìn, nuôi dưỡng, sử dụng hiệu quả nhất các nguồn lực của đất nước. Từng đồng tiền, bát gạo; từng mét vuông đất rừng, ngư trường, biên cương; từng vỉa quặng; từng giờ từng ngày lao động và khả năng của mỗi con người… cần phải được quý trọng, bồi đắp, khai phóng để tạo thành của cải vật chất. Tiết kiệm, chống lãng phí, thất thoát, cần kiệm xây dựng đất nước phải trở thành quốc sách; thành nhiệm vụ chính trị của các tổ chức đảng, hệ thống chính trị; thành ý thức, tình cảm, việc làm tự giác của mỗi người Việt Nam trong kỷ nguyên mới.

Ngoài ra, kỷ nguyên mới đặt ra yêu cầu hàng đầu là nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng; xây dựng Đảng thật sự là đạo đức, văn minh, thật sự tiêu biểu cho trí tuệ, danh dự và lương tâm của dân tộc, của thời đại.

Cải cách tổ chức bộ máy quyết liệt hơn nữa

PGS.TS Lê Minh Thông - nguyên Trợ lý Chủ tịch Quốc hội đánh giá, qua gần 40 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, là tiền đề để đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới... Tuy nhiên, tổ chức của hệ thống chính trị vẫn còn khá cồng kềnh, nhiều tầng nấc, chức năng, nhiệm vụ của các tổ chức thành viên vẫn còn tình trạng trùng lặp, chồng chéo. Việc hoàn thiện mô hình tổ chức tổng thể của hệ thống chính trị cho phù hợp với tình hình thực tiễn còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng còn có hạn chế...

Bởi vậy, theo ông Thông, vấn đề đang đặt ra có tính cấp thiết vẫn là tiếp tục cải cách mô hình tổ chức tổng thể của cả hệ thống chính trị một cách quyết liệt với mức độ, quy mô của một cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy, với quyết tâm chính trị cao hơn nữa, các giải pháp mạnh mẽ hơn nữa, để mỗi tổ chức thành viên của hệ thống chính trị thật sự rõ về chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm và thẩm quyền, tinh gọn về tổ chức bộ máy, hiệu quả, hiệu lực về hoạt động để đáp ứng tốt yêu cầu lãnh đạo, dẫn dắt và tổ chức công cuộc vươn mình của dân tộc trong kỷ nguyên phát triển mới.

PGS.TS Lê Minh Thông phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: V. Anh

Theo ông Thông, việc xây dựng, đổi mới, hoàn thiện tổ chức bộ máy của các thiết chế trong hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả trước yêu cầu mới, cần tiếp tục xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, với trọng tâm là đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị.

Tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả trong các hoạt động lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Toàn bộ tổ chức và hoạt động của Quốc hội phải tuân thủ nghiêm các nguyên tắc của một thiết chế dân chủ nghị trường, khắc phục những biểu hiện “hành chính hóa” trong hoạt động Quốc hội.

Đổi mới mạnh mẽ hoạt động lập pháp để tháo gỡ những nút thắt về thể chế đang gây khó khăn cho sự phát triển. Quốc hội chỉ ban hành luật thuộc phạm vi thẩm quyền theo quy định của Hiến pháp, bảo đảm thẩm quyền lập quy của Chính phủ để xử lý kịp thời, linh hoạt những vấn đề của thực tiễn.

Mọi cơ quan, công chức đều phải được giao nhiệm vụ rõ ràng. Việc đánh giá tổ chức, cán bộ, công chức phải căn cứ vào kết quả hoàn thành nhiệm vụ. Phải hoàn thiện tiêu chí đánh giá và cơ chế kiểm soát thực thi công vụ. Người đứng đầu cơ quan hành chính phải chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện chức năng nhiệm vụ được giao và phải được trao quyền quyết định tương ứng về tổ chức cán bộ.

Nâng cao chất lượng hoạch định chính sách

Trong tham luận gửi tới Hội thảo, PGS. TS Phạm Minh Tuấn - Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản cho rằng hệ thống pháp luật hoàn thiện là yếu tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, là một trong những yếu tố thể hiện đặc trưng của Nhà nước pháp quyền. Đối với Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, giai đoạn hiện nay, để quản lý xã hội, quản trị quốc gia tự tin bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, từ thực trạng hệ thống pháp luật hiện hành, việc tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật là điều hết sức cấp thiết.

Đề xuất một số giải pháp, ông Tuấn cho rằng, cần nâng cao chất lượng hoạch định chính sách để góp phần nâng cao chất lượng xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật. Hoạch định chính sách có chất lượng là yếu tố quyết định đến chất lượng của các văn bản quy phạm pháp luật. Đồng thời, đổi mới các khâu trong quy trình hoạch định chính sách phù hợp với yêu cầu quản trị quốc gia theo hướng hiện đại. Tăng cường truyền thông chính sách ngay từ khi xuất hiện các sáng kiến chính sách, truyền thông trong quá trình hoạch định và khi một chính sách đã được ban hành...

Bên cạnh đó, thực hiện tốt việc đánh giá tác động chính sách, tạo cơ sở khoa học, thuyết phục, nâng cao chất lượng sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật. Có biện pháp hữu hiệu ngăn ngừa, kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm, các xu hướng cực đoan trong hoạch định chính sách, như: lồng ghép lợi ích cục bộ, tham nhũng chính sách trong xây dựng pháp luật; xa rời chủ trương, đường lối của Đảng; các chính sách cản trở sự phát triển; các chính sách làm phức tạp về thủ tục, tăng chi phí tuân thủ; các mục tiêu của chính sách mâu thuẫn; các chính sách phiến diện, không bảo đảm tính bao trùm, không được sự đồng thuận của đối tượng chính sách...

Theo PGS.TS Lê Minh Thông, cốt lõi nhất của tinh gọn bộ máy là nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức trong bộ máy. Muốn làm được điều này phải đổi mới công tác cán bộ. Cán bộ phải được lựa chọn một cách minh bạch, cạnh tranh lành mạnh, thực sự đáp ứng được yêu cầu của quá trình vươn mình. Ngoài việc đổi mới cách bầu cử để tạo ra được sự cạnh tranh trong đội ngũ cán bộ, cần phải công khai hóa công tác cán bộ, dựa vào dân làm công tác cán bộ. Khắc phục tình trạng đúng quy trình mà không đúng người.

Đọc thêm