Báo cáo về kết quả Chỉ số CCHC của Bộ Tư pháp năm 2016, Phó Chánh Văn phòng Bộ Nguyễn Quốc Hoàn cho biết, năm 2016, vị trí xếp hạng của Bộ đứng thứ 6/19 bộ, ngành, tăng 3 bậc so với năm 2015. Kết quả này thể hiện sự quyết tâm và chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Bộ Tư pháp cũng như nỗ lực của các đơn vị thuộc Bộ trong việc thực hiện các nhiệm vụ CCHC năm 2016.
Phân tích 7 chỉ số thành phần CCHC năm 2016 thì Bộ Tư pháp thăng hạng vượt bậc so với năm 2015 đối với 2 chỉ số thành phần là “Hiện đại hóa hành chính” và “Cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước”. Một số chỉ số thành phần của Bộ tiếp tục duy trì vị trí xếp hạng cao là: “Xây dựng và tổ chức thực hiện thể chế thuộc phạm vi quản lý nhà nước” và “Cải cách thủ tục hành chính”. Đặc biệt, bên cạnh việc có nhiều khởi sắc trong các nội dung CCHC thuộc diện chấm điểm thẩm định, Bộ cũng đạt vị trí xếp hạng cao hơn ở kết quả điều tra xã hội học. Điều đó đã phản ánh sự ủng hộ tốt hơn đối với các chủ trương, nhiệm vụ CCHC của Bộ Tư pháp.
Tuy nhiên, ông Hoàn chỉ rõ, qua rà soát số điểm trừ của Bộ Tư pháp cho thấy trong thực hiện nhiệm vụ CCHC tại Bộ còn một số hạn chế. Chẳng hạn như, việc thực hiện chế độ báo cáo còn chậm; việc thực hiện các nhiệm vụ trong lĩnh vực xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức chưa đạt yêu cầu; việc thực hiện Chính phủ điện tử theo Nghị quyết 36a/NQ-CP của Chính phủ còn chậm. Bên cạnh đó, kết quả điều tra xã hội học đã cao hơn năm 2015 nhưng vẫn thuộc nhóm thấp (xếp thứ 12/19 bộ), trong đó có cả lĩnh vực là nhiệm vụ chính của Bộ Tư pháp.
Thảo luận tại buổi tọa đàm, các đại biểu nhất trí để thực hiện tốt Kế hoạch CCHC năm 2017 của Chính phủ thì các đơn vị cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nhiệm vụ do đơn vị mình chịu trách nhiệm, khắc phục những bất cập, hạn chế để từ đó nâng cao Chỉ số CCHC của Bộ Tư pháp trong những năm tiếp theo. Phó Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm Văn Thị Khanh Thư thông tin: Mặc dù chưa kịp đạt tiến độ về thời gian do một số nguyên nhân nhưng dự kiến ngày 10/7 tới đây sẽ vận hành chính thức phần mềm đăng ký giao dịch bảo đảm trực tuyến theo đúng yêu cầu cung cấp dịch vụ công mức độ 4.
Bàn về công tác hiện đại hóa hành chính, trọng tâm là xây dựng Chính phủ điện tử, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin Lê Văn Duyên cho biết sẽ phối hợp với các đơn vị nghiên cứu, xây dựng và triển khai Kiến trúc Chính phủ điện tử của Bộ Tư pháp. Về phần mình, các đơn vị trong Bộ cần tăng cường mức độ cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 (như trong lĩnh vực giao dịch bảo đảm) để đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của người dân.
Để khắc phục một “điểm trừ” khác của Bộ Tư pháp, ông Nguyễn Ngọc Vũ (Vụ Tổ chức cán bộ) đề nghị các đơn vị tiếp tục rà soát, sắp xếp, kiện toàn tổ chức, chức năng, nhiệm vụ theo Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế bảo đảm bộ máy đồng bộ, tinh gọn, ổn định. Trên cơ sở Danh mục vị trí việc làm đã được Bộ Nội vụ phê duyệt, các đơn vị cần hoàn thiện Bản mô tả công việc của các vị trí việc làm, Khung năng lực và thực hiện việc tuyển dụng, sử dụng, quản lý công chức, viên chức đúng theo yêu cầu; cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo ngạch, chức danh nghề nghiệp, vị trí việc làm và trình độ đào tạo...
Biểu dương các đơn vị thuộc Bộ trong năm qua đã có nhiều cố gắng trong thực hiện CCHC, Thứ trưởng Trần Tiến Dũng nhận thấy các đơn vị đã “làm thật, chứ không phải vì làm để có thứ hạng cao”, nhờ đó cải thiện vị trí xếp hạng của Bộ, thiết thực đóng góp vào quá trình xây dựng Chính phủ kiến tạo, phục vụ người dân, doanh nghiệp. Mặc dù Chỉ số CCHC đã được cải thiện song Thứ trưởng Trần Tiến Dũng nhấn mạnh: “Vẫn còn nhiều việc phải làm” và “làm không phải vì vị trí mà làm để chiến thắng bản thân mình”.
Thời gian tới, Thứ trưởng Trần Tiến Dũng đề nghị các đơn vị thuộc Bộ tiếp tục thực hiện tốt Kế hoạch CCHC năm 2017 của Chính phủ và Kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ Trương Hòa Bình tại Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác CCHC 6 tháng đầu năm 2017. Trong 7 chỉ số thành phần, theo Thứ trưởng, có nhiều tiêu chí thành phần nhỏ, là những việc rất thuận lợi của Bộ, ngành Tư pháp như xây dựng thể chế, kiểm soát thủ tục hành chính.
Riêng với kết quả điều tra xã hội học của Bộ Tư pháp, Thứ trưởng Trần Tiến Dũng yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ cần đảm bảo kịp thời trong công tác hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ, trả lời kiến nghị địa phương; chú trọng đến hoạt động lấy ý kiến góp ý của các Sở Tư pháp đối với các thể chế, cơ chế, chính sách thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp; kịp thời tổng hợp các kiến nghị, khó khăn và vướng mắc của người dân, doanh nghiệp để xử lý hoặc chuyển tới cơ quan có thẩm quyền giải quyết...