Phạm nhân… phát bệnh để "né" thi hành án?

 Cứ nhận được quyết định thi hành án phạt tù là bà Phạm Bích Ngà lại.. vào viện

Cứ nhận được quyết định thi hành án phạt tù là bà Phạm Bích Ngà lại.. vào viện.

Hình minh họa
Hình minh họa

Tòa ra lệnh, phạm nhân… phát bệnh

Báo PLVN số 220, ra ngày 8/8/2011 có bài “Cần làm rõ nhiều nghi vấn” phản ánh về vụ tạm đình chỉ thi hành án phạt tù và đặc xá có nhiều dấu hiệu trái pháp luật liên quan đến bà Phạm Bích Ngà, người bị kết án 12 năm tù vì tội buôn lậu vàng qua biên giới. Bà Ngà chỉ chấp hành án tù hơn 2 năm và đã được đặc xá trong đợt đặc xá kỷ niệm ngày Quốc khánh 2010. Nhưng việc đặc xá và đặc biệt là 3 lần tạm đình chỉ thi hành án phạt tù của bà Ngà có nhiều dấu hiệu cho thấy đây là một vụ việc trái pháp luật.

Sau khi Báo PLVN phản ánh, VKSNDTC đã yêu cầu Vụ Kiểm sát thi hành án hình sự (Vụ 4) kiểm tra và báo cáo lãnh đạo VKSNDTC về vụ việc này. Lật lại hồ sơ vụ tạm đình chỉ và đặc xá đối với bà Phạm Bích Ngà, có thêm nhiều chứng cứ chứng tỏ đây là một vụ việc tiêu cực, vi phạm pháp luật trong việc thi hành án phạt tù.

Lần tạm đình chỉ thi hành án đầu tiên được thực hiện theo Quyết định của TAND tỉnh Hải Dương vào ngày 27/7/2008, với lý do bà Ngà bị bệnh xơ gan cổ chướng. Theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, nếu phạm nhân bị bệnh nặng thì có thể được tạm đình thi thi hành án để chữa bệnh. Điều này được quy định rõ trong Thông tư liên tịch 02/2006/TTLT, giữa Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế, Bộ Công an, VKSNDTC và TANDTC.

Theo đó, người mắc bệnh nặng phải là người có bệnh nguy hiểm đến tính mạng (như HIV chuyển giai đoạn AIDS đang có nhiễn trùng cơ hội và có tiên lượng xấu, lao độ 4 kháng thuốc, suy tim độ 3…), buộc phải chữa trị bệnh để cứu tính mạng. Theo bệnh án của bà Ngà chỉ mô tả bệnh là bụng chướng, kém ăn, khó tiêu.. triệu chứng của bệnh xơ gan cổ chướng. Nhưng tình trạng bệnh không thể nguy hiểm đến tính mạng mà chỉ cần điều trị bằng biện pháp truyền dịch, bổ gan, lợi tiểu và cung cấp vitamin. Tuy nhiên, Hội đồng giám định Y khoa tỉnh Hải Dương vẫn kết luận là phải điều trị 12 tháng. Căn cứ vào kết luận này, Trại giam Hoàng Tiến đã đề nghị tạm đình chỉ thi hành án đối với bà Ngà. Quyết định tạm đình chỉ để chữa bệnh đồng nghĩa với việc “trả tự do có thời hạn”.

Ngày 14/7/2008, TAND tỉnh Quảng Ninh có quyết định tiếp tục thi hành án, đưa bà Ngà trở lại trại giam thì bà Ngà lại.. vào viện. Ngày 23/7/2008, bà Ngà nhập Bệnh viện đa khoa Hải Dương với bệnh tình là “vàng da, chướng bụng”. Cũng giống như lần trước, bệnh án của bà Ngà chỉ là kém ăn, khó tiêu, trong người mệt mỏi. Và hướng điều trị được bác sỹ Nguyễn Kim Thanh đưa ra vẫn là “truyền dịch, bổ gan, lợi mật, lợi tiểu và vitamin”.

Với tình trạng “bệnh tật” như trên, TAND tỉnh Hải Dương lại ra quyết định tạm đình chỉ thi hành án lần thứ 2 với nhận định là bệnh xơ gan cổ chướng nặng, phải điều trị dài ngày. Bà Ngà lại được tự do thêm một năm vì các triệu trứng vàng da, chướng bụng của căn bệnh mà một năm trước đã được phát hiện và điều trị nhưng.. không khỏi.

Lần thứ 3, ngày 24/7/2009, TAND tỉnh Hải Dương có quyết định đưa bà Ngà trở lại trại giam thì kịch bản lại tái diễn như hai lần trước, Quyết định của Tòa đã không được thực hiện với lý do tương tự. Nhưng lần này còn biểu hiện coi thường pháp luật nghiêm trọng hơn khi hai tháng sau ngày Tòa có quyết định, bà Ngà mới nhập viện cũng với lý do vàng da, ăn khó tiêu như trên.

Sau hai tuần điều trị, các bác sỹ đã hội chẩn và cũng kết luận bệnh là xơ gan cổ chướng, hướng điều trị là truyền dịch và bổ gan, lợi mật. Tuy không phải là phác đồ điều trị của tình trạng bệnh nguy hiểm nhưng, đây lại là lý do mà bà Ngà được tiếp tục tự do. Căn bệnh “xơ gan cổ chướng” của bà Ngà thật lạ lùng, chỉ phát bệnh khi có quyết định thi hành án của Tòa.

Một cú lách luật thành công? 

Không chỉ lấy căn bệnh xơ gan cổ chướng làm lý do để thoát nạn ở tù trong 3 năm, bà Ngà còn được đặc xá một cách không bình thường cũng nhờ căn bệnh này. Theo quy định của pháp luật, phạm nhân đang chấp hành hình phạt tù có thời hạn phải có thời gian ở tù ít nhất bằng 1/3 thời hạn tù bị tuyên phạt thì mới được đặc xá. Nếu có “trọng bệnh” thì thời gian chấp hành hình phạt có thể ngắn hơn nhưng bắt buộc phải là người có thời gian cải tạo, lao động xếp loại khá trước khi được đặc xá. Hướng dẫn của Hội đồng tư vấn đặc xá năm 2010 còn quy định rõ, người được đặc xá năm 2010 phải có thời gian cải tạo của năm 2008, 2009 và nửa năm 2010 xếp loại khá. Với hồ sơ của bà Ngà, không có kết quả cải tạo vì bà đang sống ngoài xã hội với các quyết định tạm đình chỉ thi hành án.

Thế nhưng, những người làm công tác đặc xá vẫn đưa bà Ngà vào danh sách đặc xá để trình Hội đồng tư vấn đặc xá và Chủ tịch nước. Quyết định đặc xá đã được ban hành, trong danh sách đó có tên bà Ngà cho dù những điều kiện đặc xá bà Ngà đã không thỏa mãn. Song, quyết định đặc xá lại không thể xem xét.

Cả việc tạm đình chỉ và việc đặc xá đối với bà Ngà đều “có vấn đề”. Giờ đây, bà Ngà trở về với cuộc sống và có thể đã hết bệnh xơ gan cổ chướng. Nhưng, trách nhiệm của những người liên quan đến việc tạm đình chỉ thi hành án và đặc xá thì không thể không xem xét. Các cơ quan có trách nhiệm cần phải làm rõ vụ việc này. Một điều không công bằng nữa là có rất nhiều phạm nhân đã không có cơ hội gặp mặt người thân trước khi qua đời vì trọng bệnh trong các trại giam trong cả nước. Vì sao họ không được tạm đình chỉ để về nhà chữa bệnh như bà Ngà? Phải chăng, bà Ngà là phạm nhân đặc biệt vì bà phạm tội buôn lậu.. vàng?                     

Thông tư 02/2006/TTLT-BCA-BQP-BYT-TANDTC-VKSNDTC

2. Điều kiện để có thể được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù

Người đang chấp hành hình phạt tù bị bệnh nặng là người bị bệnh đến mức không thể tiếp tục chấp hành hình phạt tù được và nếu để tiếp tục chấp hành hình phạt tù sẽ nguy hiểm đến tính mạng của họ; do đó, cần thiết phải cho họ được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù để họ có điều kiện chữa bệnh; ví dụ như: ung thư giai đoạn cuối, xơ gan cổ chướng, lao nặng độ 4 kháng thuốc, bại liệt, suy tim độ 3 trở lên, suy thận độ 4 trở lên, HIV chuyển giai đoạn AIDS đang có các nhiễm trùng cơ hội và có tiên lượng xấu.

Xuân Bính

Đọc thêm