Những thách thức cần giải quyết
Tại Nghị quyết số 60-NQ/TW ngày 12/4/2025 của Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương (BCH TƯ) Đảng khóa XIII, BCH TƯ đã đồng ý chủ trương tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp; đồng ý số lượng đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sáp nhập là 34 tỉnh, thành phố; sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã bảo đảm cả nước giảm khoảng 60 - 70% số lượng đơn vị hành chính cấp xã so với hiện nay. Đồng thời, kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện từ ngày 01/7/2025 sau khi Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025 (sửa đổi) có hiệu lực thi hành.
Như vậy, với việc các đơn vị hành chính cấp tỉnh được sáp nhập và đơn vị hành chính cấp huyện dừng hoạt động, không chỉ làm thay đổi nhiệm vụ, chức năng của bộ máy mới (đặc biệt là đơn vị hành chính cấp xã sẽ được trao quyền rộng hơn, không gian lớn hơn), mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến các hoạt động kinh tế, văn hóa - xã hội, thủ tục hành chính cũng như tâm tư, tình cảm của hàng triệu người dân.
Đơn cử như việc thay đổi tên gọi của đơn vị hành chính mới sẽ dẫn đến nhiều tên gọi trước đây của một vùng đất, một địa danh gắn bó bao đời với người dân có thể sẽ không còn. Các loại giấy tờ gắn với quyền lợi thiết thân của rất nhiều người cũng sẽ thay đổi. Bên cạnh đó, hệ thống pháp luật liên quan đến tổ chức bộ máy còn những điểm chưa thống nhất, một số quy định hiện hành về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan chưa thực sự rõ ràng…
Tinh thần nhất quán luôn được Đảng, Nhà nước ta nhấn mạnh là việc tinh gọn bộ máy không được để gián đoạn công việc. Tuy nhiên, quá trình triển khai sẽ không tránh khỏi những vướng mắc nhất định trong giải quyết dịch vụ công tại một số địa phương mới sau khi sáp nhập, nhất là tại vùng sâu, vùng xa khi mà năng lực cán bộ còn chưa kịp thích ứng, chưa thành thạo sử dụng máy móc thiết bị hiện đại... Thách thức phía trước chắc chắn là rất lớn.
Trao đổi với chúng tôi, PGS.TS Trương Hồ Hải, Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, một trong những khó khăn lớn của việc tinh gọn bộ máy là sẽ “đụng chạm” đến lợi ích của rất nhiều người. Điều này cũng là bình thường, bởi tinh gọn bộ máy sẽ dư ra một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức không có công ăn việc làm, tức là ảnh hưởng đến cuộc sống, con cái, gia đình của họ… Ai cũng có mối quan hệ ấy, cho nên chúng ta phải tính toán thật kỹ. Cùng với đó, sẽ có nhiều nhân lực giỏi trong bộ máy nhà nước xin ra ngoài, gây tổn thất nguồn nhân lực. Các cơ quan chức năng cũng phải đề phòng sự bất ổn xã hội khi có một lượng lớn lao động ra bên ngoài tìm việc…
Không chỉ đúng mà cần hài hòa, hợp lý
Để công cuộc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy chính trị đi vào thực chất, theo chúng tôi, trước tiên, cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận, đoàn kết và thống nhất cao trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và Nhân dân thì cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ban, ngành, địa phương; thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ, khách quan, công tâm; lắng nghe, tiếp thu những ý kiến đóng góp xác đáng trong quá trình triển khai.
Đặc biệt, việc lấy ý kiến về đặt tên cho các đơn vị hành chính mới sau sáp nhập, trụ sở mới đặt ở đâu, cơ cấu tổ chức như thế nào… phải thực sự khoa học, minh bạch. Quan trọng hơn là sau khi tinh gọn, phải bảo đảm cho bộ máy mới hoạt động hiệu quả hơn trước chứ không đơn thuần chỉ là phép tính cộng; phải đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính, xây dựng chính quyền phục vụ. Việc trao thêm thẩm quyền cho cấp xã cần bố trí tương xứng về nguồn lực, tránh tình trạng “trao quyền mà không trao lực”.
Thứ hai, cần bảo đảm các cơ quan, đơn vị trước, trong và sau sắp xếp hoạt động liên tục, thông suốt, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, không để gián đoạn công việc, không bỏ trống nhiệm vụ, địa bàn, lĩnh vực, không để ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cơ quan, đơn vị, tổ chức và Nhân dân (nhất là hoạt động khám, chữa bệnh và việc đi học của học sinh…). Đây cũng là một trong 7 nhiệm vụ mà BCH TƯ yêu cầu phải làm ngay sau Hội nghị Trung ương 11 vừa qua.
Thứ ba, khi sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính mới phải sử dụng, bố trí công việc phù hợp với năng lực, sở trường, nguyện vọng chính đáng của từng người, tuyệt đối không được để xảy ra tình trạng lãng phí nguồn nhân lực chất lượng cao; giải quyết các chế độ, chính sách phù hợp với từng đối tượng.
Cần thiết có thể bồi dưỡng, đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho những cán bộ đảm trách vị trí công tác mới, nhất là cán bộ làm việc ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn theo hướng chuyên nghiệp hơn. Bởi khi đơn vị hành chính cấp xã đảm đương thêm nhiều nhiệm vụ mới do cấp huyện thực hiện trước đây, thì áp lực về trách nhiệm công việc sẽ rất lớn. Đồng thời, bảo đảm công bằng cho cán bộ, công chức, từ môi trường làm việc, thu nhập, đến điều kiện đi lại, bố trí nhà ở công vụ…
Đối với người dân, doanh nghiệp, cần có chính sách hỗ trợ để giảm thiểu khó khăn trong quá trình làm thủ tục thay đổi giấy tờ, tránh gây ra những xáo trộn tiêu cực đến xã hội.
Thứ tư, phải tối ưu hóa những cơ sở vật chất đã có và tiến hành kiểm kê, giám sát nhằm sử dụng tài sản công dư thừa một cách hợp lý, tiết kiệm nhất, tránh lãng phí hoặc để xảy ra sai phạm trong tiến trình sáp nhập. Hiện nay, cả nước có hơn 10.000 trụ sở ủy ban cấp xã, sau khi sáp nhập, cả nước sẽ có khoảng 60 - 70% số trụ sở cấp xã dư thừa. Do đó, các phương án như bán, cho thuê, đấu thầu… các trụ sở cũ cũng nên được tính đến để lấy kinh phí xây dựng, sửa sang lại trụ sở mới; hoặc có thể dành các cơ sở vật chất dôi dư phục vụ mục đích an sinh xã hội, công ích, công cộng; phục vụ cho y tế, giáo dục…
Thứ năm, tuyệt đối không để “lợi ích nhóm”, lợi ích cục bộ xen vào quá trình thực hiện. Phát biểu tại cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực (diễn ra ngày 25/3 vừa qua), Tổng Bí thư Tô Lâm đã yêu cầu cấp ủy, người đứng đầu các cấp phải lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, tăng cường kiểm tra, giám sát, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng “chạy chọt”, “lợi ích nhóm”, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong công tác cán bộ và trong bố trí, sử dụng trụ sở, tài sản công của các cơ quan, đơn vị, địa phương khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, đơn vị hành chính. Đồng thời chấn chỉnh tâm lý chờ đợi, trì hoãn giải quyết công việc, gây ách tắc, lãng phí thời gian, công sức, tiền bạc của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp...
Thiết nghĩ, các yêu cầu này cần được các cơ quan chức năng thực hiện nghiêm túc, hết sức công tâm, khoa học, khách quan, minh bạch. Muốn vậy phải tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra của các cơ quan chức năng; công tác giám sát của Nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và các cơ quan dân cử, báo chí trong quá trình sắp xếp, tổ chức lại bộ máy để công việc này không chệch hướng.
Thứ sáu, cần khẩn trương rà soát, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương, bảo đảm cho các cấp chính quyền mới hoạt động trơn tru, hiệu quả. Trong đó có sửa đổi Luật Cán bộ, công chức gắn với việc sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; đổi mới mạnh mẽ công tác tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, luân chuyển, điều động, đánh giá cán bộ, công chức theo hướng thực chất, “vì việc tìm người”.
Sắp xếp, tinh gọn bộ máy là một “cuộc cách mạng” trong toàn hệ thống chính trị, là sự thay đổi về tư duy, nhận thức, về thể chế, con người... Để vượt qua những thách thức hiện nay, bên cạnh sự đồng lòng, ủng hộ của đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân, còn là những giải pháp toàn diện và phù hợp thực tiễn. Chỉ khi tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị hoạt động thực sự “tinh - gọn - mạnh; hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả”, chúng ta mới có thể xây dựng được một Nhà nước Pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam giàu mạnh, thực sự của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Đó cũng là minh chứng rõ ràng, thuyết phục nhất để đập tan mọi âm mưu, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động.
Phát biểu kết luận Phiên họp lần thứ 3 của Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của BCH TƯ Đảng khóa XII, diễn ra ngày 14/4, Tổng Bí thư Tô Lâm - Trưởng Ban Chỉ đạo nhấn mạnh, phạm vi công việc rất rộng, các nhóm công việc liên quan chặt chẽ với nhau, cả hệ thống chính trị phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, phối hợp thực hiện đồng bộ. Nhất là nhóm công việc về hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thực hiện, về sửa đổi Hiến pháp năm 2013, về hoàn thiện thể chế pháp luật và các quy định, phải đi trước một bước để tạo hành lang pháp lý vững chắc cho tổ chức thực hiện.